Công nghệ Việt tự tin ra thế giới
Sự tăng trưởng ở thị trường nước ngoài của doanh nghiệp đã khẳng định vị thế công nghệ Việt trên bản đồ công nghệ thế giới
Cùng với các doanh nghiệp (DN) công nghệ thế giới, các DN Việt Nam như Tập đoàn Viettel, FPT hay CMC… đang ráo riết chạy đua để tạo ra các sản phẩm tân tiến nhằm chinh phục khách hàng trên toàn cầu.
Có mặt ở nhiều thị trường
Tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) năm 2024 diễn ra mới đây tại Barcelona - Tây Ban Nha, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trình làng các sản phẩm gồm chipset 5G và Vi An - con người được xây dựng bằng trí tuệ nhân tạo (Human AI).
Theo đó, chip 5G DFE do các kỹ sư của Viettel làm chủ toàn bộ quy trình về thiết kế, có khả năng tính toán 1.000 tỉ phép tính/giây, đáp ứng tiêu chuẩn chung về 5G của 3GPP - Hiệp hội Các tổ chức phát triển giao thức cho viễn thông di động, tương đương chip 5G của 10 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới. Đồng thời, Viettel đã giới thiệu các ứng dụng AI tương tác khách hàng, tài chính, giải trí có tên Vi An. Đây là Human AI đầu tiên của Việt Nam tạo ra cách thức tương tác mới. Human AI này có thể trò chuyện thân thiện, tự nhiên với khách hàng.
Cũng trong thời gian diễn ra MWC 2024, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) công bố kết quả sau quá trình đánh giá công nghệ nhận diện khuôn mặt của 133 giải pháp trên thế giới từ tháng 7-2023. Trong 8 hạng mục đo kiểm, công nghệ của Viettel AI đạt tốp 10 tại 5 hạng mục, như ảnh chụp không chính diện, độ phân giải thấp, ánh sáng kém. Trong đó, thứ hạng cao nhất là tốp 4 tại hạng mục nhận diện khuôn mặt ở góc nghiêng 90 độ. Trước đó, giữa tháng 12-2023, NIST đã công bố giải pháp nhận diện khuôn mặt CIVAMS của Tập đoàn CMC cũng vào tốp 12 thế giới khi vượt qua 535 giải pháp nhận diện FaceID trên toàn cầu và các đơn vị lớn tại Việt Nam phát triển gửi đến NIST.
Viettel cho biết hệ thống 5G dùng riêng (5G Private) đã hoàn chỉnh và có hợp đồng xuất khẩu sang Ấn Độ. Nền tảng tài chính số Viettel Digital Finance platform cũng xuất khẩu ra 7 thị trường nước ngoài, nhiều thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Mozambique (450%), Lào (244%), Haiti (232%), Timor Leste (139%), Burundi (91%). Lĩnh vực an toàn thông tin do Viettel cung cấp đã có mặt tại 4 thị trường quốc tế gồm Nhật Bản, Myanmar, Timor Leste và Hồng Kông (Trung Quốc).
Doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài của Tập đoàn FPT chính thức vượt mốc 1 tỉ USD, đạt 24.288 tỉ đồng, tăng 28,4%. Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài đạt 10.425 tỉ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics…
Trong khi đó với CMC, nhờ xuất khẩu dịch vụ và giải pháp công nghệ, tập đoàn này đã thiết lập được hơn 40 đối tác trên thế giới như Samsung, Dell, Microsoft, SAP... Thời gian tới, ở thị trường quốc tế, CMC cho biết hướng tới vị thế nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu tại châu Á và mở rộng sang các nước khác ở châu Âu và Mỹ.
Sự tăng trưởng ở thị trường nước ngoài của DN đã khẳng định vị thế công nghệ Việt trên bản đồ công nghệ thế giới.
Human AI của Viettel được trình diễn trên màn hình tại Hội nghị Di động thế giới năm 2024. Ảnh: VIETTEL
Tạo các sản phẩm đột phá
Trong khuôn khổ MWC 2024, Viettel IDC (thành viên của Viettel) và Radware - công ty hàng đầu thế giới về an ninh mạng - đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Viettel IDC sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ quản lý bảo mật (MSSP) đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia hệ thống giám sát toàn cầu của Radware, để cung cấp, quản trị các giải pháp an toàn thông tin trên nền tảng đám mây.
Ông Dan Rodriguez, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc nhóm nền tảng mạng của Tập đoàn Intel, kỳ vọng: "Sự hợp tác giữa Intel và Viettel có thể tạo ra các sản phẩm đột phá và thành công trên thị trường toàn cầu".
Ông Harri Holma, Cố vấn cấp cao tại Văn phòng Công nghệ Nokia, cho biết đã cùng Viettel làm việc trong lĩnh vực công nghệ 4G và sắp tới sẽ bắt đầu chuyển sang công nghệ 5G. Trong khuôn khổ sự kiện MWC 2024, Viettel cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai dịch vụ API theo sáng kiến Cổng mở của Hiệp hội Khai thác di động toàn cầu - GSMA Open Gateway.
Đối với FPT, DN đã vươn ra toàn cầu, có mặt tại 30 quốc gia, bao gồm những thị trường phát triển nhất như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu. Tập đoàn này là đối tác của gần 100 công ty thuộc tốp 500 DN hàng đầu thế giới và đóng vai trò tư vấn triển khai các dự án chuyển đổi số dựa trên công nghệ mới nhất với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD…
Theo ông Lê Bá Tân, Trưởng Ban Công nghệ Tập đoàn Viettel, những sản phẩm Viettel đem đến MWC 2024 sử dụng công nghệ như AI, Big Data… do chính các kỹ sư Việt Nam làm chủ, tư duy phát triển và đã đưa vào mạng lưới sản xuất - kinh doanh thành công như sóng 5G, TV 360, trợ lý ảo AI…
Đặc biệt, lần đầu tiên tại MWC có mạng di động Viettel chạy tại chính gian hàng, có sóng và logo Viettel, trực tiếp cung cấp dịch vụ internet của Việt Nam trong chính hội nghị được diễn ra tại Barcelona.
Động lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Theo một giảng viên ngành công nghệ thông tin tại TP HCM, việc đem sản phẩm công nghệ ra thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới, phát triển và cạnh tranh sản phẩm. Kinh nghiệm quốc tế giúp DN nắm bắt xu hướng nhu cầu thị trường và linh hoạt trong chọn lọc sản phẩm. Điều đó giúp DN tăng cường sức cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của DN. Đó sẽ là bước đệm để DN công nghệ nhỏ và vừa trong nước có động lực phát triển.
Lê Tỉnh - https://nld.com.vn/cong-nghe-viet-tu-tin-ra-the-gioi-196240305195656059.htm