Câu chuyện phát triển ngôi nhà chung UNESCO tại Việt Nam

Published Date
03/03/2023

Baoquocte.vn. Không đơn thuần chỉ là những báo cáo tổng kết hay triển khai phương hướng, các thành viên của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các đại biểu khách mời vừa có một cuộc họp đầu năm ấm cúng, cùng ngồi lại bàn câu chuyện phát triển cho ngôi nhà chung ở Việt Nam. 

Câu chuyện phát triển ngôi nhà chung UNESCO tại Việt Nam
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác 2022 và phương hướng 2023, ngày 28/2. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

UNESCO đánh giá cao những thành quả mà Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đạt được thời gian qua, tại Hội nghị tổng kết công tác 2022 và phương hướng 2023 vừa tổ chức ngày 28/2.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đại diện ban quản lý các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam và chuyên gia trong các lĩnh vực của UNESCO.

Đây là dịp để Ủy ban nhìn lại thành quả trong một năm tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp với cuộc xung đột Nga-Ukraine, biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 với những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và công tác chuyên môn của UNESCO. Với vai trò, trách nhiệm của quốc gia thành viên, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong các công việc chung…

Thành quả đáng ghi nhận

Tại Hội nghị, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Vinh Quang cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia và phát huy tốt vai trò thành viên của ba cơ chế quan trọng của UNESCO: Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ (UBLCP) Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005) nhiệm kỳ 2021-2025 và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) nhiệm kỳ 2022-2026.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tiếp tục đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2018-2022, thành viên Hội đồng tư vấn về Công viên địa chất toàn cầu nhiệm kỳ 2020-2024.

Việt Nam được tín nhiệm bầu vào UBLCP Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 với số phiếu cao nhất trong 13 ứng cử viên. Bên cạnh đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-UNESCO lên tầm cao mới.

Cùng với việc xây dựng, ban hành và bước đầu thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động triển khai nội dung Bản ghi nhớ hợp tác UNESCO-Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Ủy ban tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với Văn phòng UNESCO Hà Nội cũng như với Ủy ban Quốc gia UNESCO các nước trong khu vực nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp hợp tác ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề của diễn đàn, các lĩnh vực thuộc thẩm quyền và các hồ sơ danh hiệu.

Trong năm 2022, Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan, các nhà khoa học trong và ngoài nước xây dựng và vận động thành công UNESCO ghi danh bốn hồ sơ bao gồm: thành phố Cao Lãnh là thành viên của Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu UNESCO (9/2022); Hồ sơ Bia Ma Nhai tại danh thắng Ngũ hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm Làng Trường Lưu, Hà Tĩnh là Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (11/2022); Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Các di sản, danh hiệu mới được UNESCO ghi danh tiếp tục giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; khẳng định sâu sắc, giá trị văn hóa, di sản tư liệu, tinh thần của Việt Nam với thế giới.

Uỷ ban đã đệ trình UNESCO xem xét hồ sơ cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác; tiếp tục bám sát, vận động các hồ sơ Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà (nộp năm 2021) là di sản thế giới; hồ sơ Cửu Đỉnh-Cung đình Huế và Bộ tài liệu về nhạc sĩ Hoàng Vân (nộp năm 2021) là di sản tư liệu; hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” (nộp năm 2021), hồ sơ “Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam” (nộp năm 2022) là di sản văn hóa phi vật thể.

Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Vinh Quang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Vinh Quang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tinh thần của sự đồng hành

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định có được thành quả trên là do nỗ lực rất lớn của các thành viên, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban thư ký và các tiểu ban chuyên môn: Tiểu ban Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tiểu ban Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tiểu ban Khoa học tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ); Tiểu ban Khoa học xã hội và Tiểu ban Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông); cũng như giữa Ủy ban với các địa phương và Văn phòng UNESCO của Hà Nội.

Chia sẻ tại Hội nghị, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đánh giá cao những thành quả của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, bày tỏ niềm tự hào vì Văn phòng UNESCO đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các thỏa thuận hợp tác và xây dựng các chương trình hành động cụ thể.

Cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, ông Christian Manhart cho biết, trong năm 2023, Văn phòng UNESCO sẽ đồng hành cùng một số địa phương như Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng… trong bảo tồn di sản, giúp Việt Nam chuẩn bị các hồ sơ trình UNESCO vinh danh di sản thế giới.

Bên cạnh mặt kỹ thuật đối với các Ủy ban Chương trình con người và sinh quyển, Công viên địa chất, Chương trình về biển và nước, Văn phòng tiếp tục hỗ trợ thực thi các khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở tại Việt Nam; thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các chương trình khoa học, các sáng kiến thanh niên và quan tâm hơn đến lĩnh vực giáo dục…

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã ghi nhận sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm từ phía Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đối với Hà Giang, đặc biệt là trong năm 2022 khi Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trải qua kỳ tái đánh giá tư cách thành viên lần thứ ba.

Theo ông Sơn, danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã đem lại cho Hà Giang hướng đi mới nhằm góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương; công tác bảo tồn di sản một cách bền vững cũng được chú trọng.

Để tiếp tục đạt được các mục tiêu xây dựng và phát triển nhanh, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Ủy ban tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong các nhiệm vụ chính như: tư vấn định hướng phát triển Công viên địa chất giai đoạn 2023-2026; khoanh vùng bổ sung di sản Công viên địa chất; hỗ trợ cung cấp các chương trình giáo dục, y tế, nâng cao năng lực cộng đồng…

Câu chuyện phát triển ngôi nhà chung UNESCO tại Việt Nam
Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng năm 2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hướng về tương lai

Trong kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam ghi nhận những đóng góp thiết thực và quý báu của các đại biểu cho phương hướng hoạt động của Ủy ban trong năm 2023.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Ban thư ký UNESCO, các cơ quan chuyên môn của tổ chức, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và khu vực, Ủy ban quốc gia các nước; phát huy vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác điều phối, tư vấn, hỗ trợ và giám sát các hoạt động của các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn, các địa phương trong khuôn khổ hợp tác với UNESCO.

Trong các mục tiêu cụ thể, năm 2023, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa như dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Nghị định của Chính phủ quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quy định về quản lý di sản tư liệu.

Trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp cho sự phát triển của ngôi nhà chung UNESCO, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tăng cường tiếp cận nguồn lực và huy động xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, hỗ trợ nghệ thuật đương đại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa và sáng tạo, triển khai Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO; vận động và hoàn thiện các hồ sơ đề cử, tăng cường giới thiệu các di sản Việt Nam được UNESCO ghi danh.

https://baoquocte.vn/cau-chuyen-phat-trien-ngoi-nha-chung-unesco-tai-viet-nam-218485.html

AN LÊ/Baoquocte.vn.