2 kịch bản triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024
Trong 2 kịch bản triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 vừa công bố, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng GDP nước ta trong năm nay có thể tăng 6,12% hoặc 6,48%.
Kịch bản thuận lợi nhất, GDP có thể tăng 6,48% trong năm nay
Tại Hội thảo, “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” tổ chức ngày 15/1, ông Nguyễn Anh Dương, trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết năm 2023, thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Tác động của một loạt cú sốc bất thường trong những năm gần đây đã gây ra sự bất ổn đáng kể cho thị trường hàng hóa.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát.
Khu vực doanh nghiệp cũng chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nửa cuối 2023. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, đạt gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2023.
Bên cạnh đó, kinh tế có nhiều điểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%).
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 33,5% GDP, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Cũng theo vị chuyên gia này, các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những đột phá thần tốc trong năm 2023, đồng thời đặt ra các vấn đề quốc tế, kể cả cạnh tranh đa chiến lược giữa các nước trong việc xây dựng khung quản trị phù hợp.
Trên cơ sở nền tảng của năm 2023, đánh giá những cơ hội, tiềm năng trong năm 2024, các chuyên gia của CIEM đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng của nền kinh tế.
Kịch bản thứ nhất, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024.
Với kịch bản này, CIEM dự báo GDP Việt Nam trong năm 2024 có thể tăng 6,13%, lạm phát bình quân là 3,94%, tăng trưởng xuất khẩu là 4,02%.
Kịch bản thứ hai, giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh GDP của thế giới tăng 3,2% và một số chỉ tiêu tín dụng. Theo đó, GDP Việt Nam có thể tăng 6,48%, lạm phát bình quân là 3,72%, tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt 5,19%.
Báo cáo của CIEM cũng đưa ra 2 kịch bản xuất khẩu năm 2024, kịch bản 1 xuất khẩu của cả nước dự báo tăng 4,01%, kịch bản 2 xuất khẩu sẽ đạt 5,19%.
Xuất siêu trong năm 2024 dự báo tăng tương ứng theo các kịch bản lần lượt là 5,64 tỉ USD và 6,26 tỉ USD.
Lạm phát năm 2024 được CIEM dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.
Trong kịch bản thuận lợi, GDP có thể tăng 6,48% trong năm 2024. Ảnh: VnEconomy
Cải cách thể chế để phục hồi tăng trưởng
Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, chuyên gia của CIEM đề xuất, bước vào năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.
Tư duy nhấn mạnh hơn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là phù hợp, song chưa đủ. Việt Nam phải sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu thông qua các FTA là rất quan trọng, nhưng không làm mất vai trò của tư duy thích ứng với thị trường.
Cũng theo CIEM, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vẫn là những ưu tiên quan trọng đối với Việt Nam. Khác với các năm trước, trong năm 2024, Việt Nam đã có khung chính sách tương đối hoàn thiện hơn. Song, cần sớm có các cơ chế thử nghiệm phù hợp để các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp hướng tới tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
"Trong bối cảnh phát triển mới, chúng tôi tâm niệm thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là "chìa khóa" cho tăng trưởng của Việt Nam", báo cáo của CIEM nhấn mạnh.
Theo https://doanhnhanvn.vn/2-kich-ban-trien-vong-kinh-te-viet-nam-trong-nam-2024.html