Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công công trình
Trên cơ sở đề xuất của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Thường trực Thành ủy TP HCM đã thống nhất chủ trương cho Đảng bộ Khối thực hiện công trình xây dựng Nhà trưng bày kết hợp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968.
Theo ông Trần Văn Nam, đây là nơi 56 năm về trước, vào đêm ngày 15-6-1968, tại địa danh đồng bưng Láng Cát, xã Vĩnh Lộc, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, 32 dân công, trong đêm trắng, đã anh dũng hy sinh khi tuổi mới đôi mươi trong trận oanh kích của địch.
32 dân công đã hi sinh trong tư thế che chở cho nhau mà trên tay mình không có vũ khí phòng thân. Sự hy sinh của những dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc chân trần, chí thép là biểu tượng ngời sáng về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
"Năm tháng trôi qua nhưng sự kiện Đêm trắng Vĩnh Lộc mãi mãi là trang sử oanh liệt nhất của quê hương Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh anh hùng. 32 dân công hỏa tuyến với tuổi đời còn rất trẻ đã anh dũng, bất khuất, kiên cường ngã xuống, góp phần đem lại nền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam" – ông Trần Văn Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Nam cho biết công trình sau khi hoàn thành, là nơi trưng bày, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dự kiến Công trình xây dựng Nhà trưng bày kết hợp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968 sẽ hoàn thành vào tháng 3-2025.
Lê Vĩnh – Theo https://nld.com.vn/cong-trinh-y-nghia-tai-di-tich-lich-su-dan-cong-hoa-tuyen-vinh-loc-mau-than-1968-196241219124841983.htm