Biệt động Sài Gòn - “cú đấm thép” trong Xuân Mậu Thân 1968
Bài học từ sự thành công trong sứ mệnh thiêng liêng của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn đã không ngừng được hun đúc, phát huy trong tiến trình xây dựng, phát triển TP.HCM hiện nay.
Bia tưởng niệm chiến sỹ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công năm 1968 đặt trên đường Nguyễn Du, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Bài cuối: Phát huy tinh thần cách mạng tiến công
Đã 55 năm trôi qua, ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn vẹn nguyên giá trị, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; sự mưu trí, sáng tạo và tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Đây là sự kiện lịch sử trọng đại trong trang sử hào hùng của dân tộc, là biểu tượng chiến thắng của trí tuệ, bản lĩnh và ý chí quật cường của nhân dân ta trực tiếp trên chiến trường miền Nam nói chung, của lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định nói riêng, mà tiêu biểu trong đó có lực lượng cán bộ, chiến sỹ biệt động.
Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, tinh thần, bài học được rút ra trong các cuộc kháng chiến cũng được không ngừng hun đúc, phát huy trong tiến trình xây dựng, phát triển.
Đột phá trong phát triển thành phố
Với truyền thống Sài Gòn-Gia Định quật khởi, là chiến trường trọng điểm sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định đã vượt qua khó khăn, tổn thất, chuẩn bị lực lượng và thế trận vững chắc cùng cả nước, vì cả nước làm nên một đại thắng mùa Xuân 1975, để đất nước độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
[Biệt động Sài Gòn-bản hùng ca của những người con bất tử]
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã và đang tiếp nối xứng đáng những gì mà thế hệ cha anh đã giành được.
Thành phố luôn “vì cả nước, cùng cả nước,” tiếp tục chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thử thách, để khi nói về Thành phố Hồ Chí Minh là chúng ta nói đến một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, là động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố mãi mãi tri ân, mãi mãi biết ơn các vị lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ chiến sỹ, đồng bào đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; cảm phục sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ, những hy sinh đó sẽ sống mãi và trường tồn theo năm tháng cùng đất nước.
“Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đến nay,” ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.
Với ý nghĩa lịch sử quan trọng của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và những thành quả to lớn trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố ra sức bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, phát triển và giữ vững Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần anh hùng, được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là điểm hội tụ của sự năng động, sáng tạo, đổi mới, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.
Trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Kinh tế thành phố tiếp tục mở rộng về quy mô; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng, phát triển theo chiều sâu trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, trong đó các ngành dịch vụ phát huy vai trò là ngành mũi nhọn, các ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục là động lực phát triển công nghiệp của thành phố.
Quy mô kinh tế thành phố năm 2020 tăng gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010 (năm 2020 đạt 6.405 USD); thu ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa bàn luôn đạt/vượt kế hoạch.
Người dân tới tham quan di tích Biệt động Sài Gòn ở di tích 113A Đặng Dung "quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn". (Ảnh: Hứa Chung/ TTXVN)
Chuẩn bị cho thành phố mang tên Bác bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đã xác định mục tiêu, đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Trong công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, Nghị quyết 31 cũng đề ra nhiệm vụ cho thành phố, chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng; sẵn sàng phương án ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Để thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết Đảng bộ và chính quyền thành phố xác định khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, anh hùng, vẻ vang, năng động, sáng tạo, đổi mới, thống nhất một lòng cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển toàn diện thành phố; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố đoàn kết, gương mẫu, trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy dân chủ, đồng thuận xã hội, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, nghĩa tình của Đảng bộ và nhân dân Thành phố.
Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc
Vẫn luôn còn mãi trong ký ức của những người trong cuộc mà còn tạc vào lịch sử cứu nước chống ngoại xâm của Việt Nam, trong đó có hình ảnh những chiến sỹ Biệt động Sài Gòn.
Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết. (Ảnh minh họa: Thu Hương/TTXVN)
Hình ảnh của chiến công vang dội của lực lượng Biệt động Sài Gòn vẫn đã và đang được thế hệ tiếp theo phát huy, duy trì. Bài học về “thế trận lòng dân,” vẫn còn mãi và không thể phủ nhận. Nó được minh chứng qua những thành quả cách mạng trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước từ khi có Đảng đến nay.
Em Trần Trọng Nhân (12 tuổi, cháu nội của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) là học sinh trung học cơ sở, nhưng hằng ngày ngoài giờ lên lớp, Nhân trực tiếp hướng dẫn giới thiệu tới khách tham quan du lịch ý nghĩa lịch sử những kỷ vật từ thời ông nội mình hoạt động trong lòng địch.
“Khi thuyết minh cho các du khách trong và ngoài nước tại các điểm di tích nơi ông nội em và các đồng đội của mình đã sống, làm việc và hoạt động cách mạng em cảm thấy rất tự hào, bởi vì khi xưa ông nội và các chiến sỹ Biệt Động Sài Gòn đã chiến đấu rất mạnh mẽ. Bản thân em tự nhủ cần phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, 'tuổi nhỏ làm việc nhỏ” để mang đến cho du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về truyền thống đấu tranh của cha ông ta."
Là một trong những nhân chứng trực tiếp tham gia trận đánh cách đây đúng 55 năm, bà Vũ Minh Nghĩa, thành viên Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Đình, chia sẻ: “Nhiều người từng hỏi tại sao là phụ nữ mà tôi lại gan đến thế, tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi, khi đất nước có chiến tranh thì dù là nam hay nữ cũng luôn sẵn sàng tham gia chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước. Bởi vậy, tôi mong muốn các bạn trẻ hôm nay, với năng lực, điều kiện có được, hãy tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệm xây dựng, phát triển đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các bậc cha ông đi trước.”
Mùa xuân Mậu Thân 1968 hào hùng, với hàng vạn người con ưu tú của Thành phố Hồ Chí Minh, của cả nước, trong đó có nhiều cán bộ Thành Đoàn anh dũng hy sinh là ký ức lịch sử, sẽ được khắc ghi trong ký ức của dân tộc Việt Nam, không bao giờ và không có gì có thể làm phai mờ.
Trong suy nghĩ và nhận thức của tuổi trẻ hôm nay, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi.
Đại diện cho thế hệ trẻ thành phố mang tên Bác hôm nay, anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn bày tỏ lý tưởng cao đẹp của các thế hệ cán bộ Đoàn, của những anh hùng chiến sỹ Sài Gòn-Gia Định mãi mãi được tiếp nối, là những bài học lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay khi tìm hiểu sử Việt và thể hiện lòng yêu nước từ những việc cụ thể, bình thường hằng ngày, có ích cho cộng đồng, xã hội.
Tuổi trẻ thành phố hiểu rằng tự hào về truyền thống của cha anh không chỉ ở nhận thức, ở thái độ mà quan trọng hơn phải chính là những hành động cụ thể, thiết thực trong quá trình dựng xây thành phố; làm cho các giá trị tốt đẹp của truyền thống được kế tục và nhân lên, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
“Tuổi trẻ thành phố nguyện phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, nối kết truyền thống với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, Thành phố hôm nay, biến những vấn đề của đất nước, của nhân dân thành suy nghĩ thường trực trong mỗi công dân trẻ, trong mỗi hành động thiết thực hằng ngày, kế tục xứng đáng sự nghiệp mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối cách mạng đã đánh đổi bằng chính xương máu của mình để dựng nên,” anh Ngô Minh Hải chia sẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh cùng với cả nước vừa trải qua một cơn đại dịch với nhiều tổn thương nhưng cũng đã và đang nhanh chóng khôi phục trở lại. Chuẩn bị hướng tới giai đoạn tới với rất nhiều mục tiêu phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Thành phố xác định công tác tập hợp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị là vô cùng quan trọng, đặc biệt là công tác tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Có thể khẳng định rằng, tinh thần sáng tạo, ý chí vươn lên, táo bạo của lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định vẫn được các thế hệ sau noi theo, tiếp bước trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đầu tàu kinh tế của cả nước với phương châm "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh"./.
https://www.vietnamplus.vn/biet-dong-sai-gon-cu-dam-thep-trong-xuan-mau-than-1968/842707.vnp
Anh Tuấn - Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)