Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết theo chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, TP xác định sản phẩm du lịch có ba nhóm gồm: sản phẩm đặc thù, sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ.
Du lịch đường thủy có tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch đặc thù. Ảnh: THU TRINH |
Du lịch đường thủy bao gồm sản phẩm trên địa bàn, sản phẩm kết nối từ TP.HCM đến các tỉnh, trung tâm du lịch của Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Một số sản phẩm du lịch đường thủy của TP.HCM còn kết nối với Campuchia và các quốc gia trong khu vực
Qua đó, Sở Du lịch đặt ra bảy giải pháp ưu tiên thúc đẩy phát triển du lịch đường thủy. Đầu tiên là cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện theo nhóm du lịch tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.
Thứ hai, TP xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy với hai loại ấn phẩm giấy và điện tử, bảng song ngữ (Việt - Anh)… Thứ ba, TP đầu tư các sản phẩm mới và các dịch vụ bổ trợ; nghiên cứu bến Bạch Đằng thành bến trung tâm, làm điểm xuất phát đi các tuyến.
Thứ tư, nghiên cứu đề xuất xã hội hóa đầu tư xây dựng các điểm dừng chân ven sông. Thứ năm, tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông, đa dạng hóa các dịch vụ giải trí trên các phương tiện thủy; xây dựng chương trình ánh sáng nghệ thuật.
Thứ sáu, đầu tư du thuyền cao cấp, tàu nhà hàng tiêu chuẩn 4-5 sao với đầy đủ các dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí và phát triển loại hình tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn.
Cuối cùng, hình thành những sản phẩm ẩm thực đặc trưng Nam Bộ và các vùng miền kết hợp đờn ca tài tử, sáo trúc… trên sông Sài Gòn hoặc kênh Bến Nghé - Tàu Hũ, Tân Hóa - Lò Gốm…
Theo THU TRINH/Báo Pháp Luật TP.HCM