Bỏ lúa trồng thanh long!
Vùng đất Chợ Gạo một thời là trung tâm sản xuất lúa gạo của địa phương. Năm 1977, chỉ từ 7 hạt lúa giống được GS Võ Tòng Xuân tặng, chính trên vùng đất màu mỡ Chợ Gạo, ông Hai Chung (Võ Văn Chung, ngụ xã Lương Hòa Lạc, người từng được tôn vinh là “vua lúa giống”) đã nhân ra hàng trăm, hàng ngàn tấn lúa giống chịu hạn, chống sâu rầy, năng suất cao, cung cấp cho cả miền Tây. Với thành tích đó, ông Hai Chung đã được Nhà nước cử đi dự Hội nghị những người trồng lúa tiêu biểu trên thế giới, được tổ chức tại Philippines năm 1985.
Chúng tôi ghé thăm ông Tư Bốn (Trung tướng Nguyễn Việt Thành), người từng nổi tiếng với chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” vào những năm 2001-2002, do ông làm chỉ huy để điều tra quá trình hình thành và hoạt động tội phạm có tổ chức theo kiểu xã hội đen của Năm Cam và đồng bọn, nay ông đã về nghỉ hưu trên quê hương Thanh Bình. Ông Tư Bốn tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất lúa gạo này, và cũng chọn nơi đây để sống quãng đời còn lại. Trong những năm đi làm việc nơi xa, tôi vẫn thường xuyên về thăm vùng đất thân thương này, nơi mà giống lúa, hạt gạo ngon đã nuôi tôi lớn khôn, cũng là nơi mà cha và 2 anh của tôi đã ngã xuống để bảo vệ quê hương”. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tư Bốn không khỏi chạnh lòng khi thấy cây lúa ngày càng thưa dần trên quê hương của ông.
Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở tỉnh Long An, nơi có giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào nổi tiếng, nhớ lại: Vào các thập niên 1970-1980, khi giao thương ở miền Tây còn chủ yếu là đường thủy, ghe tàu qua lại kênh Chợ Gạo luôn tấp nập để vận chuyển lúa gạo giữa miền Tây và TPHCM. Các loại gạo đặc sản nổi tiếng ở Chợ Gạo nhờ đó đã theo ghe tàu đi khắp nơi, như IR36, Long Định, Thần Nông… nổi tiếng không thua kém Nàng Thơm Chợ Đào của Long An.
Tuy nhiên, Chợ Gạo bây giờ người dân bỏ ruộng lúa để trồng thanh long. Công bằng mà nói, cây thanh long đã giúp cho người dân Chợ Gạo đổi đời, rất nhiều hộ nghèo đã vươn lên khá, giàu, làm thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn của huyện.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo: Cây thanh long thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, dễ trồng, năng suất cao. Trung bình mỗi năm, nông dân sản xuất 3 vụ (2 vụ nghịch và 1 vụ thuận), đạt năng suất bình quân 30 tấn/ha. Những năm trước đây, lúc thị trường ổn định, giá bán bình quân thanh long ruột đỏ là 20.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng là 10.000 đồng/kg. Trừ chi phí, bà con lãi bình quân 400 triệu đồng/ha đối với thanh long ruột đỏ và 200 triệu đồng/ha đối với thanh long ruột trắng, cao gấp nhiều lần so với trồng độc canh cây lúa
3 vụ/năm (lãi trung bình chỉ 30 triệu đồng/ha/năm). Không ít thời điểm (thường lúc trái vụ, thanh long xông đèn) giá thanh long ruột đỏ lên 50.000-60.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng lên 20.000-30.000 đồng/kg, người trồng thanh long càng lãi cao.
Bỏ thanh long thì trồng gì?
Nhưng thời gian gần đây, cây thanh long lại khiến người dân lao đao, khốn khổ. Len vào các vùng quê của xã Quơn Long, Bình Ninh, Tân Thuận Bình, Mỹ Tịnh An, Đăng Hưng Phước, Lương Hòa Lạc… (huyện Chợ Gạo), không khó bắt gặp cảnh người dân chặt bỏ vườn thanh long. Ông Nguyễn Việt Hùng (ấp Bình Long, xã Thanh Bình), ngoài 70 tuổi, với hơn 20 năm trồng thanh long, cả gia đình sống nhờ loại trái cây này, nay đành bấm bụng chặt bỏ hết 500 gốc thanh long, bởi 2 năm qua đã lỗ cả trăm triệu đồng. Ông Hùng cho biết, thanh long xông đèn mỗi năm 3 vụ, bán ra không đủ trả tiền điện, giờ lại phải bỏ ra gần chục triệu đồng để thuê nhân công đốn bỏ.
Chỉ vào những cây dừa thay thế các trụ thanh long, ông Hùng nói: “Thanh long mất giá và thậm chí không bán được, nên cầm cự hết nổi rồi. Nay chuyển đổi sang trồng dừa vì thổ nhưỡng đất cũng thích hợp. Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trồng trọt, nhưng nỗi lo rớt giá khiến tôi cũng mất ngủ triền miên, trong khi giá vật tư leo thang mỗi ngày và nông dân chịu rủi ro lớn nhất”. Rời vườn dừa của ông Hùng, chúng tôi men theo các con đường tỉnh lộ và không khó để thấy nhiều vườn thanh long bị đốn hạ. Có vườn thanh long được trồng lẫn với cỏ voi làm thức ăn cho bò…
Ông Phùng Văn Dũng (55 tuổi) là một thương binh, chỉ tay về vườn thanh long ở bên kia đường vừa bị chặt bỏ, cho biết, đó là vườn của người em trai tên Phùng Văn Hùng. “Bây giờ giá phân thuốc tăng, công lao động cũng tăng mà thanh long không bán được thì để lại làm gì. Gia đình phá bỏ để chuyển đổi cây trồng khác, nhưng hiện tại cũng chưa biết trồng cây gì”, ông Dũng nói.
Điệp khúc được mùa rớt giá, giải cứu nông sản nói chung và thanh long nói riêng, không còn mới. Cũng do thời gian qua giá bán bấp bênh, người trồng thanh long thua lỗ khiến phong trào trồng mới cũng đã chững lại. Tại ĐBSCL, thanh long không chỉ được trồng nhiều ở Tiền Giang, mà còn có huyện Châu Thành (Long An). Ban đầu huyện này chỉ có vài chục hécta trồng thanh long, giờ đã phát triển thành vùng chuyên canh hơn 11.000ha. Nhưng cũng như ở Chợ Gạo, nhiều nông dân huyện Châu Thành giờ đang xót xa chặt bỏ vườn thanh long.
Trở lại với huyện Chợ Gạo. Mặc dù nơi đây còn rất ít diện tích lúa, nhưng chưa thấy ai tính chuyện chuyển lại từ thanh long sang trồng lúa. Ông Lê Anh Thủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, cho biết: “Nông dân trong xã đã ngừng canh tác gần 20ha trên tổng số gần 600ha thanh long do giá thấp không bù được chi phí sản xuất, nhưng bỏ thanh long để trồng cây gì khác, thì bà con vẫn chưa định hình. Một số hộ trồng dừa, một số thì để đó chờ thời, chưa thấy ai chuyển sang trồng lúa”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, đề án phát triển cây thanh long của tỉnh đến năm 2025, quy hoạch khoảng 9.000ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này diện tích trồng thanh long của tỉnh đã vượt mục tiêu của đề án, do nông dân sản xuất tự phát nên rất khó kiểm soát. Ngành chức năng đã và đang nỗ lực hỗ trợ người dân tiêu thụ thanh long; đồng thời tính toán phương án giúp người dân giữ lại vườn thanh long, cũng như chuyển hướng trồng thanh long công nghệ cao, nhằm tăng chất lượng, cũng như tạo thuận lợi về đầu ra cho trái thanh long đạt chuẩn.
Chúng tôi theo quốc lộ 50 rời huyện Chợ Gạo, hai bên đường người ta đổ đống thanh long bán với giá rẻ như cho. Thỉnh thoảng mới thấy một vài nơi bán gạo, nhưng là gạo ST, gạo Thái… Ngay trên đất Chợ Gạo giờ không còn thấy những loại gạo nổi tiếng một thời như IR36, Thần Nông, Long Định. Đi ngang cánh đồng xã Lương Hòa Lạc, nơi ông Hai Chung từng nhân giống lúa thành công, giờ bạt ngàn thanh long, trong đó có vườn vừa bị đốn hạ.
NGỌC PHÚC/SGGP