Bảo Nguyễn (kiều bào Mỹ): “Ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài như tôi rất muốn trở về để làm kinh doanh”
Với hơn 26 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, ông Bảo Nguyễn (kiều bào Mỹ), Giám đốc Điều hành GoBear Việt Nam là người luôn có niềm tin cần phải mang đến những dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện hơn cho người dân Việt Nam.
GoBear là siêu thị tài chính trực tuyến tích hợp và chuyên biệt đứng đầu châu Á dành cho các sản phẩm bảo hiểm và tài chính. GoBear chính thức đi vào hoạt động vào năm 2015 tại Singapore và đã hiện diện ở 07 thị trường: Hồng Kông, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Đến nay, GoBear đã phục vụ hơn 40 triệu người dùng, so sánh gần 1.800 sản phẩm tài chính cá nhân. GoBear, với mục tiêu cải thiện sức khỏe tài chính, trao quyền cho người dùng bằng việc trang bị các kiến thức, công cụ và sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân. Là doanh nghiệp fintech mang đến các giải pháp tiên tiến để giải quyết các thách thức quan trọng của thị trường địa phương. Dựa trên dữ liệu và hiểu biết hiện có, GoBear có thể xây dựng các sản phẩm tốt hơn, so sánh và nhận định về giá, hợp tác để đưa khách hàng gần hơn với các dịch vụ tài chính cũng như đánh giá được sự thấu hiểu về nhu cầu tài chính của người tiêu dùng.
Q: Ông vui lòng chia sẻ lý do trở về Việt Nam của mình?
Khi tôi về Việt Nam vào năm 2002, những gì tôi thấy là một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ ở mọi ngóc ngách của Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đã và đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi cùng những thay đổi tích cực về lực lượng lao động, xã hội và kinh tế. Với kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, tôi quyết định nắm bắt cơ hội này để góp sức tạo ra sức bật kinh tế cho đất nước, biến Việt Nam trở thành một “con hổ châu Á”.
Q: Khoảng 18 năm từ khi trở về làm việc và sinh sống tại Việt Nam, ông nhận thấy có sự thay đổi lớn lao nào của đất nước trong tâm thức của một người Việt Nam ở nước ngoài xa quê?
Tôi đã nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của đất nước như một phép mầu. Việt Nam có lợi thế về dân số trong độ tuổi lao động cao, mức thu nhập khả dụng ngày càng tăng và việc ứng dụng công nghệ di động nhanh chóng là những thuận lợi giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia được quan tâm nhiều nhất ở Đông Nam Á. Với sự chuyển đổi nhanh chóng sang kỷ nguyên kỹ thuật số, các khu đô thị rộng lớn của Việt Nam là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế. Chưa bao giờ cơ hội để làm kinh doanh tốt như hiện nay. Tôi xin nhấn mạnh, cơ hội dành cho tất cả mọi người, dù bạn có là lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân hay người làm về đổi mới sáng tạo.
Q: Một công ty fintech (công nghệ tài chính) chỉ mới hơn 5 năm tuổi, sau thương vụ huy động 80 triệu đô-la từ Quỹ đầu tư Walvis Participaties và Aegon N.V của Hà Lan, liệu có phải GoBear và các nhà đầu tư nhận thấy được tiềm năng của thị trường tài chính cũng như fintech nói riêng tại Việt Nam?
Chúng tôi vô cùng tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của thị trường tại Việt Nam và khu vực. Việt Nam có hơn 95 triệu người trong đó ít nhất 60% sở hữu điện thoại thông minh. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính của khoảng 40 triệu người là rất hạn chế hoặc hoàn toàn không có. Những con số này không chỉ thể hiện một cơ hội lớn cho lĩnh vực fintech mà còn tạo ra các điều kiện lý tưởng để kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhảy vọt trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Điều này cũng mở ra nhiều cánh cửa cho các công ty quản lý quỹ tham gia vào thị trường và cung cấp nhiều loại sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.
Q: Hiện nay, thị trường tài chính nói riêng và kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19. Vậy đâu là cơ hội và thách thức của GoBear cũng như các công ty fintech nói chung trong việc định hướng nhu cầu và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người tiêu dùng?
Ngoài những tác động tiêu cực đối với ngành Ngân hàng như sụt giảm nhu cầu tín dụng và tăng rủi ro về nợ xấu thì Covid-19 cũng phản ánh rõ nét trên thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh so với đầu năm, các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33 phiên liên tiếp với tổng giá trị khoảng 9.200 tỉ đồng trong quý I.
Điều mà các công ty fintech như GoBear có thể làm là giúp các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Với những cá nhân chi tiêu chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ tiền lương, thất nghiệp kéo dài có thể dẫn đến nhiều khó khăn hơn. Chúng ta cần nhanh chóng xác định đúng đối tượng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ phù hợp. GoBear Việt Nam dự kiến ra mắt dịch vụ cho vay trực tuyến vào tháng 7 năm nay. Khi đó, hàng triệu người dân Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng thiết yếu. Để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng, việc hợp tác công tư nên được chú trọng (giữa Nhà nước và tư nhân - PV) để khuyến khích người dân sử dụng các kênh giao dịch trực tuyến và tùy chọn ngân hàng di động khi có thể.
Q: Mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào tài chính và việc hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại. Đối với TP. HCM, theo ông, TP. HCM cần phải làm gì, đặc biệt là phát huy nguồn lực kiều bào trong kế hoạch phát triển thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế?
Để TP. HCM trở thành một trung tâm tài chính khu vực là mục tiêu mà Lãnh đạo thành phố và các tổ chức tài chính cần phải đặt ra. Trung tâm phải có khả năng hỗ trợ và thực hiện các giao dịch tài chính xuyên biên giới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Để thành công cần hai yếu tố chính là nguồn nhân lực phù hợp, các thủ tục và chính sách pháp lý đủ mạnh do Nhà nước quy định. Việc thành lập Ban chỉ đạo fintech và các biện pháp hỗ trợ khác chứng tỏ Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hơn các cơ chế pháp lý. Nếu kế hoạch 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng đạt hiệu quả trong vòng hai năm tới, điều đó có thể đẩy nhanh thị trường fintech - nơi các công ty khởi nghiệp như GoBear đã tạo ra các giải pháp linh hoạt để đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.
Nói về lực lượng lao động lành nghề, ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài như tôi rất muốn trở về nước để làm kinh doanh. Nhà nước đã liên tục xây dựng và điều chỉnh các chính sách để thu hút người Việt ở nước ngoài về đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Càng thuận lợi hơn khi Chính phủ ra mắt các khung thể chế thí điểm (sandbox) cho doanh nghiệp có cùng mục tiêu chia sẻ ý tưởng, đổi mới sáng tạo để khích lệ và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường fintech trong tương lai.
|