50 năm quan hệ Việt Nam-Ấn Độ: Nhìn lại và hướng tới tương lai
Baoquocte.vn. Sự lớn mạnh không ngừng của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ dựa trên sự chia sẻ về giá trị và lợi ích tương đồng, sự tin tưởng và hiểu biết về chính trị giúp hai nước đạt được “lòng tin chiến lược”.
Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng Jawaharlal Nehru ra sân bay New Delhi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Ấn Độ từ ngày 5–14/2/1958. (Nguồn: TTXVN) |
Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2022). Với “Tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và con người” (năm 2020), hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh khía cạnh “hòa bình” trong quan hệ đối tác quốc phòng - an ninh, “thịnh vượng” trong quan hệ kinh tế, công nghệ, “con người” trong giao lưu nhân dân và văn hóa.
Trải qua 50 năm, các thế hệ lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng vun đắp, củng cố và xây dựng quan hệ giữa hai nước - từ mối quan hệ ngoại giao năm 1972, đến quan hệ đối tác toàn diện (năm 2003), đối tác chiến lược (năm 2007) và đối tác chiến lược toàn diện (năm 2016). Trong khi nhiều mối quan hệ quốc tế khác có những thăng trầm nhất định, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ luôn không ngừng được củng cố, phát triển. Hai bên tin rằng, sự giàu mạnh của hai nước góp phần đáp ứng nhu cầu, lợi ích của nhau, góp phần thúc đẩy hòa bình chung ở khu vực và trên thế giới.
Quan hệ đối tác vì hòa bình
Quan hệ đối tác vì hòa bình giữa Việt Nam và Ấn Độ thể hiện rõ nét trên khía cạnh hợp tác quốc phòng - an ninh, trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. So với các trụ cột khác, hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này bắt đầu muộn hơn nhưng có tốc độ phát triển nhanh hơn. Trước năm 1990, Việt Nam và Ấn Độ chưa xây dựng hợp tác quốc phòng - an ninh, chủ yếu vì quan điểm không liên kết của Ấn Độ trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sau năm 1990, hợp tác quốc phòng - an ninh Việt Nam - Ấn Độ bắt đầu được khởi xướng và dần trở thành lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng đối với cả hai nước.
Về hợp tác quốc phòng, dấu mốc đầu tiên về hợp tác trong lĩnh vực này là Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 1994 được ký kết giữa hai nước. Tuy nhiên, phải sau khi Ấn Độ thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1998, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ mới chính thức được triển khai.
Từ đó, nhiều chuyến thăm của lãnh đạo quân đội cấp cao hai nước được tiến hành. Đáng chú ý, tháng 3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes đến thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó đặc biệt quan trọng là nghị định thư mới về hợp tác quốc phòng với những nội dung chính: Thể chế hóa khuôn khổ cho các cuộc đối thoại thường xuyên cấp Bộ trưởng Quốc phòng; tiến hành đối thoại thường xuyên cấp Bộ trưởng Quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ; tiến hành tập trận hải quân chung; không quân Ấn Độ đào tạo phi công cho không quân Việt Nam.
Qua đó, Ấn Độ giúp Việt Nam xây dựng một lực lượng quân sự mạnh hơn; hỗ trợ tích cực Bộ Quốc phòng Việt Nam trong công tác đào tạo và công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, Ấn Độ giúp Việt Nam nâng cấp và xây dựng đội tàu chiến và máy bay tuần tra cũng như các nhân viên kỹ thuật trong lực lượng hải quân, cảnh sát biển, không quân và các chuyên gia kỹ thuật trong quân đội.
Hiện nay, hợp tác quốc phòng tiếp tục là trụ cột chính trong quan hệ giữa hai nước và là yếu tố quan trọng thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước liên tục được củng cố thông qua các cơ chế, hình thức trao đổi, tiếp xúc.
Việt Nam và Ấn Độ cũng hợp tác tích cực về công nghiệp quốc phòng. Ấn Độ đã dành cho Việt Nam những gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD (năm 2014) để giúp Việt Nam mua 12 tàu tuần tra tốc độ cao và 500 triệu USD (năm 2016) để mua trang thiết bị quân sự từ Ấn Độ.
Tháng 12/2020, Việt Nam và Ấn Độ ký kết thỏa thuận hợp tác, trong đó Ấn Độ đồng ý hỗ trợ 5 triệu USD cho Việt Nam xây dựng Công viên phần mềm quân đội tại Đại học Viễn thông quốc gia, Nha Trang. Ngày 11/8/2021, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ đã tổ chức Lễ bàn giao trao tấm séc trị giá 1 triệu USD cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện dự án này. Đây là một biểu tượng cho quan hệ quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ thời hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong đào tạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin cho lực lượng quốc phòng Việt Nam.
Lễ bàn giao gói viện trợ không hoàn lại của chính phủ Ấn Độ dành cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thuộc Công viên phần mềm quân đội tại Nha Trang, tháng 8/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Bên cạnh đó, hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh, như chống khủng bố, an ninh hàng hải và an ninh mạng. Về chống khủng bố, hai nước hợp tác chống khủng bố xuyên biên giới, tham gia Công ước Toàn diện về khủng bố quốc tế (CCIT), chống tài trợ khủng bố, không biện minh cho khủng bố...
Về an ninh hàng hải, Ấn Độ và Việt Nam tiến hành đối thoại an ninh hàng hải. Ngoài ra, hai nước tăng cường hợp tác để đối phó hiệu quả với các hiểm họa an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, an ninh năng lượng, dịch bệnh HIV/AIDS...
Quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng
Hợp tác kinh tế Việt Nam-Ấn Độ trong những thập niên đầu thiết lập quan hệ ngoại giao còn rất hạn chế. Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, hợp tác kinh tế giữa hai nước bắt đầu có nhiều thay đổi tích cực. Cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới của Việt Nam và cải cách kinh tế của Ấn Độ, nhu cầu phát triển kinh tế thôi thúc sự gia tăng liên kết thương mại giữa hai nước.
Những nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương có thêm động lực mới khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và hai nước tham gia các cơ chế hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - ASEAN, và hợp tác Mekong - sông Hằng được hình thành.
Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ kinh tế Việt Nam-Ấn Độ đạt nhiều kết quả nổi bật trên cả hai lĩnh vực thương mại và đầu tư. Thương mại song phương tăng từ 237 triệu USD (2001-2002) lên 10,135 tỷ USD (2016 - 2017). Trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng mạnh sau khi Hiệp định thương mại hàng hóa khu vực ASEAN - Ấn Độ (AITIG) có hiệu lực và Ấn Độ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường (năm 2010).
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chiếm 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Nam Á. Năm 2015, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 17 của Việt Nam, trong khi đó ở chiều ngược lại, Ấn Độ là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 11 của Việt Nam.
Từ năm 2016, với việc nâng cấp quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế là một trong những mục tiêu chiến lược của hai nước. Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ và là trụ cột quan trọng của Ấn Độ trong quan hệ giữa nước này với ASEAN.
Hiện nay, đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7, nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên toàn cầu.
Từ khi hai quốc gia trở thành đối tác chiến lược toàn diện, năm 2021, thương mại song phương đã vượt ngưỡng 12 tỷ USD. Hai nước nỗ lực thực hiện tổng thể các biện pháp để đạt mục tiêu trao đổi thương mại song phương 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.
Về đầu tư, Ấn Độ là một trong những nước sớm đầu tư vào Việt Nam. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, mặc dù là nước thiếu vốn và cũng cần thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng hằng năm, Chính phủ Ấn Độ vẫn dành cho Việt Nam những khoản vay tín dụng nhất định. Đơn cử như, những năm 1996-2001, Ấn Độ cho Việt Nam vay khoản tín dụng tương đương 12-15 triệu USD để nhập trang thiết bị cho các dự án nông nghiệp, chế biến nông sản, phát triển công nghiệp luyện kim, sản xuất toa xe lửa và phụ tùng...
Đại diện Tập đoàn Sovico và Tập đoàn HCL Technologies Limited (Ấn Độ) trao đổi thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, tháng 12/2021. (Nguồn: VGP) |
Hiện nay, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), tính đến tháng 2/2022, Ấn Độ đứng thứ 25/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 315 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 918 triệu USD, tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện và khai khoáng.
Các dự án đầu tư của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 60 dự án, tổng vốn đầu tư 459,67 triệu USD, chiếm 50,5% vốn đầu tư. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với 6 dự án, tổng vốn đầu tư 236,3 triệu USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3 với 5 dự án, tổng vốn đầu tư là 96,5 triệu USD. Một số dự án tiêu biểu của Ấn Độ tại Việt Nam có thể kể đến, như: Dự án Nhà máy đường Sơn Hòa (Phú Yên), Dự án Nhà máy điện mặt trời Infra (Ninh Thuận) và Dự án Công ty TNHH TATA Coffee Việt Nam (Bình Dương).
Về hợp tác khoa học - công nghệ, Việt Nam và Ấn Độ nhận thức rõ tầm quan trọng của hợp tác về khoa học - kỹ thuật từ khá sớm và đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực này. Thỏa thuận hợp tác khoa học - kỹ thuật đầu tiên giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký kết vào năm 1978 và được làm mới vào năm 1996. Theo thỏa thuận này, Ủy ban hỗn hợp về khoa học - kỹ thuật được thành lập vào năm 1997 để giám sát việc thực hiện hợp tác. Nhờ đó, hợp tác khoa học - kỹ thuật Việt Nam-Ấn Độ được đẩy mạnh vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI.
Từ đó, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực về khoa học - công nghệ được ưu tiên thúc đẩy và trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa hai quốc gia. Hằng năm, Chính phủ Ấn Độ cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam theo các chương trình khác nhau, bao gồm ITEC (Chương trình hợp tác kinh tế kỹ thuật), CEP (Chương trình trao đổi văn hóa), GCSS (Kế hoạch trao đổi văn hóa chung), EEP (Chương trình trao đổi giáo dục), MGCSS (Kế hoạch hợp tác học thuật Mekong - sông Hằng), học bổng Phật giáo...
Dấu mốc khác có thể kể đến trong hợp tác khoa học - công nghệ Việt Nam-Ấn Độ, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (tháng 9/2016), hai bên đã ký kết 13 thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận về hợp tác thăm dò và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình; hợp tác về công nghệ thông tin, an ninh mạng, sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, thỏa thuận về xây dựng hạ tầng thông tin phục vụ đào tạo công nghệ thông tin chất lượng cao, thỏa thuận hợp tác về học thuật giữa Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Hội đồng các vấn đề thế giới Ấn Độ (ICWA)...
Tháng 1/2018, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam về việc thành lập Trung tâm theo dõi vệ tinh và viễn thám tại Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác không gian giữa Ấn Độ và ASEAN.
Cho đến nay, những lĩnh vực hợp tác chính về khoa học - công nghệ giữa hai nước bao gồm: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất vật liệu, thiết bị quốc phòng, y tế, nông nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, hóa chất; công nghệ sinh học bao gồm sinh học phân tử, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghệ sinh học trong y học và trong dịch vụ môi trường; hải dương học, bao gồm khu vực cảnh báo động đất và sóng thần, thăm dò địa chấn trong đại dương.
Trong số các lĩnh vực này, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp được Việt Nam đặc biệt coi trọng trong giai đoạn kể từ năm 2010 trở về trước - một trong những yếu tố quyết định đến quá trình tái cơ cấu trong nông nghiệp của đất nước. Trong khoảng một thập niên gần đây, hợp tác khoa học - công nghệ Việt Nam - Ấn Độ, một mặt, tiếp tục duy trì, bảo đảm những lĩnh vực truyền thống; mặt khác, chú trọng nhiều hơn vào các lĩnh vực công nghệ mới như năng lượng tái tạo, công nghệ cao, công nghệ vũ trụ.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ Jitendra Singh ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực khoa học biển và sinh thái biển, tháng 12/2021 tại thủ đô New Delhi. (Nguồn: TTXVN) |
Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ cùng xác định khoa học - công nghệ là một trong những hướng đi trong chiến lược phát triển của mình. Kế hoạch phát triển 5 năm và Chiến lược phát triển đến năm 2030 của Việt Nam được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học - công nghệ. Trong chiến lược “Ấn Độ tự cường” nhằm biến Ấn Độ trở thành một “cường quốc” với GDP đạt 5.000 tỷ USD trong thời gian sớm nhất, Ấn Độ cũng dành ưu tiên cho phát triển khoa học - công nghệ và sáng tạo. Vì vậy, trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, hai nước cho rằng, cần phải có sự hợp tác sâu hơn, chặt chẽ hơn trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Quan hệ đối tác vì con người
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ cũng được coi là quan hệ đối tác vì “con người”. Phát biểu trước Quốc hội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 11/2018), Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind khẳng định: “Xét cho cùng thì mạng lưới kết nối con người giữa Việt Nam và Ấn Độ... chính là nền tảng cho mối quan hệ đối tác của chúng ta”.
Điều này cũng được khẳng định trong “Tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ vì hòa bình, thịnh vượng và con người” được ký kết ngày 21/12/2020. Lần đầu tiên, “con người” trở thành trụ cột của quan hệ song phương Việt Nam-Ấn Độ trong văn bản chính thức của hai nước.
Trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, chính những lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Mahatma Gandhi, Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng và truyền cảm hứng cho quan hệ song phương phát triển.
Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Lãnh tụ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa kết nối Việt Nam và Ấn Độ. Tháng 8/2018, Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi được dựng tại Đại sứ quán Ấn Độ tại Thủ đô Hà Nội. Ngày 2/9/2021, Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thủ đô New Delhi. Những tượng đài này không đơn thuần vinh danh những vị anh hùng dân tộc vĩ đại của hai nước mà còn là biểu tượng của văn hóa dân tộc và những thông điệp về hòa bình.
Kết nối con người thông qua Phật giáo cũng được xem là điển hình cho sự gắn bó sâu sắc giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, đã có một số vị tăng ni từ Việt Nam sang Ấn Độ theo học Phật học. Những năm sau đó, hàng trăm tăng ni, phật tử Việt Nam đã sang Ấn Độ học Phật học ở nhiều trường đại học khác nhau trên đất nước Ấn Độ, trở thành sợi dây kết nối vững chắc giữa hai nước hôm nay.
Lễ ra mắt sách "Hồ Chí Minh với Ấn Độ" tại thủ đô New Delhi, tháng 11/2021. (Ảnh: D.H) |
Triển vọng hợp tác
Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian tới sẽ tiếp tục chịu sự tác động bởi những yêu cầu đặt ra của tình hình và mục tiêu phát triển của mỗi nước. Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển đến năm 2030 của Việt Nam được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng cho thấy có nhiều điểm hội tụ với tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước của Ấn Độ. Việt Nam và Ấn Độ đều là hai đất nước đầy khát vọng với dân số trẻ. Việt Nam có khát vọng trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045 thông qua phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo là những lĩnh vực được ưu tiên. Đây là những khía cạnh mà Ấn Độ có thế mạnh và hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác.
Hai nước cũng sẽ hợp tác cùng nhau về an ninh hàng hải, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong hợp tác khu vực và đa phương, hai nước tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn khu vực, châu Á và thế giới; ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất đồng.
Để mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trong thời gian tới, hai nước tập trung vào những ưu tiên sau: Một là, kết nối, bao gồm kết nối đường bộ, đường biển và đường hàng không, tham gia kinh doanh trực tuyến; du lịch và giao lưu nhân dân; hai là, xây dựng kế hoạch chi tiết định hướng mục tiêu để tăng cường thương mại và chuỗi cung ứng mới, thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển và cam kết các mục tiêu phát triển bền vững; ba là, thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy quan hệ đối tác mới - an ninh mạng, an ninh hàng hải, sẵn sàng phục hồi sau thảm họa; bốn là, hợp tác khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin truyền thông, vũ trụ, hạt nhân dân dụng, năng lượng tái tạo, kinh tế kỹ thuật số; năm là, thúc đẩy hợp tác thiết thực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên sự hội tụ giữa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI); tăng cường quan hệ đối tác chiến lược về các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Có thể nói, trong nửa thế kỷ kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, mối quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực đã tiến những bước dài. Sự thay đổi và phát triển trong mối quan hệ giữa hai nước phản ánh sự thay đổi trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Trong 50 năm qua, tuy tình hình của mỗi nước, của khu vực và thế giới liên tục có những biến động nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. “Tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ vì hòa bình, thịnh vượng và con người” tiếp tục thực hiện vai trò mang tính lịch sử, bao trùm mọi lĩnh vực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Với những kết quả hợp tác hai nước đã đạt được trong 50 năm qua, có thể tin tưởng rằng, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đáp ứng sự mong đợi của Chính phủ và nhân dân hai nước trong thời kỳ mới.
TS. LÊ THỊ HẰNG NGA/Baoquocte.vn.
* Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản.