Bảo hộ công dân ở Sudan: Chạy đua với thời gian
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan Nguyễn Huy Dũng chia sẻ với Báo TG&VN về hành trình sơ tán công dân Việt Nam khỏi xung đột ở Sudan nhiều cam go và tâm niệm của ông về công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài.
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan Nguyễn Huy Dũng. (Nguồn: ĐSQ VN tại Ai Cập) |
Vừa qua, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan phối hợp với các cơ quan liên quan đã sơ tán thành công công dân Việt Nam đang làm việc tại Sudan gặp nạn do xung đột. Đại sứ hãy cho biết quá trình tiếp nhận và triển khai công tác bảo hộ công dân của ĐSQ khi có thông tin về công dân Việt Nam gặp nạn ở Sudan?
Việc bảo hộ công dân đối với ông P.V.K, sinh năm 1957, quê Tiền Giang, bắt đầu từ năm 2022 khi tôi đi Sudan trình Thư ủy nhiệm vào tháng 10.
Thời điểm đó, tôi đã gặp gỡ, trao đổi để nắm thông tin, tâm tư, nguyện vọng của ông K khi làm ăn ở Sudan. Qua đó, ĐSQ đã trao đổi với ĐSQ Australia tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan tìm cách hỗ trợ cấp lại giấy tờ cho công dân mang hai quốc tịch Việt Nam và Australia này đã bị thất lạc toàn bộ giấy tờ tùy thân.
Ngày 15/4, khi xung đột quân sự bùng nổ tại Sudan, ĐSQ lập tức thăm hỏi để nắm bắt tình hình. Ông K chia sẻ rất lo sợ và bày tỏ nguyện vọng về Việt Nam.
Một mặt, ĐSQ cố gắng giữ liên lạc và động viên ông K, báo cáo các cơ quan chức năng trong nước và triển khai thủ tục cần thiết để cấp lại giấy tờ cho ông K. Mặt khác, ĐSQ họp khẩn với cơ quan đại diện các nước ASEAN tại Ai Cập, thảo luận phương án khả thi để đưa công dân ra khỏi vùng chiến sự. Chúng tôi tiếp tục trao đổi với ĐSQ Australia tại Ai Cập về trường hợp này, đề nghị bạn tham gia hỗ trợ. Phía Australia khẳng định có nắm thông tin về trường hợp này nhưng không có chính sách hỗ trợ tài chính cho công dân sơ tán.
Trong những ngày đầu giao tranh, ông K tạm trú tại một khách sạn nhỏ. Chủ khách sạn và các khách khác đã sơ tán hết, chỉ còn mình ông ở lại với tâm lý hoang mang, sợ hãi. Thậm chí, ông đã chứng kiến cảnh người dân bị bắn ngoài cửa khách sạn nên từ đó không dám ra ngoài. Chúng tôi phải nhiều lần thuyết phục ông K tìm nơi tập kết để sơ tán.
Để ông K rời Sudan an toàn, chúng tôi lên hai phương án là theo đường bộ khoảng 1.000km đến Ai Cập hoặc đến cảng Port Sudan, cách thủ đô 800km về phía Đông, là điểm tập kết nhiều nước đón công dân.
Với phương án đi đường bộ, ĐSQ đã chuẩn bị tinh thần cử cán bộ tới biên giới Ai Cập-Sudan để đón công dân, thậm chí qua bên kia cửa khẩu để hỗ trợ nếu cần. Tuy nhiên, phương án này không khả thi do tình hình an ninh, an toàn. Phương án còn lại là đến thành phố cảng Port Sudan có phần thuận tiện hơn, được dân bản địa và đa số công dân nước ngoài lựa chọn.
Ngay khi được ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia cho biết, Saudi Arabia sẽ hỗ trợ công dân các nước sơ tán bằng phà từ Port Sudan đến Jeddah, ĐSQ đã gửi công hàm đề nghị hỗ trợ và được chấp thuận. Phía Saudi Arabia cũng yêu cầu ông K. đến văn phòng tạm thời của họ tại Port Sudan để được hỗ trợ. Tuy nhiên, khi ông K. đến được Port Sudan thì Saudi Arabia lại dừng sơ tán bằng phà.
Rất may không lâu sau, chúng tôi được phía Philippines thông tin, một hãng hàng không tư nhân Sudan, có văn phòng đại diện tại Cairo, khai thác lại đường bay Port Sudan-Jeddah. ĐSQ đã liên hệ và giữ chỗ cho ông K trên chuyến bay sớm nhất rời Port Sudan đến Jeddah và nối chuyến về Việt Nam.
Ủy ban ASEAN tại Cairo, Ai Cập tổ chức họp khẩn cấp cấp Đại sứ để bàn phương án sơ tán công dân. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập) |
Trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Sudan không ngừng leo thang và Sudan lại là địa bàn kiêm nhiệm, ĐSQ ta có khó khăn gì trong quá trình bảo hộ công dân?
Nơi ông K bị kẹt là thủ đô Khartoum, trung tâm của giao tranh, nên người dân phải đối mặt với tên bay đạn lạc, cháy nổ, đói khát, cướp bóc và muôn vàn rủi ro khác có thể dẫn đến thương vong. Ngoài ra, tình trạng mất điện nước diện rộng, sóng điện thoại, Internet chập chờn, dịch vụ bưu điện đình trệ… càng khiến việc liên lạc với ông K thường xuyên bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ bảo hộ công dân.
"Suốt quá trình đồng hành đưa ông K trở về quê hương, mặc dù vô cùng căng thẳng, nhiều khó khăn và có những lúc như bế tắc, nhưng với tinh thần không bỏ cuộc, Đại sứ quán vẫn quyết tâm sơ tán ông K khỏi Sudan bằng mọi cách", Đại sứ Nguyễn Huy Dũng chia sẻ. |
Trong khi đó, sân bay Khartoum đóng cửa, các hãng hàng không tạm dừng chuyến bay, các nước láng giềng đóng cửa biên giới với Sudan. Mặc dù Việt Nam có Lãnh sự danh dự tại Sudan, cánh tay nối dài đắc lực trong công tác bảo hộ công dân, nhưng trong bối cảnh chiến tranh, Lãnh sự danh dự đã di tản ra nước ngoài khiến công tác bảo hộ công dân tại địa bàn kiêm nhiệm càng khó khăn hơn.
ĐSQ hàng ngày trao đổi, chia sẻ tình hình với ĐSQ các nước ASEAN cũng như ngoại giao đoàn tại Cairo để kịp thời nắm bắt thông tin về các chuyến phà/chuyến bay ra khỏi Sudan nhưng đa phần các chuyến này đều đã kín chỗ.
Lo lắng ông K sẽ bị kẹt lại Sudan, chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian do chiến sự có thể trở nên căng thẳng hơn và việc sơ tán công dân của các nước có thể dừng bất cứ lúc nào.
Việc phối hợp với người thân của ông K để giúp mua vé cho ông sang Jeddah cũng là một vấn đề do ông không có giấy tờ tuỳ thân, cán bộ ĐSQ lại không thể có mặt trực tiếp tại Port Sudan để bảo lãnh. Chúng tôi phải nỗ lực thuyết phục hãng đồng ý để ĐSQ phối hợp với người thân của ông K thanh toán tiền mua giúp vé cho ông tại văn phòng ở Cairo. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia để xin chấp thuận cho ông K được đến Jeddah khi không có hộ chiếu, không có visa nhập cảnh. Thực tế, chuyến bay đưa ông K từ Port Sudan về Jeddah là một trong những chuyến bay cuối cùng.
Khi ông K sang được Saudi Arabia, tưởng chừng như mọi việc đã ổn, thì lại nảy sinh vấn đề do ông không có hộ chiếu và vé máy bay về Việt Nam. ĐSQ đã tích cực trao đổi với các cơ quan của ta ở trong nước, phối hợp nhịp nhàng với ĐSQ ta ở Saudi Arabia và thân nhân ông K, kịp thời cấp hộ chiếu và giúp mua vé cho ông trong vòng 72 giờ để ông có thể về nước. Chỉ khi ông K thông báo đã về đến TP. Hồ Chí Minh an toàn, ĐSQ mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Hình ảnh sau một vụ không kích ở phía Bắc thủ đô Khartoum, Sudan. (Nguồn: Reuters) |
Tâm trạng và cảm xúc của Đại sứ trong suốt quá trình hỗ trợ và đồng hành đưa công dân Việt Nam an toàn trở về nước?
Ngay khi giao tranh bùng nổ, ĐSQ đã tìm cách liên lạc ngay với ông K và lập nhóm phản ứng nhanh để bảo hộ công dân cho ông K. Bộ phận lãnh sự thường xuyên liên lạc, báo cáo tình hình, bất kể ngày đêm để đưa ra các quyết định, phản ứng kịp thời.
Mỗi khi mất liên lạc với ông K, chúng tôi vô cùng lo lắng vì nhiều kịch bản xấu có thể xảy ra. Rồi niềm vui như vỡ oà, nhẹ nhõm là cảm xúc khi hãng hàng không cho phép giúp mua vé máy bay về Jeddah cho ông K và khi ông thông báo về đến Việt Nam an toàn.
Suốt quá trình đồng hành đưa ông K trở về quê hương, mặc dù vô cùng căng thẳng, nhiều khó khăn và có những lúc như bế tắc, nhưng với tinh thần không bỏ cuộc, ĐSQ vẫn quyết tâm sơ tán ông K khỏi Sudan bằng mọi cách. Đây là trường hợp đặc biệt, có nhiều yếu tố để trở thành kinh nghiệm quý báu cho công tác bảo hộ công dân của ĐSQ sau này.
Với sự tận tâm, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao nhất thực thi công tác bảo hộ công dân, ĐSQ đã phối hợp với thân nhân ông K, Quỹ bảo hộ công dân thuộc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia thực hiện cấp giấy tờ, giúp mua vé máy bay để ông K về Việt Nam an toàn.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị quán triệt nâng cao hiệu quả của công tác lãnh sự và bảo hộ công dân ở ngoài nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ngày 1/6. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại Hội nghị quán triệt nâng cao hiệu quả công tác lãnh sự và bảo hộ công dân ở nước ngoài ngày 1/6 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, các CQĐD cần lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm mục tiêu, cán bộ phải là công bộc của dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn. Đại sứ tâm niệm như thế nào về vai trò của CQĐD Việt Nam ở nước ngoài trong công tác bảo hộ công dân?
Có thể nói, tôi hết sức tâm đắc với việc đề cao “tinh thần phục vụ” lên trên hết mà Bộ trưởng luôn nhấn mạnh. Ngay từ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, tôi đã trao đổi về tinh thần đó với tất cả các đối tác. Khi tới địa bàn, tôi cũng luôn nhắc nhở anh chị em cán bộ, nhân viên trong CQĐD đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp trong mọi hoạt động.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, hiện nay Bộ ta đang trong giai đoạn mới, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa nhiệm vụ lãnh sự và bảo hộ công dân, nhấn mạnh tư duy lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu trung tâm, cán bộ phải là công bộc của dân, lấy mức độ hài lòng của bà con, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc.
CQĐD Việt Nam ở nước ngoài là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước trong công tác chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Mỗi CQĐD phải thực sự là ngôi nhà của người Việt Nam ở nước ngoài, để bà con tin tưởng, dù trong hoàn cảnh nào thì Tổ quốc cũng không bỏ rơi đồng bào.
Một lần nữa, qua việc bảo hộ công dân ở Sudan vừa qua, Bộ Ngoại giao và các CQĐD ở nước ngoài đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động tích cực, chí công vô tư, không quản khó khăn để bảo hộ công dân Việt Nam bị nạn.
Xin cảm ơn Đại sứ!
https://baoquocte.vn/bao-ho-cong-dan-o-sudan-chay-dua-voi-thoi-gian-231029.html
THU TRANG