Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào tại Thái Lan

Published Date
01/06/2020

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt. Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), xin trân trọng gửi tới bạn đọc một số thông tin về hoạt động của Người trong thời gian bôn ba tìm đường cứu nước tại Thái Lan cũng như những tình cảm của Bác dành cho kiều bào sau khi nước nhà giành độc lập.

 
Bác Hồ đón kiều bào Thái Lan tại cảng Hải Phòng năm 1960

 


Sự quan tâm của Bác Hồ với kiều bào không chỉ thể hiện ở những định hướng lớn của Người về việc tổ chức, xây dựng phong trào yêu nước của kiều bào những ngày đầu cách mạng mà còn ở cả trong những công việc cụ thể, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Trong thời gian về hoạt động tại Thái Lan (tháng 7/1928 đến 11/1929), tuy thời gian không nhiều nhưng hình ảnh người chiến sĩ cách mạng Việt Nam mang tên Thầu Chín vẫn luôn in đậm trong lòng người Việt ở Thái Lan và cả người dân bản địa. Trong thời gian này, Bác Hồ đã liên lạc với những kiều bào yêu nước đang sống và hoạt động tại đây để thu hút, tập hợp, thức tỉnh, huấn luyện họ thành đội ngũ cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Người đã tích cực tuyên truyền, vận động, gây dựng, củng cố cơ sở cách mạng và gây ảnh hưởng về trong nước. Tại các vùng có nhiều Việt kiều như Phichit, Sakon Nakhon, Nakhon Phanom, Udon Thani..., Người đã mở các lớp huấn luyện ngắn hạn cho các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội); cải tiến công tác báo chí, vận động mở trường dạy học cho kiều bào. Đã nhiều lần gặp nguy hiểm, nhưng nhờ một số kiều bào yêu nước, các cơ sở cách mạng che chở nên Người vẫn được bảo vệ an toàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho kiều bào Thái Lan một tình cảm đặc biệt, Người đã cùng Đảng và Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón tiếp kiều bào về nước. Ngày 10 tháng 01 năm 1960, Người xuống tận cảng Hải Phòng trực tiếp đón kiều bào đầu tiên từ Thái Lan về nước. Trong buổi gặp mặt đầy cảm động này, Người khen ngợi kiều bào, dù ở nơi đất khách quê người nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc; Người tin tưởng kiều bào luôn cùng đồng bào trong nước đồng cam, cộng khổ, vượt mọi khó khăn, hăng hái thi đua, thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, vui tươi....

Để giúp đỡ kiều bào về nước xây đời sống mới, Người chú trọng đến những vấn đề cụ thể cho tương lai, như việc bố trí nơi ăn, chốn ở, việc sử dụng hợp lý khả năng chuyên môn cho từng người, quan tâm tới các trường học cho con em của kiều bào. Người thường xuyên nhắc nhở các ngành, các cấp chính quyền: "Kiều bào về đến địa phương nào, thì cán bộ và nhân dân ta ở đó cần phải hết lòng giúp đỡ kiều bào đúng như Đảng và Chính phủ đã chỉ thị".

Sáng ngày 29 tháng 01 năm 1960 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Việt kiều ở Thái Lan mới về nước đến thăm và chúc Tết Canh Tý. Người thân mật nói chuyện với các đại biểu về tình hình trong nước, những khó khăn của ta trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhắc nhở kiều bào cố gắng làm việc, học tập để góp phần vào công cuộc kiến thiết đất nước. Kiều bào ta ở Thái Lan vô cùng cảm động và biết ơn sâu sắc đối với Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện cho kiều bào được trở về Tổ quốc, được đón tiếp nồng nhiệt và tạo mọi điều kiện để làm ăn sinh sống. Vì vậy, kiều bào ta đã tự nguyện đóng góp tiền, của để xây dựng đất nước và tích cực tham gia phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự gần gũi, thân mật trong những lần gặp gỡ, sự ân cần, chu đáo trong những lời chỉ bảo, dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm xúc động lòng người, làm cho kiều bào càng nhận rõ và ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, cổ vũ kiều bào thi đua phấn đấu, cùng nhau góp sức vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Các thế hệ kiều bào tại Thái Lan sau này, dù sinh ra và lớn lên trên đất Thái Lan và chưa ai từng được gặp Bác Hồ nhưng vẫn một lòng hướng về Bác với niềm yêu thương, tôn kính. Hình ảnh Bác Hồ đã in sâu trong tâm trí các thế hệ kiều bào ở Thái Lan:

Bác Hồ như một vầng trăng

Soi từ Tổ quốc soi sang Việt kiều


Bác Hồ chẳng ở cao siêu

Trong tim trong óc Việt kiều Thái Lan.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, kế thừa và phát triển tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước; đồng thời, mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng đất nước.

Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26 tháng 3 năm 2004 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày ngày 19 tháng 5 năm 2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã và đang cổ vũ kiều bào phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cùng góp phần vào việc xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam sánh cùng với bạn bè các nước như Bác Hồ hằng mong muốn./.

                                                                                       Trần Đức Hiển- PCN Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM