Việc người lao động phải trả chí phí cao để xuất ngoại làm việc là chủ đề được các nhà quản lý, nghiệp đoàn, hiệp hội, chuyên gia lao động quốc tế... bàn thảo sôi nổi tại Diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản năm 2023, diễn ra ngày 5-4 tại Hà Nội.
Tuyển dụng không công bằng, thiếu đạo đức
Đại diện Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam đánh giá, lao động Việt Nam là cộng đồng lớn thứ hai tại Nhật. Lao động Việt Nam được đánh giá cao tại Nhật, đây là nguồn lực vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước mặt trời mọc.
Tuy nhiên, thời gian qua một số đơn vị môi giới thiếu nghiêm túc khiến hoạt động tuyển dụng bị méo mó, đẩy chi phí lên cao. Đáng chú ý, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh nên lực lượng lao động đến Nhật làm việc bị ảnh hưởng. Theo đó, các nhà tuyển dụng Nhật Bản đang hướng đến sự cải thiện chi phí tuyển dụng để thu hút lao động từ Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng việc người lao động phải trả chí phí cao để xuất ngoại làm việc là trái tiêu chuẩn tuyển dụng quốc tế, không công bằng, thiếu đạo đức. Toàn bộ chi phí đẩy về phía người lao động là không công bằng lẽ ra người sử dụng lao động phải trả khoản phí này.
Chưa kể, một số trường hợp vướng vào nạn buôn bán người, lao động cưỡng bức; thu nhập không đảm bảo, điều kiện lao động không an toàn, người lao động dù uất ức nhưng không thể về nước do nợ nần.
|
Thực tập sinh xuất ngoại sang Nhật làm việc. Ảnh: P.ĐIỀN |
Từ đó, các chuyên gia đề xuất các bên cần hướng đến môi trường tuyển dụng công bằng và đạo đức. Trước mắt là xóa bỏ chi phí trước khi xuất ngoại làm việc, đảm bảo các quyền lợi khi sang nước sở tại làm việc, chống lại bạo lực nơi làm việc.
Lo có thỏa thuận ngầm
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, thông tin lao động Việt Nam chiếm hơn 50% tổng số 15 nước có lao động làm việc tại Nhật Bản.
Ông Hương điểm tên khiến các chi phí tăng đối với các công ty phái cử, đó là qua trung gian, đối tác yêu cầu phí hoa hồng, tiếp đãi quá mức. Mặt khác, nơi tiếp nhận điều kiện làm việc, thu nhập không tốt, đối xử không thân thiện khiến lao động bỏ trốn làm việc bất hợp pháp.
Hiện 90% lao động xuất ngoại đều thông qua các công ty phải cử và phải trả các khoản chi phí trước khi xuất ngoại. Vấn đề đặt ra giảm chi phí, thực tập sinh (TTS) không phải trả phí và cơ chế giám sát như thế nào để không phát sinh tiêu cực. Thực tế, hiện có một số chương trình không có chi phí, phí thấp như chương trình điều dưỡng, IMJapan, nhưng mức độ thu hút lao động chưa cao.
Ông Hương cho rằng chưa hẳn không mất phí đã tuyển dụng lao động, bởi ngoài yếu tố này cần tính đến điều kiện làm việc, thu nhập, nơi ăn ở đảm bảo người lao động mới tham gia.
“Đối với thị trường Nhật Bản, quy trình tuyển dụng phải qua nhiều vòng gồm: nghiệp đoàn quản lý rồi, các xí nghiệp, công ty sử dụng động. Do đó, cần có cơ chế quản lý để hạn chế thỏa thuận ngầm giữa các nghiệp đoàn với với công ty phái cử, đơn vị sử dụng lao động” - ông Hương lưu ý.
Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Doãn Mậu Diệp cho rằng, các công ty phái cử tồn tại từ nguồn thu đến từ người lao động để bù đắp các chi phí tuyển dụng, thị trường, hỗ trợ lao động, tìm kiếm thị trường, văn phòng quản lý. Luật cho phép thu không quá ba tháng lương cho ba năm xuất ngoại làm việc.
Ủng hộ quan điểm người lao động không mất phí trước khi xuất ngoại, ông Diệp đề xuất tốt nhất là thu phí từ người sử dụng lao động, vừa đảm bảo công bằng, không bị công kích. Tuy nhiên, đi kèm là cơ chế giám sát, không vì không mất phí mà đẩy người lao động đến nơi làm việc có thu nhập thấp, công việc không ổn định.
Các nghiệp đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản, cho rằng dù đã có biện pháp tích cực để trả cho công ty phái cử Việt Nam nhưng chưa đạt như kỳ vọng.
Không thu phí mới hút lao động Việt Nam
Các nhà quản lý, các chuyên gia lao động đến từ Tổ chức lao động quốc tế - ILO khuyến nghị, trong bối cảnh khó tuyển TTS sang Nhật làm việc, nếu không thu phí sẽ thu hút nhiều lao động, trình độ nâng cao, lao động chuyên tâm làm việc, hạn chế bỏ trốn.
Các công ty tuyển dụng, nghiệp đoàn tán thành việc không phí từ người lao động. Đồng thời, tiến tới áp dụng trong hành lang tuyển dụng không chỉ ở thị trường Nhật Bản mà rộng ra nhiều thị trường khác.
Theo PHONG ĐIỀN/Báo Pháp luật TP.HCM