Việt Nam - Điểm đến mới của công nghệ cao trong kỷ nguyên số
Với định hướng chiến lược của Chính phủ, Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ cao đầy hứa hẹn, từ AI, bán dẫn đến nguồn nhân lực chất lượng. Chặng đường này mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế bền vững và khẳng định vai trò Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ba lợi thế của Việt Nam
Chia sẻ tại toạ đàm“Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - cất cánh trong kỷ nguyên thông minh” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tập đoàn FPT và VinaCapital phối hợp tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ ngày 21/1 (theo giờ địa phương) ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, khẳng định Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố để chuyển mình thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn. Theo ông Bình, những định hướng chiến lược của Việt Nam đã tạo động lực để cộng đồng doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh phát triển, đồng thời thu hút sự quan tâm sâu sắc từ các tập đoàn quốc tế.
Ông Bình chỉ ra ba lợi thế lớn mà Việt Nam đang sở hữu để hiện thực hóa cơ hội này. Trước tiên, Việt Nam đang thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ cách tiếp cận quản lý truyền thống sang hướng kiến tạo tăng trưởng và tập trung vào kết quả cuối cùng.
Thứ hai, Việt Nam đã đặt khoa học công nghệ làm trọng tâm chiến lược phát triển quốc gia. Cả hệ thống chính trị và các tập đoàn lớn đều nhất trí rằng AI, bán dẫn và chuyển đổi số là những động lực chủ chốt giúp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số. Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam đang cam kết mạnh mẽ về việc đầu tư và phát triển những lĩnh vực này, nhằm xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai. Thành công đã được chứng minh qua sự hiện diện của các tập đoàn quốc tế như NVIDIA, cũng như việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, bao gồm các nhà máy AI mới tại Việt Nam và Nhật Bản.
Và cũng nhờ định hướng này, Việt Nam đã dần khẳng định vị thế công nghệ của mình. Từ một quốc gia chỉ cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam giờ đây cùng với Ấn Độ là hai quốc gia có doanh thu hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm. NVIDIA đã lựa chọn Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai” và đầu tư mạnh mẽ vào đây. Đồng thời, Việt Nam cũng đang hoàn thiện đầu tư hạ tầng cho AI với việc vừa ra mắt nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.
Thứ ba, Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, với hơn 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và 500.000 lập trình viên phần mềm. Chính phủ cũng đã đưa AI và STEM vào chương trình đào tạo từ bậc tiểu học, qua đó tạo ra nguồn lực dồi dào, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ hiện nay. Điều này càng được khẳng định khi các tập đoàn quốc tế không ngừng tìm kiếm nhân tài Việt Nam để mở rộng hoạt động tại đây.
Tại tọa đàm, đại diện các tập đoàn quốc tế đã nhấn mạnh tiềm năng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực AI và năng lượng. Theo nghiên cứu của Google, AI có thể đóng góp gần 80 tỷ USD vào GDP Việt Nam mỗi năm từ nay đến 2030. Những đánh giá này không chỉ dừng ở lời nói, mà còn được cụ thể hóa qua các cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy sáng tạo.