Cơ hội thu hút kiều hối vào bất động sản
Việc mở rộng quyền sử dụng đất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ góp phần tạo thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn tham gia vào bất động sản
Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 có nhiều điểm mới. Trong đó có các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả người Việt định cư sinh sống ở nước ngoài (Việt kiều).
Thu hút Việt kiều mua nhà
Điều 4 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về người sử dụng đất được bổ sung nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam. Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).
Các quy định thông thoáng của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở (sửa đổi) được kỳ vọng thu hút nguồn vốn kiều hối đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam .Ảnh: TẤN THẠNH
Điều 28 của Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này).
Còn điều 41 và điều 46 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước cho thuê đất, được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Điều này kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sang nhượng thứ cấp, tạo cơ chế linh hoạt hơn cho thị trường địa ốc.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng quyền sử dụng đất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, trong đó quy định về quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho họ trực tiếp tham gia vào giao dịch bất động sản (BĐS) trong nước… tránh được bất cập như trước đây khi muốn sử dụng đất trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng, quản lý quyền sử dụng đất đai này, từ đó đã phát sinh không ít tranh chấp.
Điều này cũng tạo thuận lợi hơn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt kiều tham gia vào BĐS khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. "Tôi tin rằng người Việt xa quê, người nước ngoài, khi đã đầu tư, làm ăn hay có gia đình thân thuộc ở Việt Nam, đều muốn gửi tiền về để mua đất, mua nhà, mục đích không chỉ sở hữu mà đơn giản là có nơi để đi về. Đồng thời, cũng là để giữ tài sản lâu dài, an tâm hơn nhờ người đứng tên, quản lý. Vì vậy, nếu các quy định mới thuận lợi, chắc chắn thu hút người mua nhất là Việt kiều, người nước ngoài" - ông Hòa - chủ một căn nhà đang cho thuê tại quận 3, TP HCM - kỳ vọng.
Vẫn còn băn khoăn
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS (HoREA), không chỉ Luật Đất đai (sửa đổi) mà Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2023 khi có hiệu lực sẽ tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh BĐS. Từ đó, giúp thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết hiện khoảng 4 triệu người bao gồm người nước ngoài và Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đổ mạnh vào Việt Nam sẽ thu hút người nước ngoài đến sinh sống, làm việc lâu dài. Đó là cơ hội cho các chủ đầu tư BĐS phát triển hằng năm.
Mặc dù nhìn nhận các luật mới có nhiều điểm tích cực trong việc thu hút đầu tư, cơ hội gia tăng thanh khoản cho thị trường BĐS nhưng một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng: "Từ trước đến nay, dù nhận thức được việc khách hàng có yếu tố nước ngoài mua nhà sẽ tăng cơ hội bán hàng cho doanh nghiệp nhưng vì khó khăn trong thủ tục mua bán và những hạn chế trong việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho đối tượng khách hàng này nên doanh nghiệp gặp khó khăn về việc thu 5% giá trị hợp đồng còn lại. Vì thế, các doanh nghiệp BĐS chủ yếu tập trung bán cho khách hàng người Việt với nhu cầu nhà ở vẫn còn cao".
Ông Lê Hoàng Châu cũng cho biết ngoài những điểm mới, tích cực, luật hiện tại vẫn còn một số vướng mắc như vấn đề cấp sổ hồng cho người nước ngoài, bao gồm cả Việt kiều đã mua căn hộ tại Việt Nam. Ông Châu dẫn thống kê từ 17 doanh nghiệp BĐS đến năm 2020, có 14.000 người nước ngoài mua căn hộ tại Việt Nam mà chưa được cấp sổ hồng riêng. Trong số này, tại TP HCM có 11.000 căn.
Ngoài ra, còn một trở ngại nữa liên quan người nước ngoài là Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) vẫn chưa cho người nước ngoài được sở hữu quyền sử dụng đất do có liên quan đến quy định nhà ở gắn liền đất ở, căn hộ chung cư có thời hạn sử dụng…
Sơn Nhung - https://nld.com.vn/co-hoi-thu-hut-kieu-hoi-vao-bat-dong-san-196240219205434376.htm