Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Cần trả về đúng vị trí

Published Date
28/09/2023

Cần trả các môn "tự nguyện" về đúng vị trí của nó, là sau khi học sinh đã kết thúc giờ học chính khóa, ai thích gì thì đăng ký học, và công khai chương trình.                                

                                                      

Đó là quan điểm của đông đảo chuyên gia và phụ huynh, bạn đọc Báo Thanh Niên.

"THỜI GIAN ĐẦU LÀM RẤT TỐT, NHƯNG…"

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, chuyên gia giáo dục, cho biết giai đoạn đầu, ông thấy rằng việc các trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 rất tốt, cởi mở, khuyến khích năng động sáng tạo của nhà trường để nâng cao chất lượng, tùy tình hình từng trường, từng địa phương. Dạy học càng linh hoạt, sáng tạo thì càng giúp học sinh (HS) thành công lâu dài.

Trong quá trình xây dựng chương trình này, giáo dục STEM, kỹ năng sống… đã được lồng ghép, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo. Nhưng các giai đoạn sau này, thấy phụ huynh có nhu cầu nhiều, dẫn đến tình trạng các công ty, trung tâm, doanh nghiệp, các tổ chức… tham gia vào trường, gây ra nhiều biến tướng. Do đó, theo thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, nên kiểm tra đánh giá đầy đủ để có đánh giá công tâm, cái nào tích cực, cái nào chưa được ở các trường để điều chỉnh.


Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Cần trả về đúng vị trí  - Ảnh 1.

Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh tiểu học bắt buộc học 2 buổi/ngày với 7 tiết

NHẬT THỊNH

Chuyên gia giáo dục Hồ Sỹ Anh cho biết việc dạy "chèn" môn "tự nguyện" vào chính khóa là sai quy định, cần phải điều chỉnh. Khi các môn "tự nguyện" này được tổ chức vào cuối mỗi buổi chiều, phụ huynh có quyền tự do đăng ký môn nào con em mình cần học, nên học, việc học này dựa trên nhu cầu thực tế của con em họ. Bởi giáo dục luôn khuyến khích năng động, sáng tạo, các em cần được phát huy năng khiếu của mình chứ không phải học theo số đông, đại trà, ai cũng học nghệ thuật, ai cũng học tiếng Anh, ai cũng cần học võ hay STEM… Giáo dục là công bằng. Tất cả trẻ em có quyền được học, và có quyền được học theo nhu cầu của mình.

"Nhà trường cần phải thông báo rõ ràng cho phụ huynh tất cả các thông tin về chương trình, chương trình nào chính khóa, ngoại khóa, ai dạy, thu phí như thế nào, đánh giá kết quả của HS cuối các khóa như thế nào. Như thế là minh bạch, rõ ràng cho phụ huynh có nhiều sự lựa chọn", chuyên gia Hồ Sỹ Anh nói.

Đồng thời, theo ông Hồ Sỹ Anh, bất cứ khi thực hiện chương trình gì cần đảm bảo 4 yếu tố đồng bộ là cơ sở vật chất, con người, cách thức quản lý và chính sách. Yếu tố nào cũng rất quan trọng, khi đã có đủ cơ sở vật chất, con người, cách thức quản lý mà chưa có chính sách thống nhất thì không thể đồng bộ.

KHÔNG THỂ LẤY LÝ DO KHÓ KHĂN ĐỂ ÁP XUỐNG HỌC SINH

Anh Đ., là một giáo viên (GV) dạy THCS và THPT, cũng là phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường tiểu học K.Đ, Q.Bình Tân, TP.HCM - một trong những phụ huynh phản ánh bức xúc vì việc chèn "môn tự nguyện" vào giờ chính khóa, cho hay: "Tôi luôn giữ quan điểm, hãy trả các môn ngoại khóa đúng về vị trí của nó, là học sau khi HS đã kết thúc giờ học chính khóa, ai thích gì thì đăng ký học, và công khai chương trình, chứ không thể "xen kẽ" vào thời gian chính khóa của các bé và thu tiền "tự nguyện" được".

"Các trường học không thể lấy lý do là khó khăn do thiếu GV, kẹt giờ, khó sắp xếp cho tất cả các hoạt động tự nguyện vào sau 15 giờ chiều khi các con đã hết giờ chính khóa được. Cũng như, nếu muốn thực hiện các đề án giáo dục, hãy miễn học phí các nội dung trong đề án để trẻ con được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, nhân văn, chứ không thể lấy lý do vì phải thực hiện đề án để áp đặt HS cần học", anh Đ. chia sẻ.

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Cần trả về đúng vị trí - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa các môn học liên kết, "tự nguyện" sau giờ học chính khóa

ĐÀO NGỌC THẠCH

CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Cô T.T.H, nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM, cho biết rất hiểu nỗi khổ của các phụ huynh, và các trường tiểu học công lập cũng có những nỗi khổ riêng khi sắp xếp thời khóa biểu, các đề án mà trường cần đạt chỉ tiêu nên phải dạy các môn học liên kết với đối tác…

"Nếu không dạy các chương trình cần liên kết với đối tác thì trường không có vấn đề gì. Nhưng vấn đề là có hàng loạt đề án buộc trường phải đạt chỉ tiêu mà liên quan liên kết. Nếu bỏ hết các chỉ tiêu đề án đi trường sẽ khỏe. Phụ huynh và HS đều không phải vất vả. Cứ học đủ môn quy định là đủ", cô T.T.H nói.

Cô H. cho biết Bộ GD-ĐT đã khẳng định việc chèn môn "tự nguyện" vào chính khóa là sai quy định, thì càng sớm càng tốt, Bộ GD-ĐT cần ban hành thật cụ thể quy định để các trường tiểu học phải thực hiện. Đó là trong khung giờ 7 tiết mỗi ngày không dạy các môn khác. Ngoài khung giờ đó, sẽ có các hoạt động nhà trường, CLB ngoại khóa, tùy trường thỏa thuận phụ huynh. HS nào không học có thể đón về sớm.

"Tôi cũng đề xuất ý kiến, trong tình hình nhiều trường thiếu GV, khi sử dụng nguồn GV tại trường dạy bổ trợ cho các em thì cần có chính sách bồi dưỡng các tiết dạy đó cho GV. Vì thực ra, hiệu trưởng nào phân công GV thiếu tiết nghĩa vụ để dạy bổ trợ cho các em HS cũng là chưa đúng, vì dĩ nhiên không phải GV nào cũng có khiếu và dạy tốt môn bổ trợ", cô T.T.H nêu quan điểm.

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Cần trả về đúng vị trí - Ảnh 3.

Thời khóa biểu chèn các môn chính khóa lẫn môn liên kết "tự nguyện"

PHCC

CẦN XEM XÉT CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG CHO GIÁO VIÊN BUỔI 2

Nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên cũng đề xuất các ý kiến, giải pháp sau các bài viết của báo về vấn đề "chèn" môn "tự nguyện" vào giờ chính khóa.

Bạn đọc Trịnh Cường cho biết: "Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng có một quy định, hướng dẫn cụ thể, không nên chung chung mỗi nơi mỗi cách vận dụng một kiểu. HS cũng căng thẳng thời gian, phụ huynh thì thêm phần lo lắng và hay nói giờ học cái gì cũng đầu tiên: tiền đâu. Việc tăng cường cho các cháu một số môn cần thiết như nhiều bạn đọc ý kiến là đúng, quan trọng là đừng dùng "nghệ thuật" ép các cháu. Cha mẹ thì canh cánh lo cái gì cũng nộp phí cho con, nếu không thì tủi".

Bạn đọc Thị Hằng Vũ cho hay: "Tôi rất đồng tình khi Bộ GD-ĐT không thu tiền buổi 2 của HS (HS lớp 1, 2, 3, 4 học Chương trình GDPT 2018). Nhưng bên cạnh đó vì chưa có chế độ tiền lương cho GV ở buổi 2 nên một số trường nghĩ ra nhiều cách như tổ chức các CLB (đôi khi các GV chủ nhiệm đảm nhận) để thu phí của HS, lấy tiền đó trả lương cho GV trong buổi 2. Mong rằng Bộ GD-ĐT xem xét chế độ tiền lương cho GV vào buổi 2 để không gây ra tình trạng lạm thu, chương trình quá tải cho GV và HS". 

Chờ đợi sự rà soát, kiểm tra, điều chỉnh của các sở GD-ĐT

Trước đó, trong bài phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Thái Văn Tài đã đăng trên Thanh Niên ngày 24.9, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có văn bản gửi các địa phương đề nghị báo cáo công tác quản lý nhà nước dựa vào các văn bản quy định nói trên cũng như rà soát xem trong quá trình triển khai thực hiện thì có vướng mắc gì, đề nghị bổ sung, sửa đổi gì không. Nếu Thông tư 04 sau gần 10 năm triển khai có những quy định không còn phù hợp thì đơn vị chức năng của Bộ sẽ có đánh giá và cần thiết sẽ bổ sung, sửa đổi.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu Nghị định 24 của Chính phủ để nghiêm túc thực hiện nhằm quản lý và chấn chỉnh các nhà trường trong hoạt động liên kết giáo dục. Bộ sẽ dựa trên các báo cáo thực trạng quản lý, đề xuất của địa phương dựa trên các văn bản như Thông tư 04 và Nghị định 24 để có những chỉ đạo hoặc chỉnh sửa hoặc đề xuất chỉnh sửa quy định cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Phụ huynh ở các địa phương đang rất chờ đợi những phản hồi tiếp theo từ các sở GD-ĐT địa phương trong cả nước.

Bao nhiêu tiền cho một đứa trẻ đi học tiểu học ?

Một phụ huynh HS lớp 1 ở Q.Bình Tân, TP.HCM nhẩm tính, chưa kể chi phí mua sách giáo khoa, đồng phục, giày dép, bảo hiểm y tế, học phẩm, các loại tiền quỹ ở đầu năm học, tiền góp với phụ huynh mua máy lạnh, máy chiếu (tổng các số này nhiều triệu đồng), thì mỗi tháng trung bình gia đình anh phải chi phí gần 2 triệu đồng/bé cho những khoản thu các loại hình lớp học, tiền tổ chức bán trú, tiền ăn bán trú, nước uống… Nếu nhà có hai đứa con đi học, thì số tiền phải lo rất vất vả.

Theo Thúy Hằng - nguyenthuyhang840@gmail.com/Báo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/chen-mon-tu-nguyen-vao-chinh-khoa-can-tra-ve-dung-vi-tri-185230924144102153.htm