TP.HCM giữ vững vai trò trung tâm kiến tạo doanh nghiệp Việt

Sau nửa thế kỷ kể từ ngày giải phóng, TP.HCM không chỉ khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế mà còn giữ vững vị thế trung tâm kiến tạo doanh nghiệp của cả nước, nơi hội tụ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và bản lĩnh kinh doanh Việt. Song song với những thành tựu rực rỡ là loạt thách thức mới đang đặt ra, buộc Thành phố phải tiếp tục kiến tạo đột phá nếu muốn duy trì vai trò trung tâm năng động và sáng tạo của khu vực.
Hành trình vươn lên vị thế đầu tàu
Từng mang dáng dấp của một đô thị kiệt quệ sau chiến tranh - với hạ tầng xuống cấp, hàng trăm nghìn người thất nghiệp và nền kinh tế bao cấp thiếu sức sống - TP.HCM đã dũng cảm khởi xướng một hành trình chuyển mình mạnh mẽ. Thành phố là địa phương đầu tiên mạnh dạn thử nghiệm các mô hình phát triển mới, mở đường cho thời kỳ đổi mới sâu rộng trên cả nước.
Nhận ra sớm những hạn chế của cơ chế cũ, TP.HCM đã đề xuất và thực hiện nhiều chính sách mở cửa, từng bước thừa nhận và thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân. Đồng thời, TP.HCM đi đầu trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua các khu chế xuất hiện đại, góp phần chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất lao động và tạo hàng triệu việc làm.
Ngày nay, TP.HCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế khi dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Tính đến cuối năm 2024, Thành phố có gần 600 nghìn DN, chiếm hơn 30% tổng số DN cả nước. Không chỉ tăng nhanh về lượng, cộng đồng DN tại đây còn không ngừng nâng cao chất lượng - từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến những tập đoàn lớn hoạt động trong các lĩnh vực mũi nhọn như tài chính, logistics, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, y tế, giáo dục...

Đặc biệt, nhiều DN đã chuyển hướng mạnh mẽ sang các lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao như trí tuệ nhân tạo, fintech, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo... Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành xu hướng chủ đạo, kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái sáng tạo trong và ngoài nước.
Không dừng lại ở thị trường nội địa, nhiều DN TP.HCM đã vươn ra thế giới thông qua xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc Thành phố là nơi đặt trụ sở của nhiều DN FDI lớn cũng giúp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự chuyển mình của DN nội địa theo hướng chuyên nghiệp, bài bản và hội nhập quốc tế.
Những thách thức của “thủ phủ” DN
Tuy luôn giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, nhưng trong những năm gần đây, sức bật của cộng đồng DN tại TP.HCM đang có dấu hiệu suy giảm. Tốc độ thành lập DN mới chững lại, trong khi tỷ lệ giải thể và tạm ngừng hoạt động lại gia tăng. Các chỉ số phản ánh sức khỏe nền kinh tế Thành phố cũng cho thấy sự hụt hơi tương đối khi so với mặt bằng chung của cả nước.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh DN cấp tỉnh do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Viện Sáng kiến Việt Nam và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành công bố năm 2024, TP.HCM vẫn dẫn đầu về nhiều chỉ tiêu tuyệt đối, nhưng khoảng cách phát triển đang bị thu hẹp đáng kể. Thành phố chỉ có một DN lọt top 10 đơn vị nộp thuế lớn nhất năm 2022 và hoàn toàn vắng bóng trong bảng xếp hạng 10 DN hàng đầu Việt Nam của VNR500.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác đã có sự vươn lên rõ rệt cả về số lượng và chất lượng DN, từng bước vượt qua TP.HCM ở một số mặt. So với các trung tâm kinh tế trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, năng lực cạnh tranh của các DN Thành phố vẫn còn khá khiêm tốn.
Thống kê tháng 1/2025 cho thấy TP.HCM có 1.802 DN thành lập mới, chiếm 17% cả nước và đứng thứ hai về số lượng, song lại ghi nhận mức giảm mạnh nhất – tới 45,4% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này đặt ra không ít thách thức cho mục tiêu đạt 700 nghìn DN đang hoạt động vào năm 2030.

Bà Lý Kim Chi - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhận định rằng, trong vài năm trở lại đây, TP.HCM có dấu hiệu chững lại về sức cạnh tranh cấp tỉnh. Áp lực chi phí, thủ tục hành chính chưa đồng bộ, và đặc biệt là môi trường pháp lý chưa ổn định đang khiến nhiều DN rơi vào trạng thái ‘phòng thủ’. Nếu không sớm có những cải cách thực chất, mục tiêu 700 nghìn DN đến năm 2030 sẽ khó đạt được.
Chiến lược giữ vững vai trò trung tâm kiến tạo DN
Theo các chuyên gia, để giữ trọn vai trò trung tâm kiến tạo DN của Việt Nam, TP.HCM cần xây dựng đồng bộ các chiến lược đột phá.
Thứ nhất, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, với sự kết nối chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và DN. Trong bức tranh tổng thể phát triển DN tại TP.HCM, khối DN khởi nghiệp ĐMST đang được kỳ vọng là lực lượng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào mục tiêu 700.000 DN đến năm 2030.
Theo ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Tập đoàn Green+, để startup thực sự trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển DN, TP.HCM cần chuyển đổi tư duy hỗ trợ từ "sự kiện" sang "hệ sinh thái". Các cơ chế cần đi vào thực chất như ưu đãi thuế, tiếp cận quỹ đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), đơn giản hoá quy trình thành lập DN sáng tạo, cũng như xây dựng chính sách pháp lý rõ ràng cho các mô hình kinh doanh mới.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khẳng định TP.HCM hoàn toàn có thể đi đầu cả nước trong việc thiết kế một "sandbox chính sách". Đây sẽ là nơi thử nghiệm các ý tưởng công nghệ trong môi trường pháp lý linh hoạt, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho DN, đồng thời giúp Nhà nước kiểm soát, theo dõi và điều chỉnh phù hợp với tốc độ phát triển của thị trường.
PGS-TS. Từ Diệp Công Thành - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, TP.HCM cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; nghiên cứu các quy định đột phá nhằm hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN khởi nghiệp ĐMST, không chỉ thành lập thêm mà còn tránh tình trạng "chết yểu" ngay từ giai đoạn đầu.
Thứ hai, cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hơn 400 nghìn hộ kinh doanh cá thể của TP.HCM thành DN chính thức. Song song đó, phải đầu tư xây dựng đội ngũ doanh nhân nông nghiệp thế hệ mới từ khu vực nông thôn, thay đổi căn bản từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang cách tiếp cận kinh tế nông nghiệp hiện đại, đặt nền tảng trên quản trị chuyên nghiệp và mô hình vận hành DN.
Để làm được điều này, theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, trước hết, Thành phố áp dụng chính sách miễn, giảm thuế cho các hộ kinh doanh chuyển đổi và DN nông nghiệp mới thành lập. Cụ thể, nên miễn thuế thu nhập DN trong giai đoạn đầu (3 - 5 năm), giảm thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân để giảm áp lực tài chính.
Thành phố có thể đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh; thành lập các trung tâm tư vấn miễn phí hoặc hỗ trợ trực tiếp sẽ giúp các hộ kinh doanh cá thể, các hộ nông dân dễ dàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý. Đồng thời, chú trọng đến bồi dưỡng kỹ năng quản trị và phát triển thị trường thông qua tổ chức các khóa đào tạo về quản trị DN, tài chính, marketing, chuỗi cung ứng...
Thứ ba, cần tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển những "đại bàng nội địa" - tức các DN lớn mang bản sắc Việt, có khả năng cạnh tranh toàn cầu và dẫn dắt chuỗi giá trị trong các lĩnh vực then chốt. Đây không chỉ là mục tiêu về quy mô mà còn là bài toán về chất lượng phát triển DN, từ năng lực công nghệ, quản trị đến khả năng xây dựng thương hiệu quốc tế.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Việt Nam đang rất thiếu các DN đầu tàu có thể kết nối và dẫn dắt hệ sinh thái DN vừa và nhỏ. Muốn có những ‘đại bàng nội địa’, Nhà nước phải thay đổi tư duy từ hỗ trợ sang kiến tạo, từ khuyến khích đơn lẻ sang tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và ổn định lâu dài”.
Muốn làm được điều đó, TP.HCM cần xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi để các DN lớn có thể yên tâm đầu tư dài hạn, đặc biệt trong những ngành ưu tiên như công nghệ cao, tài chính, logistics, nông nghiệp công nghệ và công nghiệp văn hóa. Thành phố cũng cần tính toán đến việc hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đất đai và nhân lực chất lượng cao.
Theo TS. Võ Trí Thành, không thể chờ đợi DN lớn tự lớn lên trong một môi trường thiếu động lực và thiếu sự bảo vệ chiến lược. Nếu có một chính sách đủ tầm để nuôi dưỡng những thương hiệu mang bản sắc Việt, TP.HCM hoàn toàn có thể tạo ra những "Samsung Việt", vươn ra khu vực và thế giới. Trên hết, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, tổ chức hỗ trợ DN và khu vực tư nhân, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, còn DN phải dám nghĩ lớn, dám đầu tư cho ĐMST và nâng cao giá trị gia tăng.
Trong hành trình phía trước, TP.HCM không chỉ cần giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế mà còn phải vươn lên dẫn dắt bằng sự khác biệt, sự cải cách và sức bật đổi mới. Ở cột mốc 50 năm sau giải phóng, TP.HCM đứng trước một thời cơ lịch sử để định hình một thế hệ DN mới – năng động, bản lĩnh và hội nhập – từ đó tiếp tục giữ vững ngọn cờ tiên phong, khẳng định dấu ấn của một trung tâm kiến tạo DN mang tên Bác.
Hưng Khánh – Theo https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-giu-vung-vai-tro-trung-tam-kien-tao-doanh-nghiep-viet-317261.html