Cần có những chính sách phù hợp để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Published Date
16/03/2023

(Chinhphu.vn) - Nhìn nhận điện ảnh không chỉ là loại hình nghệ thuật, mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa và đã là ngành công nghiệp thì phải phát triển trên nền tảng các quy luật kinh tế và phải có những chính sách phù hợp với thị trường hiện nay để điện ảnh Việt phát triển cùng với điện ảnh khu vực và thế giới.

Chiều nay (14/3), tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Điện ảnh quốc tế "Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á".

Hội thảo có sự hợp tác của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng với sự tham gia của các nhà quản lý, đại diện các cơ quan ban ngành, các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất phim, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam và các nước trong khu vực như: Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL); Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh; Biên kịch, đạo diễn Phan Đăng Di; Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc; Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan-Nhà sáng lập Công ty HK Film; ông Jacob Neiiendam-Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch; bà Vivian Idris-Phó Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Indonesia; ông AJ. Kissada Kamyoung-Nhà sản xuất Thái Lan; ông David Wilson-Cố vấn cho Ủy ban Vương quốc Anh tại UNESCO; bà Phan Cẩm Tú-Tư vấn của Hiệp hộ Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam...

Cần có những chính sách phù hợp để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 1.

TS. Ngô Phương Lan-Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Khuyến khích hợp tác công tư trong phát triển điện ảnh

TS. Ngô Phương Lan-Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, việc tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa khi đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam 15/3/1953 - 15/3/2023.

TS. Ngô Phương Lan cho rằng, điện ảnh Việt Nam là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử từ đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đến thống nhất và tái thiết đất nước, rồi bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập. 

Trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Đề cập đến Luật Điện ảnh mới được Quốc hội thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, TS. Ngô Phương Lan nhấn mạnh, Luật Điện ảnh mới đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật Điện ảnh xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế. 

Khung pháp lý đã có nhưng để hiện thực hóa, đưa luật vào đời sống cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp của Nhà nước để phát huy hết năng lực sáng tạo của các nhà làm phim; thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh; khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dần lớn mạnh.

Bởi vậy, theo TS. Ngô Phương Lan, việc trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam cùng với các chuyên gia từ những nước đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh từ nhiều thập kỷ (như Anh, Đan Mạch) và các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á (như Thái Lan, Indonesia) là rất bổ ích và thiết thực. 

Các vấn đề đặt ra trong 3 phiên thảo luận của Hội thảo bao gồm: "Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim", "Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim" và "Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia" sẽ góp những hướng đi, các giải pháp cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và những người hoạt động điện ảnh có thể tiếp thu, áp dụng vào thực tế cho điện ảnh Việt Nam.

Các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà sản xuất phim, các đạo diễn trong và ngoài nước đã cùng bàn thảo nhiều vấn đề và đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách cho phát triển nền điện ảnh Việt Nam và Đông Nam Á như: Chính sách phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn; Chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim và chính sách bảo hộ phim trong nước; Cần có những thay đổi gì trong chính sách và giải pháp tài trợ/đặt hàng của Nhà nước để sản xuất được những bộ phim thành công; Chính sách ưu đãi khi hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với đối tác nước ngoài; Thu hút đối tác quốc tế đầu tư vào các hãng phim chất lượng cao tại Việt Nam; Tổ chức Liên hoan phim, Giải thưởng điện ảnh; Phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực và nuôi dưỡng tài năng điện ảnh; Phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia; Phân phối phim trong nước ra nước ngoài và trên các nền tảng kỹ thuật số; Kinh nghiệm mô hình một số Quỹ Điện ảnh quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ-Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nền văn hóa trong đó có nghệ thuật điện ảnh muốn phát triển và trở nên phong phú, đa sắc màu cần được xây dựng trên tinh thần vừa giữ gìn bản sắc độc đáo của dân tộc vừa cởi mở tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. 

Đó là quan điểm phát triển văn hóa của Việt Nam. Là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát huy văn hóa phong phú trong phát triển kinh tế-xã hội, coi phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam thời kỳ mới. Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để xây dựng nền công nghiệp văn hóa và công nghiệp điện ảnh. Đó là Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển điện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Luật Điện ảnh năm 2022…

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, tất cả những chính sách như vậy thể hiện quan điểm và định hướng phát triển công nghiệp văn hóa và công nghiệp điện ảnh được xem là mũi nhọn của Việt Nam. Nhìn sang các nước bạn như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore … được chính phủ quan tâm và xây dựng nhiều chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp điện ảnh. Trong khối ASEAN các nền điện ảnh ra đời trong những thời kỳ khác nhau, có lịch sử hình thành và phát triển không giống nhau, nhưng đến nay ghi nhận sự phát triển vượt trội và mạnh mẽ của nhiều nền điện ảnh. Đó không chỉ là sự trỗi dậy ở nội địa mà một số nền điện ảnh đã khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ khu vực châu Á, ghi dấu tại các Liên hoan phim uy tín của thế giới. Điện ảnh ASEAN, trong đó có Việt Nam đã và đang có các nhà hoạt động điện ảnh toàn cầu quan tâm đến bởi tiềm năng dồi dào và nhu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Cần có những chính sách phù hợp để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư cho điện ảnh

Để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh từng bước ngang tầm với khu vực và vươn ra thế giới đó là mong muốn của tất cả các ngành, các cấp. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTT&DL luôn mong muốn và tìm mọi cách để đưa nền điện ảnh Việt Nam phát triển. Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua vào năm 2022 cho thấy chúng ta có nền tảng về mặt pháp lý đầu tiên, là Luật tiên tiến, có nhiều điểm mới so với Luật Điện ảnh cũ và điện ảnh trong khu vực.

"Khi có cơ sở pháp lý là Luật Điện ảnh mới như vậy chúng ta cần phát triển Luật trong thực tế như thế nào, kết nối với quốc tế ra sao... để đưa nền điện ảnh Việt Nam phát triển", Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ trăn trở.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh đến điều quan trọng chính là vấn đề hợp tác công tư. Trước đây chúng ta chưa đưa danh mục của ngành văn hóa nói chung cũng như ngành điện ảnh nói riêng vào trong ưu đãi. Vì vậy, chưa huy động được các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào phát triển điện ảnh. Nếu có thêm nguồn lực này sẽ tạo thêm được nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo thêm được nhiều hướng đi để quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới.

Liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế cho điện ảnh, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, vấn đề này đang được thúc đẩy. Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội cũng đồng tính trong vấn đề thuế ưu đãi cho điện ảnh và cần có những đặc thù.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ, Bộ VHTT&DL đã làm việc với một số địa phương và đề xuất một số cơ chế đặc thù dành cho điện ảnh. Đơn cử như TPHCM, 90% nguồn lực trong sản xuất phim nằm ở đây, vì vậy cần thúc đẩy TPHCM xây dựng được cơ chế đặc thù và thấy được lợi thế của mình để phát triển điện ảnh, đầu tư cho điện ảnh, từ đó thu được những lợi nhuận kinh tế cho thành phố. 

Hay như với Quảng Ninh những đoàn làm phim vào địa phương sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi gì? Và với tỉnh Khánh Hòa tới đây khi đến làm việc, Bộ VHTT&DL cũng đề nghị tỉnh nghiên cứu có những chính sách đặc thù dành cho điện ảnh. Tỉnh Khánh Hòa sẽ đưa ra được những bước đi đầu tiên trong việc thực hiện cơ chế đặc thù dành cho điện ảnh. Việc triển khai thí điểm có thể là không lớn, là bước đầu tiên nhưng đó là bước để các tỉnh, thành phố khác nhìn vào thấy được sự chuyển biết trong việc khơi thông nguồn lực của tất cả các bên để thu hút đầu tư cho điện ảnh Việt Nam.

https://baochinhphu.vn/can-co-nhung-chinh-sach-phu-hop-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-dien-anh-viet-nam-102230314194810301.htm

Diệp Anh/Chinhphu.vn