Vào một đêm cách đây 10 năm, bà Seiko Goto đã cầm dao đứng bên cạnh giường ngủ của con trai Masato, suy tính việc “ra tay” với con rồi tự sát vì không chịu nổi sự xấu hổ và tuyệt vọng khi đã nuôi nấng một người con không giúp ích cho xã hội. Nhưng khuôn mặt dịu dàng, ôn hòa của con trai đã ngăn luồng sát khí đang hừng hực bên trong bà. Bà chợt nhận ra rằng những kỳ vọng bà đặt lên vai con (bắt con học từ sáng tới tối) đang phá hủy cậu bé.
Theo thống kê, hiện có hơn 1 triệu người giống như Masato, tức là không đáp ứng các kỳ vọng xã hội cứng nhắc ở Nhật Bản. Họ chọn trốn tránh vì cảm thấy sự thất bại của mình khiến gia đình xấu hổ. Chia sẻ với phóng viên của ABC News, bà Seiko Goto cho biết, bà từng sợ cả việc đi siêu thị vì không muốn người khác nhìn thấy và hỏi thăm về Masato. Rồi dần dà, bà chấp nhận có một người con trai khác biệt, và quyết định mình là người phải thay đổi.
Năm đó, trong khi tìm phương cách cứu con trai, bà Seiko nhận ra rằng có rất nhiều người giống như Masato, không chỉ ở Nhật Bản mà trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nếu một lúc nào đó họ cảm thấy khỏe hơn một chút, họ không thể ngay lập tức quay trở lại xã hội lạnh lùng và khắc nghiệt bên ngoài. Vì vậy, bà Seiko đã lập ra Waratane Square để cung cấp một nơi ẩn náu an toàn cho những người trẻ đang lạc lối như Masato ngày trước.
Chính quan niệm về con người có ích của xã hội Nhật Bản đã buộc rất nhiều người Nhật phải che giấu tình trạng của mình. Nhiều người đã cảm thấy tự ti vì không thể làm việc trong nhiều giờ như những người khác. Lâu dần, họ cảm thấy mình vô dụng và cắt đứt các mối liên hệ với xã hội bên ngoài. Như trường hợp của anh Hidehiro Shinmasu ở Zushi, một thị trấn phía Nam Tokyo. Ngay từ nhỏ, Hidehiro đã cảm thấy rất áp lực để hòa nhập cộng đồng và cho rằng đó là lỗi của bản thân. Đến nay, khi đã 40 tuổi, anh vẫn sống với cha mẹ. Mặc dù vẫn có một số ngày hầu như không có năng lượng để rời khỏi phòng riêng, nhưng anh đã có thành công của riêng mình và tốt nghiệp từ một trường đại học liên thông.
Anh viết blog, viết các bài tiểu luận và các bài giảng về trạng thái của một hikikomori. Hầu hết hikikomori đều quá lo lắng hoặc quá xấu hổ khi nói trước công chúng. Nhưng Hidehiro đã mời phóng viên vào không gian của mình vì anh muốn mọi người hiểu hơn về thế giới của một hikikomori và cách một hikikomori đối mặt với nó. Nhiều người thường nghĩ hikikomori lười biếng, nhưng sự thật, họ khao khát được trở thành một phần của xã hội, muốn xã hội đến gần hơn với mình, như khát khao của Hidehiro. Vấn đề mà nhiều hikikomori phải đối mặt là viễn cảnh khi họ già đi, cha mẹ không còn và họ phải tự sinh tồn.
Quay trở lại trường hợp của Masato, hiện 27 tuổi, vẫn ở nhà, lặng lẽ đan len đồ ấm đủ loại cho chó, mèo và bán trực tuyến. Anh cũng giúp đỡ trung tâm cộng đồng của mẹ mình trong thành phố. Thông điệp của bà Seiko kêu gọi một xã hội khoan dung và chấp nhận những con người không phù hợp với chuẩn mực xã hội đã đánh động các cấp cao nhất. Mới đây, Bộ Y tế mời bà đến để lắng nghe bà trao đổi về bệnh hikikomori, vốn đang chiếm 1,2% dân số. Với bà Seiko, đây là một “trận chiến”, và vẫn còn một chặng đường dài để góp phần thay đổi nhận thức xã hội.
HẠNH CHI/ SGGP