Chuyện tình cổ tích giữa cô gái Việt và chú rể xứ sương mù

Published Date
23/02/2022

Khi biết học viên lớp tiếng Việt có tình cảm với mình, chị Nguyễn Vũ Hồng Khanh cố tình tránh né. Song, mặc chị từ chối, anh Richard Record vẫn âm thầm bên chị, cho đến khi chị nhìn ra tình cảm của mình. Họ đã cùng nhau vượt qua những khó khăn thử thách, những khác biệt về văn hóa để đến bên nhau xây đắp một gia đình hạnh phúc.

 

Nguyễn Vũ Hồng Khanh (Khanh Record) và chồng

Phải lòng cô giáo tiếng Việt

Trong một lần đi dạo quanh Hà Nội cùng với học viên lớp tiếng Việt của mình là Richard Record, chị Nguyễn Vũ Hồng Khanh khi đó mới 25 tuổi, bất ngờ được hỏi: “Em có người yêu chưa?”. Chị bối rối không biết nên trả lời thế nào. Chị rất mến Richard nhưng chị yêu cuộc sống tự do của mình không kém. Bằng trái tim nhạy cảm của một người con gái, chị biết Richard thích mình ngay từ lần gặp đầu tiên. Khi đó, chị đề nghị anh một tuần học hai buổi, mỗi buổi một tiếng; nhưng anh khăng khăng là nên học một tuần ba buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi. Hôm nào bận rộn công việc, chị thông báo nghỉ học thì anh thở dài, và giọng nói ra chiều buồn bã lắm. Chị cũng từng đề nghị Richard gọi mình bằng chị, nhưng anh cố thuyết phục chị phải gọi Richard bằng anh mới đúng. Về phần mình, cũng không ít lần chị xao lòng trước dáng vẻ to cao, đẹp trai và thái độ luôn hết lòng quan tâm đến cô giáo của anh.

Khi nghe câu hỏi đó, chị Khanh rất buồn vì biết mình sẽ nói dối rằng mình đang có người yêu. Đối với chị cuộc sống của chị lúc đó là hoàn hảo mà không cần một tình yêu.

Những ngày tiếp theo, Richard vẫn đến học tiếng Việt, chị Khanh bắt đầu gán ghép anh cho những cô gái khác, cụ thể là cô học viên chị kèm tiếng Anh sau giờ dạy Richard và một người bạn của chị… Tuy nhiên, Richard chẳng hề quan tâm đến họ. Có một lần, bạn chị mở lời nhờ chị nói Richard đưa cô ấy về nhà, nhưng anh từ chối.


Gia đình hạnh phúc của chị Khanh Record

Tình yêu như cái lò xo càng dồn nén sức bật càng dữ dội

Một lần đi chơi buổi tối. Sau cuộc vui, chị muốn về nhà sớm. Richard không sốt sắng giành phần đưa chị về như mọi khi, mà thản nhiên nói mình sẽ ở lại. Điều đó khiến chị hụt hẫng và mất ngủ cả đêm vì... giận. Song cũng nhờ vậy, chị biết mình yêu anh thật rồi. Cho dù một hôm nào đó anh quay về xứ sở sương mù và chẳng bao giờ gặp lại chị nữa, chị vẫn không muốn lỡ mất hạnh phúc ngắn ngủi mà chị đang có trong tầm tay.

Hôm sau đó, chị chủ động liên hệ với Richard. Hai người đi dạo và đi xem phim. Bộ phim nói về hai người yêu nhau nhưng số phận buộc họ phải xa lìa. Những năm tháng về sau họ không ngừng tìm kiếm nhau, nhưng không gặp. Cho đến khi có một trận động đất xảy ra thì họ mới biết rằng người họ yêu thương sống cách mình chỉ một bức tường mà thôi.

Gia đình hạnh phúc của chị Khanh Record

Khi bộ phim kết thúc, chị Khanh hỏi anh Richard có hiểu hết được bộ phim không (phim lồng tiếng Việt). Anh Richard nắm lấy tay chị, và nói rằng: “Anh không muốn lạc mất em!” …

Tình yêu của họ bắt đầu chưa bao lâu thì Richard xin được học bổng cao học ở Anh, anh phải trở về nước. Trong khoảng thời gian đó, anh chị viết thư và trò chuyện với nhau mỗi ngày. Richard gọi điện cho chị Khanh vào buổi sáng lúc anh vừa thức dậy, chị Khanh nhận cuộc gọi của người yêu giữa giờ nghỉ trưa. Mỗi năm họ sẽ gặp nhau 2 lần: một lần chị Khanh sang Anh và một lần Richard nghỉ hè về Việt Nam. Trong buổi đầu ra mắt gia đình Richard, chị Khanh phải “làm khách” hơn một tuần ở đây để học cách hòa nhập với gia đình anh. Anh Richard phải vượt qua món “tiết canh” khó nhằn trong buổi đầu ra mắt gia đình và họ hàng nhà chị. Họ yêu xa trong khoảng 2 năm trước khi cưới.

Gia đình của chị có nhiều cơ hội trải nghiệm các vùng văn hóa khác nhau trên thế giới


Gia đình hạnh phúc và công việc hài hòa

Công việc của Richard phải đi công tác nhiều nơi, chị Khanh vì thế cũng đi theo chồng. Chị không chỉ sống ở nước Anh, mà còn đến cả những vùng đất xa xôi như Châu Phi, hay đến cả những quốc gia gần Việt Nam như nước bạn Lào. Với vốn tiếng Anh khá tốt, đi đến đâu chị cũng có thể tìm được công việc phù hợp với khả năng của mình như là phiên dịch cho người Việt sống ở Anh, dạy cho trẻ mồ côi ở Châu Phi, hay dạy tiếng Việt cho một trường quốc tế ở Lào…

Gia đình của chị có nhiều cơ hội trải nghiệm các vùng văn hóa khác nhau trên thế giới


Ngoài những công việc trên thì chị còn là một nhà văn, một dịch giả. Chị là tác giả quyển tự truyện “Làm dâu nước Anh”, tập truyện ngắn “Ngày xưa yêu dấu” và đã dịch nhiều tác phẩm như: Lăn đi những bánh xe, Con cá sấu khổng lồ, Ngón tay thần kỳ, bộ truyện Thomas và những người bạn v.v…và rất nhiều tác phẩm về cách nuôi dạy trẻ. Hiện tại, chị cũng đang ấp ủ một quyển sách về trẻ em Châu Phi, dự định sẽ xuất bản vào năm sau.

Hai con chị là James và Francis tuy còn nhỏ nhưng cũng được theo bố mẹ trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Dù vậy, cả hai đều nói tiếng Việt khá tốt do được mẹ rèn cẩn thận từ nhỏ. Theo lời nhận xét của mọi người thì James có nhiều chất Châu Á hơn, còn Francis có nhiều nét giống bố hơn. Mặc dù ngày nào, chị cũng cho các con ăn cả món Anh lẫn món Việt. Tuy nhiên, sở thích ăn của của hai “hoàng tử” nhà chị lại khác nhau một trời một vực. James thì thích ăn phở và mì tôm như người Việt, còn Francis chỉ thích ăn pho mát và xúc xích của Anh.


Xoa dịu nỗi buồn cho người Việt làm việc trái phép ở Anh

Khi chị làm phiên dịch tiếng Việt cho nhân viên công tác xã hội ở Anh, nhiệm vụ của chị Khanh là người ở giữa dịch lại những gì hai bên cần trao đổi với nhau. Sau đó người làm công tác xã hội quyết định người này có nên trục xuất, người kia có được phép nuôi con… Nhờ vậy, chị biết được nhiều câu chuyện rất thương tâm. Nhiều cô gái sang đây đi làm móng, hoặc làm gái. Các cậu con trai thì bị nhốt vào trong một căn nhà trồng cần sa, nhiều tháng không thấy mặt trời… Bố mẹ họ không biết những điều đó. Sang đây rồi thì con họ phải cắn răng chịu đựng để trả nợ (chỉ riêng tiền nợ đường dây đưa người Việt sang Anh là khoảng 20.000 bảng). Rất hiếm người được hợp thức hóa với cuộc sống tốt đẹp bên này…

Dù vậy, chị vẫn không hiểu tại sao nhiều người vẫn cố chấp nhận rủi ro, liều cả mạng sống của mình chỉ để vượt biên sang Anh sống cuộc sống chui nhủi ngày qua ngày, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, không có gia đình bên cạnh, ngôn ngữ cũng không biết, làm việc thì bị chèn ép bằng một nửa số tiền so với người bình thường...

Khi làm việc, chị được dặn dò là không được để tình cảm xen vào công việc của mình, nếu không muốn gặp rắc rối, Song sau khi gặp người Việt rồi nghe những câu chuyện của họ, chị không làm được việc đó. Dù không thể thay đổi hoàn cảnh của họ, không thể giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng chị luôn cố gắng giúp họ vơi bớt những nỗi niềm chất chứa trong lòng…










Thu Ba