Cuộc sống tiện ích trong đô thị thông minh
Năm 2021, TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Dù vậy, bên cạnh những khó khăn, ở các ngành, các lĩnh vực vẫn có nhiều công trình, tác phẩm được sáng tạo, đưa vào sử dụng, tạo nhiều tiện ích cho người dân. Mỗi công trình với những thế mạnh riêng đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của thành phố.
Giới thiệu nền tảng gannha.com đến người dân. Ảnh: THU HƯỜNG
LTS: Nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống và năng lực sáng tạo của mọi người dân, cũng như lan tỏa, đưa các công trình sáng tạo ứng dụng vào cuộc sống, TPHCM đã phát động Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Qua 2 lần phát động, giải thưởng thu hút nhiều công trình có tính ứng dụng cao, giúp tạo ra những tiện ích phục vụ đời sống người dân cũng như hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện đại. Báo SGGP trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số công trình tiêu biểu tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 năm 2021. |
Sáng tạo từ những trăn trở
Đầu tháng 12, Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn A. (ngụ quận 8) bị đa chấn thương vì tai nạn giao thông. Nhân viên trực cấp cứu nhập tất cả chỉ số, giá trị sinh tồn của bệnh nhân vào hệ thống “Mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương”, kết quả 70% tiên lượng tử vong. Ca trực lập tức liên hệ các khoa liên quan để hội chẩn, cứu chữa bệnh nhân thành công.
“Tiên lượng khả năng tử vong trên bệnh nhân chấn thương để kịp thời có hướng điều trị, giảm nguy cơ tử vong” là một trong những kết quả đến từ nghiên cứu “Xây dựng mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy”. Công trình do TS Tôn Thanh Trà, Trưởng phòng Quản lý chất lượng BV Chợ Rẫy, cùng các cộng sự thực hiện.
Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong và khoảng 30.000 người bị thương do tai nạn giao thông. Trăn trở trong việc cứu chữa, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, năm 2018, TS Tôn Thanh Trà đã nghiên cứu, đưa ra mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương.
Theo TS Trà, mô hình giúp phân loại mức độ nặng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân để BV tập trung các nguồn lực điều trị một cách tốt nhất. Mô hình cũng giúp phát hiện những diễn tiến bất thường trong quá trình điều trị để can thiệp kịp thời và cải thiện chất lượng điều trị cho từng bệnh nhân.
Cũng trăn trở từ thực tế điều trị cho bệnh nhân, giúp người sau đột quỵ phục hồi các chức năng, BS chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, BV Nhân dân 115, đã đưa ra ý tưởng và thực hiện công trình “Máy tập duỗi cổ tay - bàn tay, cổ chân - bàn chân cho bệnh nhân di chứng vận động sau đột quỵ”. Ban đầu, công trình chỉ là tấm đỡ thô sơ để tay, chân lành hỗ trợ tay, chân yếu. Sau đó, BS Thắng cải tiến, tạo ra máy có động cơ, giúp người bệnh thao tác dễ dàng.
Theo BS Thắng, tổng số ca mới mắc đột quỵ tại nước ta khoảng 200.000 ca/năm, và có từ 1/3-2/3 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não chịu tàn tật vĩnh viễn. Tổn thương hay gặp nhất ở người đột quỵ là mất chức năng vận động, khiến bệnh nhân bị liệt. Vì vậy, vật lý trị liệu là liệu trình bắt buộc cho bệnh nhân sau đột quỵ.
Song, qua thời gian điều trị cho bệnh nhân, BS Thắng nhận thấy khó nhất vẫn là phục hồi chức năng cho bàn tay, bàn chân nên ý tưởng về công trình ra đời. Sau thời gian ứng dụng tại BV 115, công trình đã giúp người bệnh cải thiện vận động, tái tạo tổ chức não sau đột quỵ.
“Phục hồi cho bệnh nhân tai biến phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Công trình chỉ mong góp phần để bệnh nhân phục hồi tối đa nhất có thể, giúp tăng tỷ lệ bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường”, BS Thắng bày tỏ.
BS chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Thắng hướng dẫn người bệnh tập luyện phục hồi chức năng trên máy tập duỗi cổ tay, cổ chân
Dự kiến, ngày 30-12, TPHCM tổ chức trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 năm 2021 Năm nay, từ 195 đề án, tác phẩm công trình, giải pháp, thành phố chọn 50 công trình để trao giải, gồm: 3 giải nhất, 15 giải nhì và 32 giải ba. Đặc biệt, thành phố xét chọn trao 8 giải sáng tạo trong phòng chống dịch Covid-19 (1 giải nhất, 5 giải nhì và 2 giải ba) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, hy sinh, nỗ lực của lực lượng tuyến đầu và các cơ quan, đơn vị, các ngành, lĩnh vực của thành phố trong phòng chống dịch Covid-19. |
Hướng đến đô thị thông minh
Đầu tháng 8, nhân viên vệ sinh trong một tòa nhà của Tập đoàn TTG (tại TPHCM) mở nước tưới cây nhưng quên khóa vòi. Quản lý tòa nhà được phần mềm của Cloud Energy cảnh báo nên kịp thời tắt vòi, giảm lãng phí nước.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Cloud Energy, cho biết, đầu của vòi nước nằm ở miệng cống thoát nước nên khó phát hiện nếu chưa được khóa. Phần mềm giúp phát hiện sự bất thường khi nước được mở liên tục một ngày và phát cảnh báo lên hệ thống.
Nói về việc nghiên cứu ứng dụng, ông Phạm Tuấn Anh kể, qua nhiều năm công tác, ông nhận ra việc quản lý điện, nước một cách cơ học chưa thật sự hiệu quả, nhất là trong giai đoạn TPHCM ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và hướng đến xây dựng đô thị thông minh. Đầu tháng 4-2019, ông cùng cộng sự nghiên cứu, đưa vào ứng dụng giải pháp quản lý điện, nước dựa trên nền tảng công nghệ không dây (LPWAN), tích hợp giữa phần cứng và phần mềm. Đây cũng là giải pháp giúp chuyển đổi số năng lượng cho mạng lưới điện, nước của thành phố thông minh, tòa nhà thông minh và các hệ thống năng lượng mặt trời.
Qua tích hợp thiết bị, hệ thống giúp xác định vị trí và nguyên nhân xảy ra sự cố thất thoát năng lượng để khách hàng sửa chữa kịp thời. “Một tòa nhà, một khu đô thị hay một thành phố thông minh đều có thể sử dụng ứng dụng để giảm, tránh lãng phí và tối ưu hóa vận hành năng lượng của mình. Có như vậy, thành phố sẽ xanh sạch hơn và là nơi đáng sống hơn”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Ở lĩnh vực chuyên về nội thất, nhiều người không còn lo lắng việc mua phải thiết bị không phù hợp với ngôi nhà của mình nhờ có trải nghiệm ứng dụng công nghệ 3D Commerce của Công ty CP Công nghệ Fitin. Qua gần 2 năm trải nghiệm ứng dụng này, bà Phạm Kim Hoàn (ngụ quận 4) cho biết bà rất hài lòng. Chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh, bà có thể chọn các thiết bị nội thất mình thích, cả về kích thước, thẩm mỹ và sự tiện dụng của các vật dụng. Trước đây, khi dọn về căn hộ mới, vợ chồng bà phải tự đo đạc rồi đến cửa hàng nội thất đặt mua tủ, giường, bàn ghế... hoặc thuê thiết kế, nhưng gia đình vẫn chưa ưng ý.
Theo Công ty Fitin, ứng dụng cho phép khách hàng sử dụng mô hình 3D của sản phẩm đặt đúng vào không gian dự định, xem xét kích thước, màu sắc và sự hài hòa về tổng thể kiến trúc nội thất trước khi quyết định mua. Thậm chí, với công nghệ thực tế ảo tăng cường (công nghệ AR), người dùng có thể ướm thử món đồ vào các vị trí dự định đặt, giúp đánh giá sản phẩm có vừa vặn, hài hòa với không gian xung quanh hay không.
Trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng gannha.com của Công ty CP Công nghệ TK25 mang đến một trải nghiệm gần gũi cho khách hàng và doanh nghiệp. gannha.com định vị là hệ sinh thái chuyển đổi số O2O (Offline to Online): chỉ dẫn đến thương hiệu gần nhất - giới thiệu sản phẩm mới, ưu đãi, giờ vàng theo thời gian thực - giao hàng và thanh toán đa bên trên cùng một nền tảng...
|
THU HƯỜNG - THÁI PHƯƠNG/ SGGP