Bệnh “sợ sai” và điểm nghẽn của sự phát triển

Published Date
31/05/2023

Nhận diện các nguyên nhân chính gây ách tắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, cơ quan chức năng nhấn mạnh đến hiện tượng cán bộ, công chức các cấp sợ làm sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám “quyết” trong phạm vi chức trách nhiệm vụ của mình, gây nhiều hệ lụy đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. 

 Dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước tại Đồng Nai. (Ảnh: Tùng Quang) 
Dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước tại Đồng Nai. (Ảnh: Tùng Quang)

Sự chồng chéo của hệ thống pháp luậttrong nhiều lĩnh vực đang khiến cho các doanh nghiệp không rõ đường hướng khi triển khai các dự án đầu tư cũng như vận hành quá trình sản xuất, kinh doanh, buộc phải gửi văn bản xin hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành.  

Nhưng thay vì trực tiếp đưa ra phương án giải quyết để gỡ khó cho doanh nghiệp đúng thời hạn và thẩm quyền theo quy định, các cơ quan quản lý nhà nước lại hỏi ý kiến các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành liên quan. Kết quả nhận được trong các văn bản trả lời thường là viện dẫn điểm a, điểm b... của thông tư, nghị định, luật liên quan với câu trả lời chung chung “Đề nghị làm theo quy định của pháp luật”.  

Sự chồng chéo của hệ thống pháp luật trong nhiều lĩnh vực đang khiến cho các doanh nghiệp không rõ đường hướng khi triển khai các dự án đầu tư cũng như vận hành quá trình sản xuất, kinh doanh, buộc phải gửi văn bản xin hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành. 

Trong quá trình điều hành, bản thân các bộ, ngành, địa phương cũng chưa nỗ lực linh hoạt xử lý công việc một cách có hiệu quả nhất. Như Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng năm 2022 đã gửi 584 văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.  

Vấn đề là ở chỗ, tất cả các nội dung cần hỏi ý kiến đều không nằm ngoài thẩm quyền quyết định của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn phải gửi 604 văn bản phúc đáp, khiến công tác hành chính trở nên quá tải. Chính sự thiếu năng động của các cấp chính quyền và phản ứng chính sách chậm là nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng kinh tế của thành phố năng động nhất của cả nước trong quý I năm 2023 chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ.   

Chỉ riêng năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi 584 văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.

Căn bệnh “sợ sai” cũng khiến cho tiến trình cải cách môi trường kinh doanh đang bị kéo chậm lại. Thay vì đồng hành với doanh nghiệp để cải cách thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân thì giờ đây các bộ, ngành, địa phương có xu hướng ban hành thêm rất nhiều thủ tục, tạo ra các rào cản cho doanh nghiệp và người dân.  

Để nền kinh tế vận hành thông suốt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định các vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ, công chức các cấp sợ làm sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của sự phát triển.     


Theo BÍCH NGÂN/Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/benh-so-sai-va-diem-nghen-cua-su-phat-trien-post755041.html