Chuyên gia lo lắng về dạy học tích hợp, xã hội hóa sách giáo khoa

Published Date
07/08/2023

Những bất cập trong việc dạy học tích hợp; giá sách giáo khoa mới tăng gấp 2 - 4 lần… không chỉ là bức xúc của giáo viên, phụ huynh, mà còn là lo ngại của các chuyên gia "lão làng" trong ngành giáo dục.                                

Ngày 2.8, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, tổ chức hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông 2018. Hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường, đại biểu ban chủ nhiệm các hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư MTTQ VN, các chuyên gia đến từ các học viện, cơ sở nghiên cứu...

KHÔNG THỰC NGHIỆM ĐÃ TRIỂN KHAI ĐẠI TRÀ

Vấn đề dạy học tích hợp một số môn nhưng chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên (GV) được nhiều đại biểu lo ngại đưa ra tại hội nghị, đồng thời đề nghị cần có phân tích và đưa ra giải pháp. Báo cáo tổng hợp về tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 của Ủy ban T.Ư MTTQ VN cũng chỉ ra rằng việc gộp các môn lại với nhau để gọi là tích hợp gây khó khăn nhiều cho GV giảng dạy và việc tiếp nhận môn học của HS.

Ông Đinh Công Sỹ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho biết đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng nhận thấy GV rất khó khăn trong dạy môn tích hợp. Dù đã được cử đi tập huấn để dạy tích hợp nhưng nhiều GV phản ánh có rất nhiều khó khăn, bất cập khi dạy môn học này.

Chuyên gia lo lắng về dạy học tích hợp, xã hội hóa sách giáo khoa - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học VN, cho rằng chủ trương đổi mới chương trình, đổi mới SGK là đúng đắn nhưng điều kiện để thực hiện thì không theo kịp chủ trương

NGUYỄN HÀ

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng chương trình, SGK của chúng ta hiện nay có gì đó "sai sai" so với thông lệ quốc tế khi chưa tiến hành thực nghiệm đã áp dụng trên toàn quốc. Có lẽ trên thế giới, không có chương trình giáo dục phổ thông nào chưa được thực nghiệm mà đã triển khai đại trà như vậy cả. Cũng theo GS Dũng, việc bồi dưỡng GV một vài tháng để dạy các môn học mới, SGK mới không có thể có tác dụng, GV cần phải "biết 10 dạy 1".

Đồng quan điểm, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng ông trải qua các thời kỳ cải cách giáo dục nhưng chưa bao giờ thấy bỏ qua khâu thử nghiệm, thực nghiệm trước khi triển khai rộng rãi như lần "cải cách" này.

"KHÔNG CHUẨN BỊ GÌ" CHO ĐỘI NGŨ DẠY TÍCH HỢP ?

Lấy ví dụ điển hình từ môn tích hợp khi đưa vào thực tế triển khai đã bộc lộ rất nhiều vấn đề bất cập, PGS Nhĩ cho rằng tích hợp như cách chúng ta làm hiện nay chỉ là cộng một cách cơ học các môn vào một cuốn SGK. Đó không phải là tích hợp và gây khó khăn, lãng phí lớn trong vấn đề giảng dạy. Đó là do chúng ta tiến hành đổi mới, cải cách chưa đồng bộ và cần có sự phân tích nghiêm túc để đưa ra biện pháp khắc phục.

PGS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học VN, cũng cho rằng chủ trương đổi mới chương trình, đổi mới SGK là đúng đắn nhưng điều kiện để thực hiện thì không theo kịp chủ trương. Những đổi mới về chương trình, SGK cần kết hợp với các trường sư phạm nghiên cứu, có chiến lược để trang bị phương pháp giảng dạy cho GV. Một thầy không thể dạy cả 3 môn, từ hóa học, sinh học, vật lý khi chỉ được cử đi tập huấn, cập nhật trong một vài tháng. Lẽ ra chúng ta phải chuẩn bị đội ngũ từ lâu rồi.

Chuyên gia lo lắng về dạy học tích hợp, xã hội hóa sách giáo khoa - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng đổi mới giáo dục lần này đã bỏ qua khâu thử nghiệm, thực nghiệm trước khi triển khai rộng rãi

GIA HÂN

PGS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý - giáo dục VN, là tác giả tham gia biên soạn SGK môn khoa học tự nhiên lớp 6, 7, 8, thừa nhận khi đưa "tích hợp" vào trường học của VN thì "đúng là khó khăn". Chúng ta chưa chuẩn bị đội ngũ GV, đặc biệt là môn khoa học tự nhiên. "Sư phạm bao giờ cũng đi sau trong đổi mới giáo dục phổ thông. Tại sao ngay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mà cũng không đi đầu được trong việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ GV dạy môn học mới này?", PGS Rỹ nêu vấn đề.

PGS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, nhấn mạnh dù chương trình, SGK lần này được xây dựng, biên soạn, thẩm định rất bài bản, chặt chẽ nhưng triển khai thực hiện lại chưa đồng bộ. Ví dụ, vấn đề tích hợp đã được chuẩn bị từ năm 2000, nhưng "không ai làm gì" để chuẩn bị cho việc dạy môn học này. Ông Kiều cho rằng cách làm của chúng ta hiện nay là "vừa chạy vừa xếp hàng" nhưng nếu chờ đủ hết các điều kiện mới thực hiện thì sẽ không biết đến bao giờ làm được.

XÃ HỘI HÓA KHÔNG PHẢI LÀ "PHÓ MẶC" BIÊN SOẠN SGK

Việc xã hội hóa giáo dục trong biên soạn SGK và việc Bộ GD-ĐT có nên tiếp tục thực hiện tổ chức biên soạn 1 bộ SGK theo yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội nữa hay không, cũng là vấn đề "nóng" trong hội nghị.

Ông Đinh Công Sỹ dẫn nhận định của đoàn giám sát cho rằng, dù các đơn vị xuất bản đã giải thích về việc giá SGK mới cao hơn giá SGK cũ từ 2 - 4 lần nhưng đoàn giám sát vẫn nhận định giá SGK cao là chưa phù hợp với điều kiện của đại đa số người dân. Nhiều ý kiến của các thành viên đoàn giám sát cho rằng cần thiết phải có 1 bộ SGK do nhà nước, cụ thể là Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm biên soạn để lường trước tình huống, nếu vì lý do gì đó mà các đơn vị xuất bản SGK theo hình thức xã hội hóa hiện nay không biên soạn nữa.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng hiện nay chúng ta giao việc xã hội hóa SGK mà không nghĩ mức độ xã hội hóa thế nào thì phù hợp. Nhà nước phải định hướng chứ nhà nước mà "buông" thì sẽ như hiện nay, giá SGK tăng rất cao… Cần vai trò của nhà nước trong nhận thức về xã hội hóa rồi mới đưa ra quyết định hành động.

Cũng theo bà Doan, việc có cần bộ SGK của Bộ GD-ĐT nữa hay không thì cần có nghiên cứu, đánh giá tác động, đánh giá toàn bộ, nghiêm túc những bộ sách hiện có. Nếu các bộ SGK giống nhau đến hơn 90%, thì việc có thêm một bộ nữa có cần không?

Chuyên gia lo lắng về dạy học tích hợp, xã hội hóa sách giáo khoa - Ảnh 3.

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng chương trình, SGK của chúng ta hiện nay có gì đó "sai sai" so với thông lệ quốc tế khi chưa tiến hành thực nghiệm đã áp dụng trên toàn quốc

GIA HÂN

Là thành viên tham gia thẩm định chương trình, SGK, PGS Trần Kiều khẳng định: "Không có chuyện tất cả các bộ SGK mới hiện nay giống nhau đến 90%" và cho rằng mô hình một chương trình, nhiều SGK các nước đã làm rất lâu rồi… Khi đã có nhiều SGK thì SGK chỉ là tài liệu tham khảo chứ không phải pháp lệnh, có nơi không cần SGK mà thầy giáo vẫn dạy được. SGK chỉ là phương tiện và người sử dụng phương tiện ấy mới là quan trọng.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội của Ủy ban T.Ư MTTQ VN, phát biểu: "Trong giáo dục, xã hội hóa nếu không thận trọng sẽ thành thương mại hóa. Ví dụ câu chuyện SGK, sách tham khảo hiện nay quá cao, quá nhiều loại là có dấu hiệu thương mại hóa. Tôi đi họp cho cháu mà thấy khổ vì phải mua rất nhiều sách. SGK dùng năm nay năm sau vứt đi trong khi trước đây một cuốn sách dùng cho bao thế hệ. Đất nước ta còn nghèo, còn rất nhiều người nghèo. Cần xem đến nơi đến chốn xem vai trò chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về vấn đề này thế nào". 

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe về vấn đề bộ SGK do Bộ biên soạn

PGS Trần Xuân Nhĩ ủng hộ chủ trương Bộ GD-ĐT cần phải biên soạn một bộ SGK đầy đủ; cần mua SGK cho thư viện dùng chung vì đây là chủ trương đúng đắn để sử dụng SGK tiết kiệm và lâu dài, còn gia đình nào có điều kiện thì tự mua SGK riêng cho con em mình. Theo ông Nhĩ, chỉ khoảng 1/3 gia đình ở nước ta có điều kiện và nhu cầu mua SGK riêng.

Kết thúc hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc có cần một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn hay không sẽ được Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe để tham mưu, đề xuất phù hợp.

Theo Tuệ Nguyễn - lamtue@gmail.com/Báo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/chuyen-gia-lo-lang-ve-day-hoc-tich-hop-xa-hoi-hoa-sach-giao-khoa-185230802124913013.htm