Chưa phủ vắc xin mũi 2, vẫn cần tính trước tiêm mũi 3
Chưa một ai dám khẳng định Covid-19 khi nào sẽ kết thúc ở nước ta cũng như trên thế giới, cũng chưa ai nói chắc chắn người dân tiêm mũi 2 sẽ là đủ điều kiện phòng chống đại dịch lâu dài.
Đâu là nhóm ưu tiên tiêm vắc xin
Việc rút kinh nghiệm chuyện ưu tiên các đối tượng nào được tiêm chủng mũi 3 (tăng cường) vẫn cần được đặt ra ngay từ bây giờ để có thể chủ động hơn. Mục đích là tránh như vừa qua, cả nước đã triển khai nhưng mỗi nơi vận dụng mỗi khác về việc đối tượng nào được tiêm trước.
Bác sĩ quân y tiêm vắc xin cho cụ bà 93 tuổi tại TP.HCM. Ảnh: Tuấn Kiệt
Tôi nhớ, khi TP.HCM có số người tử vong mỗi ngày mỗi cao lúc đại dịch bùng phát khủng khiếp, những người không “trụ” nổi chính là người cao tuổi, người có bệnh nền. Từ đó, TP đã tức tốc ưu tiên cho nhóm này được chích ngừa sớm và coi đó là giải pháp tối cần thiết.
Hà Nội ban đầu chưa đưa nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền được tiêm sớm với lý do này khác. Sau đó TP cũng đã thay đổi. Thật may là nhờ việc chuyển hướng này mà Hà Nội có số người tử vong ít còn TP.HCM cũng dần dần đi qua đỉnh dịch.
Tôi cho rằng, tất cả xuất phát từ một khó khăn chung, vắc xin chúng ta mua cũng như được viện trợ chưa nhiều. Quả là rất khó khi danh sách ưu tiên lại quá nhiều đối tượng khác nhau mà nói cho cùng thì ai cũng đáng được ưu tiên.
Sáng 16/10, lần đầu tiên tôi gọi xe Grab sau nhiều tháng Hà Nội dừng hoạt động taxi vì dịch bệnh. Tôi hỏi anh tài xế có được công ty tổ chức tiêm chủng hay không. Anh cho biết đã tiêm tại phường nơi cư trú. Vậy công ty không được ưu tiên tiêm sớm sao? Anh nói tất cả đều tiêm tại địa bàn nơi cư trú. Vì thế, có đồng nghiệp của anh sớm rời Hà Nội về quê thì khó được tiêm chủng, kết quả là trở lại làm việc rất khó khăn. Nghe vậy tôi thấy thật không ổn.
Lẽ ra tài xế taxi (kể cả truyền thống hay công nghệ) cũng như shipper nên được ưu tiên tiêm sớm để khi hết giãn cách họ trở lại hoạt động ngay tức thì. TP.HCM đã sớm nhận ra vấn đề và thay đổi.
Các tài xế (kể cả lái xe khách đường dài, xe buýt, xe ôm công nghệ…) thậm chí cần được xem như lực lượng tuyến đầu. Dù thuộc doanh nghiệp tư nhân, họ vẫn là người góp phần lưu thông hàng hoá. Một TP lớn như Hà Nội, khi thực hiện chỉ thị 16 mà chỉ cho 200 taxi hoạt động chuyên đưa đón bệnh nhân đi bệnh viện thì rõ ràng chưa thể đảm bảo. Đến như người cao tuổi muốn đi tiêm chủng cũng rất ngại gọi xe bởi xe chở bệnh nhân đi khám bệnh như vậy đã thật yên tâm về độ an toàn cho người lành hay chưa?
Bị động nên khó đón đầu
Nhìn chung là khá nhiều bất cập xảy ra trong thời gian qua tại rất nhiều địa phương.
Nếu lái xe chở khách không được quan tâm tiêm chủng sớm thì sẽ có cảnh phải sau 14 ngày tiêm mũi 2, lực lượng này mới được phép hành nghề dù chính quyền tuyên bố nới lỏng giãn cách. Việc chủ động đón kế hoạch nới lỏng rất cần phải đặt ra là như vậy. Nếu ngày 14/10 Hà Nội cho taxi hoạt động mà tài xế chưa tiêm chủng thì sao đây?
Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm vào chiều 15/10, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, vừa qua có lúc, có địa phương thực hiện biện pháp phòng chống dịch làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa.
Đã đến lúc cần tổng kết những gì vừa qua để chủ động tính toán cho thời gian tới đây phòng khả năng những đợt dịch khác bùng phát
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ GTVT đã ban hành quy định tạm thời hướng dẫn vận tải 5 lĩnh vực. Chính phủ mới đây ban hành nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng có quyết định 4800 hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện nghị quyết 128.
"Trên cơ sở nghị quyết 128 và văn bản 4800, chúng tôi rà soát, cập nhật, cụ thể hóa và cố gắng ban hành quy định mới trong một vài ngày tới thay thế những cái cũ để phù hợp chỉ đạo chung của Chính phủ, làm cơ sở cho các tỉnh và Bộ GTVT thực hiện đồng bộ", ông cho biết.
Với đầu mối giao thông hết sức quan trọng như Hà Nội, Bộ GTVT sẽ làm việc trực tiếp với UBND TP để thống nhất phục hồi vận tải. Việc thống nhất dựa trên cơ sở nghị quyết 128 và văn bản 4800 để tháo gỡ càng sớm càng tốt.
Theo Vụ Vận tải, đến ngày 14/10, có 36 Sở GTVT báo cáo về triển khai chạy xe khách liên tỉnh, có nhiều địa phương đang vướng mắc trong việc rà soát về tiêm phòng cho tài xế, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách.
Như vậy là nhiều địa phương bị động mà nguyên nhân sâu xa chính là chưa quan tâm đến việc tiêm chủng cho lái xe để lực lượng này chủ động đón đầu khi chỉ thị 16, chỉ thị 15 được dỡ bỏ và nay là thực hiện theo nghị quyết 128.
Tất nhiên, không phải địa phương nào cũng như vậy. Tôi có điện hỏi ông Trần Sơn Tùng, Tổng giám đốc công ty vận tải khách Sơn Tùng, tỉnh Bình Định. Ông cho biết, tỉnh quan tâm và tài xế xe khách được tiêm tạm ổn. Công ty của ông với cả trăm xe chạy đường dài cũng đủ lực lượng để chạy nếu như được dỡ bỏ giãn cách. Các quy định về đi lại qua chốt, xét nghiệm, đón tiếp người từ địa phương khác đến/về Bình Định đều được tỉnh này thực hiện theo nghị quyết 128 và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, lại có cái khó khác và cũng là nỗi lo chung của nhiều hãng xe. Tưởng mừng mà hoá lo bởi họ chỉ được nhận chở 50% ghế. Vì thế, càng chạy nhiều chuyến thì doanh nghiệp sẽ càng lỗ nặng, ông Sơn Tùng chia sẻ.
Dân bị phạt
Yêu cầu xe khách hoạt động quá khắt khe, mỗi địa phương lại xử lý một kiểu khác nhau nên đi sang địa phận tỉnh khác rất khó khăn. Nơi thì gỡ bỏ chỉ thị 15, 16 hoặc 19 để thực hiện bằng nghị quyết 128. Nơi thì còn chờ nghiên cứu, thậm chí còn bị dán niêm phong cửa kính…
Thử hỏi những nghiên cứu và vận dụng khác người kiểu nói trên sẽ còn tiếp diễn đến khi nào trong khi Chính phủ đã có nghị quyết rất rõ ràng?
Việc khôi phục kinh tế, xã hội trở lại “hoạt động bình thường mới” thật khó nếu các địa phương còn có suy nghĩ và triển khai chậm chạp, không nhất quán và không tuân thủ cấp trên.
Dân không thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về phòng chống dịch thì bị phạt. Vậy các địa phương chậm triển khai và làm trái các chỉ đạo của Trung ương thì lãnh đạo có bị phạt không?
Đã đến lúc cần tổng kết những gì vừa qua để chủ động tính toán cho thời gian tới đây phòng khả năng những đợt dịch khác bùng phát. Hãy xem điều này là chuyện bình thường một khi chúng ta đã xác định sống chung với virus. Và khi đó, Nhà nước có nên bao cấp tiêm chủng hay cứ để xã hội tự vận động. Nhà nước chỉ bao cấp, trợ giúp có đối tượng người nghèo bởi tiêm ngừa Covid-19 rồi cũng sẽ giống như tiêm phòng các bệnh khác mà nhiều chục năm qua chúng ta đã làm.
Quốc Phong