Nhà báo chân chính luôn vượt mọi nguy hiểm để bám trụ với nghề
Chị Lê Thị Hiệu ( Hiệu Constant), kiều bào Pháp là một cây bút đa năng. Chị không chỉ nổi tiếng với vai trò là nhà văn, dịch giả, mà còn là một nhà báo khá năng động tại Pháp. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu những chia sẻ chân thành của chị về nghề báo trước làn sóng công nghệ hiện nay
Nghề báo trước làn sống công nghệ mới
Với sự phát triển của công nghệ, cuộc cách mạng 4.0, hơn bao giờ hết, chúng ta đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của giới truyền thông. Sống và làm việc trên đất Pháp đã hơn 20 năm, tôi thấy rằng từ ngày các mạng xã hội phát triển mạnh, thì báo chí Pháp nói riêng và phương Tây nói chung cũng có xu hướng đổi mới rất nhiều để thu hút độc giả. Đương nhiên, truyền hình vẫn đóng vai trò mạnh, nhưng vẫn bị cạnh tranh với các mạng xã hội như Youtube, Face Book.., báo giấy và báo in có phần giảm đi trong khi báo mạng phát triển khá mạnh. Chúng ta đều có những phương tiện hiện đại như điện thoại, máy tính… có thể cập nhật thông tin mọi nơi mọi lúc. Dẫu vậy, các nhà báo chuyên nghiệp Pháp vẫn không lo bị thất thế. Tôi đã chứng kiến một số bạn phóng viên người Pháp, họ sẵn sàng từ nhiệm tại các báo chính thống để mở trang Web riêng, bạn đọc muốn đọc những bài báo báo trọn vẹn của họ phải trả tiền qua mạng. Thế mới thấy rằng bạn đọc phương Tây đọc và đánh giá bài viết của phóng viên chứ không phải chọn tiếng tăm của tờ báo…
Dân số Việt Nam không nhỏ và lượng người sử dụng mạng viễn thông, các mạng xã hội nhiều so với dân số, các báo và nhà báo có lẽ cần tác nghiệp chuyên nghiệp hơn, sao cho các trang báo mạng phải cạnh tranh được độ chính xác và nhanh nhạy so với các mạng xã hội. Các nhà báo tác nghiệp trên báo mạng cũng cần được đãi ngộ tương xứng, ví dụ như nhuận bút. Báo mạng có lợi thế về độ nhanh, ta có thể đưa bài lên bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng không vì thế mà được quyền viết ẩu, mà ngược lại phải cẩn thận hơn nhiều, cả nội dung và cách viết, hành văn… Và để có tiền trả các nhà báo đăng bài trên trang mạng, có lẽ các tổng biên tập báo cũng nên áp dụng “đọc báo trả tiền” như các báo mạng phương Tây để tránh lượng thông tin “lá cải” tràn lan, đọc mà cảm thấy như bị tra tấn…
Tôi thực sự mong muốn các các Tổng biên tập báo luôn có những sáng tạo để khuyến khích các nhà báo chân chính có thể sống được bằng niềm đam mê của mình, đưa đến các bạn đọc và quần chúng nhân dân lao động những tin tức có tính thời sự và thiết thực.
Nhà báo, nghề nguy hiểm
Hàng năm, trên khắp thế giới có tới hàng trăm nhà báo bị sát hại, bị bắt cóc, và số nhà báo bị đối xử bất công nhiều hơn số đó. Việt Nam cũng không hiếm, chúng ta thấy không ít cảnh phóng viên bị hành hung, đập máy... Dù muốn hay không, chúng ta phải thừa nhận rằng: nghề báo đang trở thành một “nghề nguy hiểm”. Ý kiến này không sai nhưng chưa đủ. Cũng là một người theo đuổi nghiệp viết và làm báo, thì tôi nhận thấy nghề làm báo chân chính thì ở thời đại nào cũng nguy hiểm! Bởi nhờ những nhà báo bất chấp nguy hiểm mà chúng ta còn được xem những trang phóng sự kể lại sự dũng cảm của những người lính trong chiến tranh và dân chúng sống trong những năm tháng hỗn mang của dân tộc để cảm nhận rõ hơn sự may mắn của chúng ta sống trong thời bình khi đất nước được hòa bình và có chủ quyền dân tộc. Ngay trong những ngày có đại dịch thế giới Covid-19 này, chúng ta vẫn được đọc và được xem những trang phóng sự tại hiện trường để nói về sự lao động cực nhọc của những chiến binh áo trắng, tình tương thân tương ái của đồng bào… Các nhà báo ấy, phải nói họ cũng dấn thân, bất chấp sự hiểm nguy nhằm đem đến cho bạn đọc hình ảnh thực tế về những gì đang diễn ra.
Có bạn hỏi tôi rằng các nhà báo chân chính phương Tây có giảm nhuệ khí trước sự “lên ngôi” của một số phần tử khủng bố cực đoan không. Tôi cho là không, họ không giảm nhuệ khí, mà ngược lại, qua những cơn bạo loạn xả súng điên cuồng ấy, họ thấy được tình đoàn kết tương thân tương ái của cộng đồng dành cho họ và điều đó khích lệ họ hơn nữa. Tôi đánh giá cao sự dấn thân của các nhà báo chân chính và khâm phục họ.