Tờ báo hàng đầu Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là con hổ mới của châu Á
Tờ báo Agefi nhận định trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia đang nổi lên như là những cường quốc kinh tế mới của châu Á bên cạnh Hàn Quốc, Singapore.
Công nhân làm việc trong xưởng may hàng xuất khẩu tại Garco 10, Tổng Công ty May 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Báo Agefi, tờ báo tiếng Pháp nổi tiếng của Thụy Sĩ có trụ sở tại Geneva, số ra mới đây có đăng bài với tiêu đề “Việt Nam là con hổ mới của châu Á” của tác giả Guy Mettan, trong đó đánh giá Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi và có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Á.
Tờ báo này nhận định trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia đang nổi lên như là những cường quốc kinh tế mới của châu Á bên cạnh Hàn Quốc, Singapore.
Tờ Agefi khẳng định Việt Nam và Indonesia đang có sự bùng nổ về kinh tế và từng bước khẳng định được vai trò chính trị của mình, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn có vai trò đối với các vấn đề quan trọng của thế giới.
Tác giả Guy Mettan cho rằng, Việt Nam có lẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ tình hình quốc tế mới. Từ tháng 1-7/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%/năm, và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 7,5% vào năm 2022, trong khi lạm phát dự kiến sẽ ở mức 3,8%. Số liệu trên được trích dẫn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 8 vừa qua.
Tờ Agefi cũng dẫn chứng rằng Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 thị trường châu Á về độ mở của nền kinh tế, với số điểm 74,6/100, cao hơn hẳn mức trung bình của châu Á (46) và mức trung bình của thế giới (49,5) và đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế của chính phủ và hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại và tư cách thành viên của các khối khu vực và quốc tế.
[Báo chí Bỉ: Việt Nam đang trở thành "ngọn hải đăng" về kinh tế khu vực]
Ở châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau các nền kinh tế Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc) và Malaysia. Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 trong 201 thị trường. Vào tháng 7/2022, hãng Moody's đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 8,5%, dự báo tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo dự báo mới nhất từ Phòng thí nghiệm Tăng trưởng của Đại học Harvard (Mỹ), Việt Nam được dự đoán sẽ là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trong thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, tờ báo uy tín hàng đầu của Thụy Sĩ cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau khi đã đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và cho rằng sự khéo léo và trạng thái cân bằng sẽ có lợi cho Việt Nam về lâu dài trong các quan hệ quốc tế./.
(TTXVN/Vietnam+)