Châu Âu tăng đầu tư vào Việt Nam, vừa 'rót' thêm 100 triệu USD
Chủ tịch EuroCham nhận định, dù kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phức tạp, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện khả năng phục hồi, linh hoạt. Đầu tư của châu Âu vào Việt Nam gia tăng, Nestlé Việt Nam vừa công bố "rót" thêm 100 triệu USD vào Đồng Nai.
Sáng 16/1, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố sách trắng thường niên lần thứ 15. Sách trắng nhấn mạnh các khuyến khích các ưu tiên đầu tư và thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhận định, dù kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện khả năng phục hồi, linh hoạt. “Dấu hiệu quan trọng của điều này là đầu tư của châu Âu vào Việt Nam gia tăng. Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD. Điều này nhấn mạnh niềm tin của châu Âu đối với Việt Nam”, ông Gabor Fluit nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Eurocham, năm 2024 sẽ có những khó khăn riêng, môi trường kinh tế không thuận lợi như trước năm 2020. Ông Gabor Fluit lưu ý Việt Nam các rủi ro như xuất nhập khẩu chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và cả những khó khăn không thể lường trước. Khi Việt Nam đối mặt với những thách thức, cơ hội hiện tại, chính sách thích ứng sẽ là yếu tố then chốt.
Eurocham công bố sách trắng thường niên lần thứ 15.
Nêu ra thách thức mà các công ty châu Âu gặp phải và đề xuất cho cơ quan hoạch định chính sách, ông Michel Cassagnes - Chủ tịch Tiểu ban Xây dựng, Eurocham - kiến nghị đơn giản hóa quá trình cấp chứng nhận thiết bị để tránh chậm trễ dự án. Việc thừa nhận cả các tiêu chuẩn quốc tế và tương đương của địa phương có thể cho phép phê duyệt nhanh hơn mà vẫn đảm bảo an toàn.
"Liên quan đến hệ thống phòng cháy chữa cháy cho công trình cải tạo, chúng tôi khuyến nghị thống nhất các chính sách cho phép nhanh chóng xác nhận vật liệu phù hợp, dù là nội địa hay nhập khẩu. Điều này tạo thuận lợi cho việc thực hiện tiến độ xây dựng thông qua tính minh bạch lớn hơn về quy định”, ông Michel Cassagnes đề nghị.
Ông Hans Kerstens - Phó Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần, Eurocham - đề xuất Việt Nam tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics và cải thiện chỉ số hiệu quả hoạt động logistics của Việt Nam. Hải quan cần có một bộ văn bản hướng dẫn liên quan đến thủ tục hải quan, ưu đãi thuế quan, làm rõ các quy định phân loại mã HS và tiếp tục thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ.
Ông Mario Mendis - Chủ tịch Tiểu ban du lịch, nhà hàng và khách sạn - ủng hộ Việt Nam mở rộng chính sách miễn thị thực với tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Ông Mario lưu ý Việt Nam về sự phát triển của du lịch y tế, tạo ra cơ hội việc làm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chăm sóc sức khỏe, khách sạn, vận tải và dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, việc thu thuế, phí và lệ phí liên quan đến quyền sở hữu tài sản, dịch vụ và các khía cạnh khác của du lịch hưu trí có thể đóng góp vào nguồn thu của Chính phủ.
Về cải cách quy định, thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - cho biết, năm 2023, năm 2023, 628 quy định kinh doanh đã được cắt giảm tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2024, ít nhất 20% thủ tục hành chính nội bộ và 20% chi phí tuân thủ sẽ được cắt giảm, đơn giản hoá. Đến 2025, mục tiêu hoàn thành phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực.
Ông Phan đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tạo rào cản, định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ - cơ quan thường trực Tổ công tác và hội đồng tư vấn.
Việt Linh - https://tienphong.vn/chau-au-tang-dau-tu-vao-viet-nam-vua-rot-them-100-trieu-usd-post1604865.tpo