Chuyện về Hội nghị Paris qua lời kể của con gái Đại sứ Hà Văn Lâu
Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu là Phó Trưởng đoàn ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973. Những bài học trong quá trình đàm phán đã được ông truyền cho con gái, Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà.
Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà cho phóng viên xem lại các bức ảnh tư liệu của Đại sứ Hà Văn Lâu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Một buổi chiều, tôi gọi điện cho bà Hà Thị Ngọc Hà, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Chile để hỏi chuyện về cha của bà, Đại tá-Đại sứ Hà Văn Lâu, Phó Trưởng đoàn ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973. Lúc đó, bà đang bận rộn chuẩn bị đồ đạc để đi công tác sáng sớm hôm sau nhưng khi nghe tôi nhắc đến Đại sứ Hà Văn Lâu và Hiệp định Paris, bà đồng ý gặp ngay.
Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà lấy ra một cuốn album, chỉ cho tôi từng tấm ảnh của Đại sứ Hà Văn Lâu trong quá trình tham gia đàm phán. Mỗi bức ảnh gắn với một sự kiện trọng đại của đất nước...
Những tư liệu ‘mật’ về Hội nghị Paris
Bà Ngọc Hà sinh năm 1959. Những năm Đại sứ Hà Văn Lâu tham gia đoàn ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Paris, bà còn rất nhỏ.
“Việc nước cơ mật, ba tôi không tiết lộ điều gì, ngay cả trong gia đình. Giai đoạn đàm phán tại Paris, thỉnh thoảng bác Lê Đức Thọ và bác Đỗ Mười đến nhà tôi, cùng ba tôi trao đổi gì đó trong phòng, cửa đóng kín. Phía ngoài, công an canh gác cẩn mật. Tôi hiểu rằng họ đang bàn bạc chuyện quan trọng lắm,” bà Ngọc Hà kể.
Sau những chuyến công tác dài ngày, Đại sứ Hà Văn Lâu gửi ảnh về nhà, báo chí trong nước đưa tin rộng rãi, bấy giờ bà Ngọc Hà mới hình dung được công việc quan trọng của cha mình ở nước ngoài.
Khi Ngọc Hà lớn dần lên và bộc lộ ước mơ trở thành một nhà ngoại giao giống cha mình, Đại sứ Hà Văn Lâu mới bắt đầu chia sẻ về cuộc đấu trí căng thẳng trên bàn đàm phán, những bí quyết hoạt động ngoại giao và cả những mẩu chuyện nhỏ bên lề Hội nghị Paris.
Một lần, khi ông vừa bước xuống xe ô tô, các phóng viên quốc tế vây quanh hỏi: “Thưa ngài, ngài có lạc quan về kết quả cuộc đàm phán này?” Ông đã trả lời: “Người làm cách mạng luôn luôn lạc quan." Đáng tiếc, có phóng viên phương Tây trích dẫn câu trả lời đó mà bỏ đi cụm từ "người làm cách mạng."
Đại sứ Hà Văn Lâu sau đó đã bị phê bình rằng không nên trả lời “lạc quan” bởi dễ bị hiểu lầm là chủ quan khinh địch.
Ông kể cho con gái nghe câu chuyện đó để nhắc nhở về sự cẩn trọng trong công tác ngoại giao. Bài học giản dị đó đã theo bà Hà Thị Ngọc Hà trong suốt những năm tháng công tác sau này.
[Sẽ giải mật nhiều tư liệu quý giá về cuộc đàm phán tại Geneva và Paris]
Trong thời gian 5 năm (1968-1973), Hiệp định Paris đã trải qua hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, hàng nghìn cuộc phỏng vấn và mít tinh. Suốt quá trình đó, Đại sứ Hà Văn Lâu đã thu thập và lưu giữ rất nhiều tài liệu, ghi chép, đặc biệt là những bức ảnh do phóng viên nước ngoài và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam gửi tặng.
Hiểu được tầm quan trọng của những tài liệu mà người cha đã bỏ nhiều công sức gìn giữ trong suốt cuộc đời mình, Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà quyết định trao tặng di sản này cho Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
Bức ảnh Đại sứ Hà Văn Lâu trong vòng vây phóng viên tại Hội nghị Paris. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp)
“Kho tư liệu của ba tôi bao gồm hàng nghìn bức ảnh, 800-900 cuốn sách cùng rất nhiều giấy tờ, ghi chép. Nhiều hồ sơ còn đóng dấu ‘mật.’ Tôi nghĩ chỉ có đưa vào trung tâm lưu trữ quốc gia thì số tư liệu này mới được bảo tồn, sử dụng, khai thác, giúp ích cho các thế hệ sau hiểu rõ về một chặng đường lịch sử,” bà Ngọc Hà chia sẻ.
Đại diện đơn vị tiếp nhận, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết khối tài liệu gồm nhiều kỷ vật, bút tích, bản thảo quan trọng, thể hiện xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ngoại giao của Đại sứ Hà Văn Lâu.
“Trong số này, có những tài liệu quan trọng, chưa bao giờ được công bố, có những tài liệu tuyệt mật liên quan đến vòng đàm phán Hiệp định Paris. Trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ thực hiện việc giải mật theo đúng quy định để phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu,” bà Trần Việt Hoa cho hay.
Quý tài liệu hơn tính mạng
Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà khẳng định người có ảnh hưởng lớn nhất và truyền cảm hứng nhiều nhất cho mình chính là Đại sứ Hà Văn Lâu, dù những năm tháng ấu thơ, ông thường xuyên vắng nhà, chỉ gửi thư và quà về cho các con.
Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu là người cẩn thận và rất coi trọng giá trị của tài liệu lưu trữ. (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Với bà Ngọc Hà, món quà đặc biệt nhất là bức ảnh chụp Đại sứ Hà Văn Lâu khi mới sang Paris. Ông cười tươi, vẫy tay chào những phóng viên quốc tế vây kín xung quanh. Ngắm bức ảnh đó, cô bé Ngọc Hà thấy trào dâng một niềm tự hào rằng ba mình là một người rất quan trọng. Cũng từ khoảnh khắc đó, Ngọc Hà nuôi ước mở trở thành nhà ngoại giao.
Nói về ý nghĩa của ngoại giao, Đại sứ Hà Văn Lâu kể cho Ngọc Hà nghe câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn.”
“Ba tôi giảng giải cho tôi hiểu rằng thành công trên bàn đàm phán có được là nhờ chiến thắng trên chiến trường cộng với cuộc đấu tranh ngoại giao khéo léo. Nếu không có ‘Điện Biên Phủ trên không’ thắng lợi vẻ vang, không có những cuộc nổi dậy ở miền Nam thì chúng ta khó mà đạt được thỏa thuận tại Hội nghị Paris,” bà Hà Thị Ngọc Hà chia sẻ.
Bà cho rằng nhiều thành tựu cách mạng có được từ nhiều nguồn sức mạnh phối hợp như sức mạnh dân tộc, sức mạnh quân sự, dư luận thế giới…, người làm ngoại giao phải tận dụng được tất cả những điều đó để thể hiện trong quá trình đàm phán.
Đại sứ Hà Văn Lâu không chỉ truyền cho con gái lòng yêu nghề thông qua những câu chuyện giản dị, ông còn dạy con tính cẩn thận đối với tài liệu, bởi trong suốt quá trình tham gia hai cuộc đàm phán Geneva và Paris, ông ý thức được rất rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu tư liệu, từ đó mới có thể “biết địch, biết ta.”
Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà trao tặng các tư liệu cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
“Ba tôi từng là Đại sứ tại nhiều nước như Cuba, Pháp, Liên Hợp quốc... Ông còn làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Trưởng Ban Việt kiều Trung ương. Trải qua nhiều chức vụ trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, ông thu thập được rất nhiều tư liệu. Ông gìn giữ số tài liệu đó còn hơn cả tính mạng của mình,” bà Ngọc Hà kể.
Trong trận lụt lịch sử tại Huế năm 1999, căn nhà nhỏ nơi vợ chồng Đại sứ Hà Văn Lâu ở nhanh chóng bị dòng nước lũ xâm chiếm. Trong khi những người dân khác di tản, “chạy lũ” thì ông cố thủ trong nhà để bảo vệ kho tư liệu. Nước mỗi lúc một dâng lên, hai ông bà lại chuyển tư liệu lên chỗ cao hơn.
May mắn, có người phát hiện ra và giải cứu kịp thời, đưa hai ông bà đến tá túc tại một nhà dân gần đó.
“Khối tài liệu quý giá của ba tôi đã được bảo quản cẩn thận trong kho của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Nhân kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, trung tâm đã giới thiệu, trưng bày một số tư liệu, hiện vật để nhiều người hiểu hơn về lịch sử. Hẳn ba tôi cũng rất mãn nguyện về điều đó,” Đại sứ Hà Thị Ngọc tâm sự./.
Đại sứ Hà Văn Lâu sinh năm 1918 tại làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, mất năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng làm công chức tòa sứ của thực dân Pháp, sớm giác ngộ cách mạng, đứng trong hàng ngũ của Đảng, tham gia tích cực trên các mặt trận quân sự tại Ninh Hòa-Khánh Hòa rồi trở về chiến đấu trên quê hương xứ Huế, từng lên chiến khu Việt Bắc gặp Bác Hồ. Được sự tín nhiệm cao của Đảng, Nhà nước, ông đảm nhận một số trọng trách trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như: Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam; Chuyên viên quân sự tại Hội Nghị Geneva, Trưởng Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát thi hành Hiệp định Geneva; Phó trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Trưởng Ban Việt kiều Trung ương và Đại sứ Việt Nam tại các nước Cộng hòa Cuba, Pháp và tại Liên hợp quốc. Đại sứ Hà Văn Lâu đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương và danh hiệu cao quý. Năm 2014, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Hình ảnh một số hiện vật của Đại sứ Hà Văn Lâu:
Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Đại tá Hà Văn Lâu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các trang hồ sơ đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hiện vật của Đại sứ Hà Văn Lâu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hiện vật của Đại sứ Hà Văn Lâu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Một số bức ảnh của Đại sứ Hà Văn Lâu tại Hội nghị Paris. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Những trang hồ sơ chưa được giải mật. Phóng viên chỉ được phép chụp ảnh trang bìa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tài liệu của Đại sứ Hà Văn Lâu đang được bảo quản trong điều kiện tốt. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Minh Thu (Vietnam+)