2 năm dịch bệnh, kiều bào đóng góp cho TP.HCM không chỉ vật chất

Published Date
05/01/2022

Sự gắn kết chặt chẽ của người Việt ở trong và ngoài nước tại TP.HCM không chỉ là nguồn tiền, hàng hóa mà còn là những hiến kế, giải pháp, đồng hành của bà con kiều bào trong quá trình khôi phục kinh tế, vượt qua đại dịch.

Hai năm qua, đặc biệt là năm 2021, xuyên suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều tổ chức, cá nhân kiều bào ta ở nước ngoài vẫn luôn hướng về quê nhà, với rất nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ nhân dân trong nước. Riêng tại TP.HCM, sự gắn kết chặt chẽ của người Việt ở trong và ngoài nước không chỉ là nguồn tiền, hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới gửi đến các lực lượng tuyến đầu và người dân khó khăn, mà còn là những hiến kế, giải pháp, đồng hành của bà con kiều bào trong quá trình khôi phục kinh tế, vượt qua đại dịch.

Bà Ngô Phẩm Trân, kiều bào Đài Loan (Trung Quốc) trao tặng 10 tấn gạo cho Hội phụ nữ TP.HCM (ảnh: UBNVNONN TP.HCM)

Cần những bước đi đột phá, sáng tạo

Với niềm tin đại dịch rồi sẽ qua đi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường, ông Lê Ngọc Ánh Minh (Minh Taro), đại diện Công ty phát triển hạ tầng Pacific Group, vốn đầu tư Nhật Bản cũng không khỏi băn khoăn, lo rằng TP.HCM sẽ lại kẹt xe, sẽ lại ô nhiễm và đặc biệt là, trước thực tế một bộ phận người lao động tản mác, trong khi đó cộng đồng người Việt Nam tại Nhật lên tới nửa triệu người đi tu nghiệp, lao động, 3-5 năm sẽ quay về. Ông Minh rất mong muốn Sở Lao động Thương binh Xã hội TP có thể tạo một cổng tiếp nhận số lao động đã được đào tạo rất tốt tại Nhật, để có thể tiếp tục khai thác, sử dụng tại TP.HCM.

Ngoài ra, với kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch và hạ tầng giao thông, từng tham gia các dự án xử lý môi trường nước ở TP.HCM như kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, Bến Mễ Cốc…, ông Minh cho biết, hiện doanh nghiệp nơi ông làm việc đang sở hữu công nghệ xử lý nước thải ở các dòng kênh ô nhiễm thành năng lượng điện. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam rất mong muốn được TP bố trí 1 khu vực thí điểm, 1 quận khó nhất để đóng góp cho sự phát triển của TP trong lĩnh vực này.

"24 năm qua, tôi và các đồng nghiệp nhận thấy TP thay đổi rất nhiều, kênh Nhiêu Lộc hiện rất đẹp, vậy tại sao không biến những con kênh ô nhiễm trở thành dòng kênh xinh đẹp, thân thiện môi trường, tận dụng nước thải để phát điện, phục vụ chiếu sáng dòng kênh cũng như cấp điện cho một cộng đồng dân cư nào đó. Đó là công việc mà tôi muốn thực hiện cho TP.HCM"- ông Minh bày tỏ…->đọc tiếp

Theo SGGP