50 tập đoàn Mỹ đến Việt Nam: Thể hiện niềm tin, sự ủng hộ

Published Date
22/03/2023

(PLO)-  “Chuyến thăm và làm việc thể hiện lòng tin và sự quan tâm rất lớn với thị trường Việt Nam và sự lãnh đạo của chính phủ, được dẫn dắt bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính”

Thông tin mà Pháp Luật TP.HCM nắm được, hôm nay (21-3), Đoàn Doanh nghiệp Hoa Kỳ với hơn 50 tập đoàn, công ty lớn sẽ bắt đầu thăm và làm việc tại Việt Nam theo chương trình kéo dài từ nay đến 24-3. 

 Hiện Đoàn Doanh nghiệp Hoa Kỳ đang làm việc với Bộ Tài chính để thảo luận những vấn đề thuộc lĩnh vực quan trọng này.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại 

Dẫn đầu Đoàn Doanh nghiệp Mỹ được cho là lớn nhất từ trước tới nay đến Việt Nam là Nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và Nguyên Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực USABC.  

Dự kiến Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ gặp Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và một số bộ trưởng Tài chính, Y tế, Công an… 

Thành phần đoàn gồm các công ty hoạt động trong 13 lĩnh vực kinh doanh quan trọng và có tốc độ tăng trưởng cao như y tế, công nghệ, năng lượng, tài chính ngân hàng, chuỗi cung ứng, an ninh quốc phòng… 

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc khu vực USABC cho hay: hơn 50 công ty hàng đầu Hoa Kỳ thăm Việt Nam lần này sẽ tham gia vào các hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. 

Chẳng hạn hội thảo về quy trình mua sắm trong lĩnh vực quốc phòng nhằm triển khai các nội dung đã thoả thuận trong dịp Đoàn Doanh nghiệp ngành Hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh (ADS) do USABC tổ chức thăm Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái. Các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 10 năm hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện cũng được diễn ra. 

Trong số các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia chuyến công tác này có công ty cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix, công ty đang có kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam, cùng nhiều công ty đã có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam như Coca-Cola, PepsiCo... và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.     

50 tập đoàn Mỹ đến Việt Nam: Thể hiện niềm tin, sự ủng hộ ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp USABC hồi tháng 12-2022. Ảnh: VGP

 

Theo ông Vũ Tú Thành, một số công ty đánh giá Việt Nam là một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng ngày càng phát triển với mức tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8% năm 2022. Trong số này có SpaceX, công ty đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Ngoài ra, tham gia chương trình của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN còn có các công ty sản xuất chất bán dẫn, các hãng dược phẩm Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, công ty tài chính Visa, ngân hàng Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services. 

Thể hiện niềm tin, sự ủng hộ 

Ông Vũ Tú Thành cho biết: Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2023 có “khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi” như đánh giá của Thủ tướng việc có gần 50 doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ đến Việt Nam gặp gỡ Chính phủ và các đối tác kinh doanh thể hiện lòng tin và sự quan tâm rất lớn với thị trường Việt Nam và sự lãnh đạo của Chính phủ, được dẫn dắt bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

Theo đó, rất nhiều vấn đề sẽ được doanh nghiệp Hoa Kỳ và các đối tác kinh doanh tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung thảo luận, tìm cơ hội đầu tư.  

Đó là các ưu tiên trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Việt Nam dự kiến triển khai vào năm 2023 với mục đích duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu và khả năng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ vào việc thực hiện các ưu tiên đó. 

Các vấn đề về hai nước hợp tác cũng được đề cập như: cải cách toàn diện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, tạo động lực thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh ở Việt Nam.     

50 tập đoàn Mỹ đến Việt Nam: Thể hiện niềm tin, sự ủng hộ ảnh 2

Hiện tại, Đoàn Doanh nghiệp Hoa Kỳ do nguyên Đại sứ Ted Osius dẫn đầu đang làm việc tại Bộ Tài chính. Ảnh: CTV

 

Cùng với đó là việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam, đưa Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị số toàn cầu. Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam nhằm đáp ứng các cam kết giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 trước đây. 

Đoàn Doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc mở rộng đầu tư khi thảo luận về khả năng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ triển khai các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cũng như các cuộc đàm phán trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Hoa Kỳ là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam  

Hồi tháng 12-2022, tiếp USABC, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác Toàn diện với Hoa Kỳ; hoan nghênh việc Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Thời gian vừa qua, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực.  

Hợp tác kinh tế - thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hoa Kỳ hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.  

Thủ tướng đề nghị USABC, các tập đoàn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, kinh nghiệm quản trị; tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, công nghiệp hàng không, an ninh mạng; tiếp tục có những ủng hộ thiết thực, lành mạnh, hiệu quả cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cùng cộng đồng quốc tế thích ứng linh hoạt, xử lý hiệu quả những vấn đề toàn cầu, toàn dân nổi lên như dịch bệnh COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Theo CHÂN LUẬN/Báo Pháp luật TP.HCM

https://plo.vn/50-tap-doan-my-den-viet-nam-the-hien-niem-tin-su-ung-ho-post724866.html