Trong chương trình “Cuộc gặp bất ngờ” do truyền hình báo Pháp Luật TP.HCM thực hiện trước thềm xuân Quý Mão 2023, người đứng đầu tổng lãnh sự quán của các nước Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Úc đều chia sẻ rằng TP.HCM nói riêng và Việt Nam (VN) nói chung hiện có rất nhiều ưu thế cạnh tranh, nổi bật là tính năng động và cởi mở của thị trường.
Tổng lãnh sự Mỹ SUSAN BURNS:
TP.HCM rất năng động, cạnh tranh
Tổng lãnh sự Mỹ SUSAN BURNS |
Tôi cảm thấy rất may mắn khi được nhận nhiệm vụ ở một nơi có tính cạnh tranh khá cao như TP.HCM. Lý do của sự cạnh tranh đó là vì mọi người thích sự năng động ở đây. TP.HCM là TP lớn, nhiều tiềm năng, có rất nhiều người trẻ với những hoạt động thú vị và cả nền ẩm thực tuyệt vời. Tôi đã biết đến điều này trước khi tôi đến đây và tôi đã đến TP. HCM một lần trước đó. Tôi thích việc người dân luôn đông đúc ở ngoài đường, thật thú vị khi đi dạo xung quanh và thấy những người trẻ tuổi ra ngoài tận hưởng cuộc sống…
Một trong những điều chúng tôi đặc biệt quan tâm khi làm việc với các đối tác VN chính là chất bán dẫn trong công nghiệp công nghệ cao. Mỹ từng rơi vào tình thế thiếu hụt chất bán dẫn. Vì vậy, một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamila Harris là xem xét giải pháp sản xuất nhiều chất bán dẫn hơn ở Mỹ hoặc có thể sản xuất một phần ở nước ngoài để bổ sung. Chúng tôi rất hy vọng có thể thúc đẩy phát triển công nghệ sản xuất bán dẫn ở VN.
Tổng lãnh sự Ấn Độ MADAN MOHAN SETHI:
Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tại TP.HCM
Tổng lãnh sự Ấn Độ MADAN MOHAN SETHI |
Tôi nghĩ VN nói chung hay TP.HCM nói riêng cần gắn kết nhiều hơn với một số quốc gia có công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tôi tin rằng VN có thể hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ, giữa TP.HCM và TP Bangalore và giữa các viện nghiên cứu của hai nước...
Tôi đã đến thăm và làm việc với hơn 14 trường đại học ở TP.HCM và các tỉnh xung quanh, tôi cảm thấy rằng các chàng trai và cô gái trẻ ở đây tràn đầy ý tưởng, khát vọng và ước mơ. Tôi biết người VN rất giỏi, chẳng hạn như các bạn sinh viên trẻ rất giỏi toán học, khoa học và sử dụng máy tính. Vì vậy, tôi nghĩ rằng TP.HCM có đủ mọi yếu tố để trở thành một trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thương mại và tài chính. Chúng tôi đã bắt đầu kế hoạch kết nối với các trường đại học để bắt đầu một số cuộc thảo luận về khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về startup ở Ấn Độ với các startup trẻ ở VN.
Công nhân sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY |
Tổng lãnh sự Nhật Bản WATANABE NOBUHIRO:
Việt Nam là điểm đến của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản
Tổng lãnh sự Nhật Bản WATANABE NOBUHIRO |
Trong hai năm trở lại đây, VN đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19. Mặc dù vậy, VN vẫn là cứ điểm sản xuất và kinh doanh quan trọng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo các cuộc khảo sát của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn lựa chọn tiếp tục đầu tư vào VN nhờ vào tình hình chính trị ổn định; có nguồn lao động ưu tú, siêng năng với giá cả hợp lý; tích cực tham gia hiệp định thương mại quốc tế…
Ở khu vực phía Nam, cơ sở hạ tầng như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép - Thị Vải và hành lang Đông - Tây đã được phát triển nhanh chóng. Cùng với sân bay Long Thành đang được lên kế hoạch xây dựng, trong 5-10 năm tới, tiềm năng cải thiện cơ sở hạ tầng được đánh giá cao, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tổng lãnh sự Úc SARAH HOOPER:
Thúc đẩy hợp tác trí tuệ nhân tạo nông nghiệp
Tổng lãnh sự Úc SARAH HOOPER |
Chúng tôi nhận thức được rằng việc hợp tác trong phát triển chính sách nông nghiệp thông minh là điều quan trọng. Chúng tôi rất vui khi VN và Úc cùng hợp tác trong chương trình “Đối tác đổi mới sáng tạo VN - Úc” (Aus4Innovation).
VN và Úc cần đẩy mạnh hơn nữa những hợp tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp. Thực tế, hai nước đã có một số dự án rất hay về lĩnh vực này. Đầu tiên là dự án “Công nghệ mắt thông minh” cải thiện năng suất trồng mía đường do ĐH Wollongong của Úc và Công ty Công nghệ Vigreen của VN thực hiện. Một ví dụ khác là dự án hợp tác giữa ĐH Queensland của Úc và Công ty Tư vấn và phát triển Đồng Xanh về đánh giá chất lượng nước ở rừng ngập mặn nhằm phục vụ việc nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Cà Mau.
(*) Trên đây là lược thuật một số ý kiến, quý bạn đọc có thể theo dõi đầy đủ các bài phỏng vấn các tổng lãnh sự trên báo điện tử Pháp Luật TP.HCM từ ngày mai (31-1-2023).
Theo ĐỖ THIỆN - ĐỨC HIỀN/Báo Pháp luật TP.HCM