Chuyện chưa kể trên hải trình thứ 10 ra Trường Sa
Đoàn kiều bào trong chuyến Hải trình lần thứ 10 ra Trường Sa. (Ảnh: N.H) |
Những ngày giữa tháng Tư, nơi đầu sóng, ngọn gió, con tàu Trường Sa mang số hiệu 571, thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955 (Vùng 4 Hải quân), chở đoàn công tác số 4, gồm hơn 200 đại biểu, trong đó có 47 kiều bào, từ 22 quốc gia trên khắp thế giới đại diện cho hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn, vượt hơn 1.000 hải lý mang theo hơi thở đất liền và những người con xa xứ đến với quần đảo Trường Sa.
Câu chuyện “khai sơn phá thạch”
Trên con tàu đang băng băng rẽ sóng, bên trong cabin, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, hướng tầm mắt về nơi đảo xa kể cho cánh phóng viên chúng tôi câu chuyện “khai sơn phá thạch”, hải trình đưa kiều bào đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Năm 2012, với vai trò là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn tiếp xúc với nhiều kiều bào, trong đó, có những kiều bào mang tư tưởng trái ngược, thậm chí từng có hành động chống phá Nhà nước.
Ông kể, để đập tan chiêu bài “Cộng sản dâng biển, bán đất cho nước ngoài”, khi đó, phía ta cho rằng, cần có những chuyến tàu ra tận đảo xa để bà con tận mắt thấy những chiến sĩ Hải quân, người dân bám đảo bảo vệ lãnh hải và làm kinh tế biển ra sao.
Vào thời điểm đó, đây là một ý tưởng hết sức táo bạo và chưa có tiền lệ. Để hải trình được thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cùng cán bộ Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các bên liên quan đã chuẩn bị cả một quá trình dài, từ khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình hình và tâm tư nguyện vọng của bà con kiều bào.
Với quyết tâm của Đảng, Nhà nước Chính phủ và nỗ lực của những cán bộ trực tiếp tham gia vào việc xây dựng, tổ chức chương trình, năm 2012, chuyến tàu đầu tiên đưa kiều bào đến với Trường Sa chính thức ra khơi.
Đại sứ nhớ lại, khi mới đặt chân lên đảo Trường Sa, bà con kiều bào đã đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác trước màu xanh cây cối trên đảo, sự gắn bó giữa đất liền và biển, sự phát triển của lực lượng vũ trang, các quân, binh chủng trên đảo, đời sống tốt đẹp của người dân nơi đây...
Việc đưa kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa thể hiện quyết tâm của Việt Nam với sự nghiệp bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ, củng cố niềm tin của bà con kiều bào vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong chính sách đối ngoại, cũng như mong muốn giữ cho khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hữu nghị, phồn thịnh và hợp tác lâu dài.
Sau chuyến đi đầu tiên, nhiều bà con đã tổ chức triển lãm, trưng bày những hình ảnh sống động về các hoạt động đang diễn ra tại quần đảo Trường Sa như để khẳng định: “Việt Nam vẫn giữ nguyên từng mét đất, không đi đâu một giọt nước biển”.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn đánh giá, hải trình đầu tiên để lại cho bà con dấu ấn và sự niềm tin tuyệt đối khi tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra trên quần đảo Trường Sa và hy vọng, hơn 5,3 triệu kiều bào sẽ lần lượt trở về và đến với Trường Sa để tận mắt chứng kiến những gì đang diễn hằng ngày nơi đảo xa của Tổ quốc.
Cũng có mặt trên chuyến tàu đặc biệt năm nay là Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân – Trưởng đoàn đầu tiên đưa kiều bào đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 cùng với Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn thực hiện “ý tưởng táo bạo và chưa có tiền lệ” năm nào.
Vị Chuẩn đô đốc có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt điềm đạm và uy nghiêm chia sẻ những cảm xúc bồi hồi khi tham gia hải trình lần này. Vì ý nghĩa đặc biệt của nó mà ông đã quyết định hủy chuyến du lịch đã lên kế hoạch trước đó với gia đình và tham gia hải trình này.
Với ông Thái, việc đưa bà con kiều bào đến Trường Sa là hoạt động vô cùng ý nghĩa, giúp họ hiểu được thực tế về biển đảo quê hương. Khi trở về sở tại, họ trở thành “những cánh én” lan tỏa những hiểu biết, nhận thức về chủ quyền, biển đảo của đất nước đến với gia đình, người thân xung quanh cũng như bạn bè quốc tế. Những hải trình đầy ý nghĩa cũng chính là chủ trương, chính sách và mong mỏi của Đảng và Nhà nước ta, đưa Trường Sa và Nhà giàn DK1 đến gần hơn với đất liền, giúp quân dân trên đảo yên lòng, ấm lòng và an lòng hơn.
Nhờ vậy, không còn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, ông Thái cho hay. Qua những chuyến đi, nhân dân trong nước và bà con kiều bào thêm hiểu nhau hơn, bởi chỉ khi đồng tâm nhất trí thì những nghi kị mới được xóa bỏ.
Niềm hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt Lê Tú Mỹ Liên (thứ ba, từ trái) và Nguyễn Thu Quỳnh (thứ hai, từ phải) và các thành viên trong đoàn trước khi lên tàu. (Ảnh: N.H) |
Nối dài những hải trình
Là một trong những thành viên trẻ nhất đoàn kiều bào năm nay, Lê Tú Mỹ Liên, sinh năm 1993, kiều bào Mỹ mang trong mình sự háo hức, hồi hộp nhưng không kém phần lo lắng khi tham gia hải trình đầy ý nghĩa này.
“Với những người trẻ như tôi, việc đến với Trường Sa, ngoài việc cảm nhận sự thiêng liêng về một phần ‘máu thịt’ của Tổ quốc, đây cũng là lần trải nghiệm, có thêm kiến thức khác trong cuộc sống, trong sinh hoạt tập thể”, Liên nói.
Trong các chuyến thăm Trường Sa, bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, với tấm lòng và tình cảm của mình, đã có những đóng góp thiết thực, giảm bớt phần nào khó khăn của các cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa.
Cùng mong ước ấy, trước hải trình, trên trang Facebook cá nhân, Liên kêu gọi đóng góp được gần 30 triệu đồng để mua quà tặng cho quân và dân huyện đảo Trường Sa.
“Nếu có cơ hội, tôi vẫn mong được trở lại với Trường Sa và tôi tin rằng, sẽ có thêm nhiều hải trình ý nghĩa như vậy dành cho người trẻ sống xa quê, để giúp thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hiểu về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Liên xúc động chia sẻ.
Cũng như Liên, lần đầu Nguyễn Thu Quỳnh, sinh năm 1987, kiều bào Malaysia, đến với Trường Sa. Ngoài những hồi hộp, háo hức, Quỳnh không giấu được sự cảm phục và biết ơn với những hy sinh của các chiến sĩ đang ngày đêm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nơi đầu sóng ngọn gió và khi trở về, cô mang theo những hình ảnh thân thương, kỷ niệm đáng nhớ và nhiều câu chuyện xúc động.
“Những xúc cảm ấy, trước hết tôi sẽ chia sẻ với hai con để các cháu thêm yêu quê hương của mẹ, sau là lan tỏa đến kiều bào, những người con xứ Việt đang sinh sống và làm việc tại Malaysia”, Quỳnh nói.
Cô dự định, sau chuyến đi, sẽ thành lập Câu lạc bộ Trường Sa để cùng nhau chia sẻ những cảm xúc, những gì mắt thấy tai nghe trong hải trình đến với nơi đảo xa của Tổ quốc.
Để nối dài những hải trình, Liên và Quỳnh cùng nhiều kiều bào khác trong đoàn cùng nhau lên kế hoạch làm cuốn sổ tay về Trường Sa để chia sẻ hình ảnh, thông tin và kiến thức cần thiết để nó trở thành cuốn cẩm nang hữu ích cho mỗi kiều bào khi tham gia vào chuyến tàu trở về với biển đảo quê hương.
Lan tỏa tình yêu với biển đảo
Chương trình năm nay có chủ đề “Tổ quốc niềm tin và khát vọng - Lần thứ 10, kiều bào về Trường Sa”, phản ánh tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII về niềm tin và khát vọng về một Việt Nam hùng cường, giàu đẹp; gửi gắm thông điệp kiều bào cùng nhân dân cả nước sẽ cùng chung sức, đồng lòng, hiện thực hóa mục tiêu cao đẹp, vì quốc gia, dân tộc. Trong hải trình năm nay, các đại biểu kiều bào đã đến thăm bốn điểm đảo gồm Sinh Tồn Đông, Len Đảo, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần.
Dẫn đầu đoàn đại biểu kiều bào thăm Trường Sa năm 2023, cũng là lần thứ hai trở lại Trường Sa, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đong đầy những cảm xúc đặc biệt khi thấy những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Minh Vũ chia sẻ, việc tổ chức các đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 hằng năm tiếp tục góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đây là dịp để kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với quân, dân trong nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Nói như Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, với ý nghĩa to lớn của những hải trình, bà con kiều bào sẽ là những sứ giả của Trường Sa, lan tỏa tình yêu với biển đảo Tổ quốc, biến tình yêu thành hành động cụ thể để đóng góp cho công tác xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
https://baoquocte.vn/chuyen-chua-ke-tren-hai-trinh-thu-10-ra-truong-sa-226746.html
NGUYỄN HỒNG