Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khát vọng chấn hưng nền văn hóa
Baoquocte.vn. Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, ược thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) từ ngày 25-28/2/1943. Đúng vào thời điểm này sau 80 năm, một diễn đàn học thuật quan trọng về văn hóa đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội…
|
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Trần Huấn) |
Là hoạt động trọng tâm trong chuỗi các sự kiện trọng đại, các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) – Khơi nguồn và Động lực phát triển” đã làm việc với tinh thần khoa học, dân chủ góp phần làm sâu sắc hơn nữa giá trị lớn lao, bền vững của Đề cương; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của văn kiện trong tiến trình lịch sử và những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được trong suốt 80 năm qua.
Đặc biệt, hội thảo nhận diện những vấn đề cần bổ sung, phát triển, đề xuất những giải pháp để tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị của Đề cương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc của đất nước.
Câu chuyện không của riêng ngành văn hóa
Có thể thấy, Hội thảo đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan, địa phương phối hợp chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và sự đồng tình, cổ vũ của dư luận xã hội.
Trước Hội thảo, Ban tổ chức nhận được 173 tham luận gửi đến và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tập hợp, in thành kỷ yếu. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 300 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 3.200 đại biểu tham dự trực tuyến.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi trực diện, không né tránh những vấn đề nóng về văn hóa đương đại, tìm giải pháp để đưa văn hóa thành một trụ cột phát triển. Đây là sự phối hợp đồng bộ, là trách nhiệm của toàn xã hội, như phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng: “Văn hóa từ trong nguồn cội, đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sự vĩ đại và trường tồn của sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam”.
Tại phiên thảo luận chuyên đề “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam”, GS. TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943-1945, mà Đề cương còn hàm chứa nội dung rất sâu sắc, đó chính là những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương Văn hóa 1943 tiếp tục rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay. Nhìn từ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, Đề cương vẫn “thổi” hơi nóng mang tính thời sự.
Con người là trung tâm và mục tiêu của văn hóa
Ra đời trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử, từ tinh thần “nghệ thuật vị nhân sinh” của Đề cương, Đảng ta đã hình thành quan điểm: phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với văn hóa, con người Việt Nam.
Tinh thần này thể hiện rõ tại phiên chuyên đề thứ hai với chủ đề: “Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới”.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Với tinh thần đại chúng hóa, Việt Nam nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến với mọi tầng lớp nhân dân. Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hóa và thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay”.
Nhấn mạnh Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 chính là cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, PGS. TS Lê Thị Bích Hồng, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng, Đề cương là văn kiện đã đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam; là ngọn cờ tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia, phụng sự sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Khiếu Minh) |
Động lực xây dựng nền văn hóa mới
Tại hội thảo quan trọng này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng bàn luận về vai trò của văn hóa đối với đất nước và những việc cần làm để văn hóa ngày càng giàu có cùng sự đi lên của kinh tế đất nước.
Quan tâm đến vấn đề phát triển nền văn hóa mới. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, chia sẻ: “Chúng ta đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội khi sở hữu truyền thống văn hóa mấy nghìn năm lịch sử với rất nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta đang ở trong thời kỳ dân số vàng với tỷ lệ lớn những người trẻ, những người có khả năng chuyển hóa được các giá trị văn hóa truyền thống bằng sức sáng tạo và công nghệ để tạo nên diện mạo mới”.
Để phát huy sức trẻ, Giám đốc Công ty TiredCity Nguyễn Việt Nam cho rằng, cần có sự kết hợp giữa tài nguyên giàu có của văn hóa Việt Nam cùng sức sáng tạo nhiệt huyết của người trẻ, tạo ra các sản phẩm mang chiều sâu văn hóa và ảnh hưởng rộng rãi.
Hội thảo lắng đọng với những câu chuyện do TS. Đặng Xuân Thanh, cháu nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh kể lại, như gia đình ông ai cũng có tủ sách của riêng mình. Truyền thống này có từ thời ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh là TS. Đặng Xuân Bảng, người sau khi từ quan về quê, đã thành lập một tủ sách, thư viện tư nhân đầu tiên ở Bắc Kỳ, đặt tên là thư viện Hy Long.
Hiện nay, TS. Đặng Xuân Thanh đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - tiền thân là Ban nghiên cứu Sử - Địa - Văn, do Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo GS. Trần Huy Liệu xây dựng đề án thành lập.
PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, Tổng Bí Thư Trường Chinh đã sáng tác hơn 200 bài thơ dưới bút danh Sóng Hồng. Ông đưa ra tuyên ngôn văn học phải có trách nhiệm với đất nước, nhân dân với hồn thơ chân thực, khỏe khoắn, lạc quan. Cố Tổng Bí thư quan niệm nghệ thuật và cách mạng không thể tách rời, mỗi nghệ sĩ cũng là một chiến sĩ, và nghệ thuật cần gắn liền với đời sống nhân dân.
Nhìn lại lịch sử 80 năm qua, có thể khẳng định, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc ta… Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, ở vào những bước ngoặt mang tính quyết định, sức mạnh của văn hóa dân tộc luôn được khẳng định và phát huy, góp phần quan trọng đưa đất nước ta phát triển đi lên, đúng như lời Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận xét tại Hội thảo.
https://baoquocte.vn/de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-khat-vong-chan-hung-nen-van-hoa-218511.html
HÀ ANH/Baoquocte.vn.