Quốc tế đánh giá cao Việt Nam vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế

Published Date
15/06/2020
Trong sơ đồ đánh giá kết quả về mặt sức khỏe cộng đồng và kinh tế của quốc gia, trang Politico.com đã lập bản đồ hiệu suất của 30 quốc gia đi đầu trong công tác chống dịch Covid-19, trong đó Việt Nam xếp hạng cao nhất.

Một dây chuyền lắp ráp thiết bị điện tử ở Việt Nam

Một dây chuyền lắp ráp thiết bị điện tử ở Việt Nam

Chống dịch tốt

Trang Politico.com đã lập ra danh sách 30 quốc gia đi đầu về hiệu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng, phân loại các nước này dựa trên mức độ áp dụng các biện pháp hạn chế nhẹ nhàng, vừa phải và nghiêm ngặt đối với các tương tác thương mại và xã hội. Trong bảng xếp hạng của Politico.com, Việt Nam thuộc vào danh sách các nước áp dụng hạn chế nhẹ nhàng, được xếp đầu bảng trong hệ quy chiếu này và là quốc gia vừa có tình hình sức khỏe cộng đồng cùng tình hình kinh tế tốt nhất trong công tác chống dịch. Việt Nam hiện là quốc gia đông dân nhất chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào do dịch Covid-19.

Politico nhận định: “Việt Nam là nước đông dân nhưng không có ca tử vong nào, với khoảng 300 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận trong tổng số 95 triệu dân. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu”.

Trang này cũng cho rằng, mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế của quốc gia và đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho năm nay.

Lạc quan kinh tế

Theo kênh truyền hình Đức DW, mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu và có khả năng suy thoái ở một số nước láng giềng, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay. Mục tiêu đầy tham vọng được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công bố trong một hội nghị trực tuyến gần đây với hàng ngàn đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mục tiêu này cao hơn đáng kể so với dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), theo đó, họ ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 2,7% trong năm 2020. Ngay cả dự báo đó cũng đặt Việt Nam lên trước các nước láng giềng và đảm bảo rằng nước này sẽ tiếp tục là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Theo DW, Chính phủ Việt Nam hy vọng nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. DW viết: “Đất nước này đã không ghi nhận các ca mắc Covid-19 có nguồn gốc cộng đồng trong vài tuần. Tất cả các ca nhiễm gần đây đều là các trường hợp người Việt Nam được hồi hương từ các quốc gia bị Covid-19 bùng phát nghiêm trọng”.

DW dẫn lời các chuyên gia tin rằng, Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19 vì đã hành động nhanh chóng và dứt khoát. “Hà Nội quyết định đóng cửa trường học, đóng cửa biên giới và đình chỉ các chuyến đi lại quốc tế sớm hơn nhiều so với các quốc gia khác. Nước này cũng thiết lập các khu kiểm dịch, nơi hàng chục ngàn người đến từ nước ngoài được cách ly trong 14 ngày”, DW cho biết và nhận định: Với nền kinh tế đang khởi động lại, Hà Nội hy vọng sẽ sử dụng niềm tin mới để thu hút nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. DW dẫn lời ông Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng của Công ty Nghiên cứu và tư vấn kinh tế Mekong, hy vọng rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ cách đất nước này xử lý Covid-19. “Có lẽ đây là một bước ngoặt khi Việt Nam rời khỏi nhóm các quốc gia như Campuchia và Philippines để gia nhập cùng các quốc gia như Thái Lan và Hàn Quốc, mặc dù Việt Nam chưa có GDP tương tự”, ông McCarty nhận định.

Nhà kinh tế này cũng cho rằng, Việt Nam đã cho thế giới thấy đất nước này có thể quản lý một mối đe dọa phức tạp như cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo ông Adam McCarty: “Họ (Việt Nam - PV) đang cho thấy rằng có thể xử lý nó tốt hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu và Mỹ. Đó là một tín hiệu cho các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài”.

KHÁNH MINH tổng hợp