Cầu nối văn hóa quê hương tới cộng đồng
Bên cạnh những nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube thì TikTok cũng có tốc độ phát triển mạnh, được ví như mảnh đất màu mỡ để các bạn trẻ khai thác, quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa dân tộc, vùng miền.
Những đại sứ quảng bá văn hóa
Trong muôn vàn nội dung sáng tạo trên TikTok, nhiều bạn trẻ đã lấy câu chuyện cuộc sống quê hương làm chủ đề chính. Đó là những clip khám phá địa danh nổi tiếng, văn hóa bản địa, đặc sản vùng miền… hay đơn giản chỉ là những clip về cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày bên người thân nhưng lại có sức hút vô cùng mạnh.
Điển hình là kênh TikTok “Tiểu Màn Thầu” của bạn trẻ Nguyễn Thị Thương ở Sơn Tây, Hà Nội. Kênh này đã đạt được hàng triệu lượt theo dõi với nhiều clip giới thiệu về những địa danh du lịch, ẩm thực… Trong đó, không ít clip có nội dung chia sẻ về cuộc sống đời thường của chính cô như những món ăn ngon quanh thành cổ Sơn Tây, câu chuyện bình dị khi xuống thăm ông bà ngoại… Tất cả đều mang đến một tinh thần vui vẻ, nhẹ nhàng, mang đến cho người xem nguồn năng lượng tích cực.
Bên cạnh đó, trên kênh TikTok "Thế England du lịch Ninh Bình", bạn trẻ Bùi Thế Anh cũng liên tục sáng tạo ra nhiều video ngắn truyền tải, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến du khách gần xa. Không chỉ Thế Anh, nhiều bạn trẻ ở Ninh Bình đã sáng tạo nhiều nội dung trên các nền tảng mạng xã hội với mong muốn truyền tải thông điệp, quảng bá hình ảnh di sản của quê hương đến du khách trong nước và quốc tế.
Hay như kênh TikTok “An Đen” của cô gái trẻ Nguyễn Thúy An đến từ Đắk Lắk. Đây cũng là kênh nhận được hàng triệu theo dõi và hàng chục triệu lượt yêu thích. Trong những video được đăng tải, cư dân mạng ấn tượng trước hình ảnh một cô gái sống tại vùng quê với làn da ngăm tất bật với công việc đồng áng. Bên cạnh đó, việc mang đến những câu chuyện đời thường, những lời bình về thiên nhiên, cảnh vật của làng quê mình giúp cô chiếm được nhiều cảm tình của người xem.
Đó chỉ là 3 trong số những TikToker (người sáng tạo nội dung trên TikTok) trẻ đã lựa chọn quê hương làm đề tài khai thác nhằm lan tỏa những bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương mình đến bạn bè trong nước và cả quốc tế. Theo TS Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, việc những bạn trẻ làm nội dung ngắn về văn hóa, quê hương… đăng tải trên nền tảng mạng xã hội TikTok là việc đáng mừng.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, những bạn trẻ là những người tiên phong và sáng tạo. Họ đã tạo ra những xu hướng mới trong thời gian qua, góp phần quảng bá du lịch, quảng bá văn hóa của Việt Nam. Nhiều video về các phong tục tập quán, phong cảnh, ẩm thực… đã góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Những clip ấy cũng giúp các bạn trẻ thấy yêu quê hương hơn.
Cần vốn sống và tâm trong sáng
Việc những bạn trẻ yêu mến văn hóa dân tộc và muốn lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp đó đến mọi người xung quanh thông qua mạng xã hội là điều đáng biểu dương và hoan nghênh. Song nhiều ý kiến cho rằng, những người làm nội dung sáng tạo trên môi trường số cần phải trung thực, tránh lạm dụng hoặc chỉ khai thác những điều lạ lẫm, nhạy cảm để câu like tạo hiệu ứng không tốt, dẫn đến cái nhìn lệch lạc cho người xem.
Đây cũng chính là vấn đề mà PGS.TS Trần Thành Nam lo ngại: Có những bạn trẻ hiện nay đang làm clip không phù hợp với thực tế, thay vì trải nghiệm thực tế thì các bạn ấy làm theo đơn đặt hàng nên có nội dung một chiều, mang tính câu view. Ở một số kênh có những clip về văn hóa bị biến tướng như ở những clip về những món ăn khiến cho người xem ghê sợ. Nguyên nhân do những bạn trẻ làm nội dung đó bị áp lực về vấn đề nội dung khi không cập nhật được đầy đủ tri thức và những kiến thức khoa học. Đó còn là vấn đề không ý thức được về những nguy hại, nguy cơ khi lan truyền thông tin không chính xác.
“Hiện nay sản xuất nội dung đã được coi là một nghề. Khi xây dựng nội dung liên quan đến văn hóa, con người, phong tục, tập quán… thì đều phải có tiêu chuẩn, chuẩn mực làm nghề. Để làm được điều đó thì cần phải có kỹ năng, có trải nghiệm thực tế, có kiến thức văn hóa” - PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Đồng quan điểm, theo TS Trần Hữu Sơn, nội dung sáng tạo ra phải gắn với cuộc sống. Những clip được đăng tải thu hút nhiều lượt xem là đáng mừng, nhưng mỗi người làm sáng tạo nội dung cần có cho mình một phong cách riêng. Bên cạnh đó phải có vốn sống dày dặn để chọn lựa, chắt lọc nội dung. Nếu vốn sống mỏng, chạy đua theo trào lưu lạ sẽ dễ dàng đi chệch hướng, gây tác dụng ngược. Vì vậy phải có sự chọn lọc, đặc biệt là cái tâm của người làm sáng tạo nội dung” - TS Trần Hữu Sơn nói.
ThS Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển):
Không chủ quan, lạm dụng và quy chụp
Những video ngắn trên mạng xã hội TikTok giới thiệu về văn hóa, quê hương nhưng chứa những thông tin cơ bản và có giá trị văn hóa cao. Chính điều này tác động tích cực đến sự phát triển của văn hóa. Tuy nhiên, để thu hút được người xem, trước hết người làm phải tìm được những cái mới trong đó, từ nội dung, góc nhìn, cách chuyển tải.
Các bạn trẻ cần lưu ý, với văn hóa, luôn ẩn chứa hàm nghĩa và kiến thức sâu rộng nên không được chủ quan đưa ra nhận xét, so sánh, đánh giá khi chưa tham khảo ý kiến chuyên gia; chưa hiểu rõ vấn đề sẽ rất dễ định hướng sai cho dư luận, hiểu sai bản chất của căn bản của văn hóa đó. Nhất là văn hóa tâm linh hay tôn giáo tín ngưỡng thì tuyệt đối không được chủ quan, lạm dụng và quy chụp. Trước khi đưa lên mạng xã hội cần kiểm duyệt kỹ về mặt nội dung xem có vi phạm đạo đức pháp luật hay không?
Phạm Sỹ - Theo https://daidoanket.vn/cau-noi-van-hoa-que-huong-toi-cong-dong-10293886.html