Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại Việt Nam

Published Date
16/12/2021

Baoquocte.vn. Để hiểu và đánh giá đúng Chiến lược ngoại giao văn hóa của Chính phủ Việt Nam, điều quan trọng trước tiên là phải đặt chiến lược này như một phần của di sản rộng lớn hơn về ngoại giao văn hóa ở Việt Nam, trong đó có những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thành công của ngoại giao văn hóa.

 Các đại biểu tham quan triển lãm Kỷ niệm 30 năm UNESCO ra quyết định tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, ngày 24/11/2017.

Nguyên là một sinh viên chuyên ngành khoa học chính trị, sau đó là cán bộ của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) - cơ quan có nhiệm vụ thúc đẩy “quyền lực mềm”, tôi vui mừng có cơ hội được viết về ngoại giao văn hóa của Việt Nam trong thập niên qua trong khuôn khổ Chiến lược Ngoại giao văn hóa của Chính phủ ra đời năm 2011.

Tôi muốn làm theo một cách khác so với việc liệt kê các thành tựu của đất nước trong thập niên qua liên quan đến quyền lực mềm. Tôi muốn nhìn trên phương diện mối quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng trong những năm gần đây giữa Việt Nam và UNESCO, cũng như sự tham gia mạnh mẽ của Việt Nam trong các cơ quan và tổ chức khác nhau của UNESCO, để hiểu rằng ngoại giao văn hóa tiếp tục được sử dụng hiệu quả như một công cụ của chính sách đối ngoại.

Giá trị di sản của Hồ Chí Minh

Việt Nam có một mạng lưới các Di sản phi vật thể và Di sản thế giới phong phú, ngày càng nhiều khu dự trữ sinh quyển thế giới và Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Gần đây, Việt Nam lại có thêm danh hiệu Thành phố sáng tạo đầu tiên (Hà Nội, 2019) và các Thành phố học tập (Vinh và Sa Đéc, 2020). Tất cả đã minh chứng cho cách tiếp cận của Việt Nam trong việc đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển. Với định hướng mạnh mẽ như vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngoại giao văn hóa cũng đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tuy nhiên, để hiểu và đánh giá đúng Chiến lược ngoại giao văn hóa của Chính phủ Việt Nam, điều quan trọng trước tiên là phải đặt chiến lược này như một phần của di sản rộng lớn hơn về ngoại giao văn hóa ở Việt Nam, trong đó có những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thành công của ngoại giao văn hoá. Làm như vậy không chỉ vì lợi ích lịch sử mà còn liên quan trực tiếp đến vị trí của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và đối với các hoạt động đối ngoại của đất nước trong tương lai.

Hơn nữa, và cũng quan trọng không kém, ngoại giao văn hóa không nằm ngoài cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; trái lại, cuộc cách mạng này đã làm biến đổi ngoại giao văn hóa. Do đó, việc nghiên cứu di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này rất quan trọng, vì khi chúng ta muốn đánh giá được chiến lược hiện tại, trước hết chúng ta phải nghiên cứu lại thành tựu của các thế hệ trước.

Bôn ba khắp các châu lục và đại dương, từ Đông sang Tây, trong những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quan điểm độc đáo về tầm quan trọng của đối thoại giữa các nền văn hóa như là nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau và cũng là một công cụ truyền thông quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự đã trở thành một công dân toàn cầu trước cả khi khái niệm này hình thành. Các chuyến đi nước ngoài đến nhiều nước trên thế giới đã giúp Người hiểu biết sâu sắc về điều đã thúc đẩy và thu hút các cá nhân đến với một mục đích và về nơi tìm thấy điểm chung giữa các dân tộc khác nhau ở các phía khác nhau của hành tinh. Hơn hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn, và với sự hiểu biết sâu sắc về bản chất con người, đã làm sáng tỏ chân lý lịch sử.

Tôi luôn cho rằng chính sự thấu hiểu này đã làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tin đưa những cân nhắc và yêu cầu về một nền hòa bình trong tương lai cho Việt Nam vào việc ra quyết định của mình, ngay cả khi lúc đó Người đang chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài. Ngoài tài năng hiếm có cần thiết để duy trì sự kiên định với cách tiếp cận trên trong rất nhiều thời điểm khó khăn, chúng ta biết từ hồ sơ lịch sử rằng sự tự tin của Người để làm như vậy xuất phát từ sự hiểu biết về chân lý cốt yếu của cuộc đấu tranh.

Cụ thể là người Việt Nam tin rằng, họ là một dân tộc (và việc thực hiện quyền tự quyết đối với họ vừa là một kết quả hợp lý vừa là một quyền). Nếu một nền văn hóa chia sẻ là nền tảng của sự thống nhất và việc Người đã hành động nhanh chóng ngay sau khi đất nước giành được độc lập đã minh chứng như vậy (ở đây tôi muốn đề cập Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 về kêu gọi bảo vệ ngay lập tức các di tích lịch sử và văn hóa) thì ta sẽ lý giải được việc gắn các nỗ lực ngoại giao trong cấu trúc đó.

Điều này đã đạt được thành công lớn như lịch sử hiện đại của Việt Nam đã chứng minh. Cách tiếp cận như vậy đã phát huy hiệu quả vượt ra ngoài các quan hệ chính thức của một quốc gia với các quốc gia thân thiện và với cả quốc gia không thân thiện. Xét cho cùng, văn hóa là do con người tạo nên và trong khi các cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa đôi khi được đóng khung giữa các quốc gia, thì về bản chất, đó là cuộc đối thoại giữa các công dân của hai quốc gia đó.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách ngoại giao văn hóa lấy con người và văn hóa Việt Nam làm cốt lõi đã có thể kết nối hiệu quả vượt ra ngoài phạm vi quốc gia để đến với những cá nhân ủng hộ công lý và tự do. Nhiều người trong số họ ở ngoài các liên minh truyền thống của Việt Nam, thậm chí chính sách ngoại giao văn hóa đó đã kết nối được với những công dân của chính các quốc gia mà Việt Nam đang đấu tranh lúc đó.

 

 Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft phát biểu tại Lễ mít tinh, triển lãm, tọa đàm Kỷ niệm 30 năm UNESCO ra quyết định tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, ngày 24/11/2017. 

... và sự tiếp nối trong phát huy sức mạnh mềm

Ngày nay, hệ thống quốc tế đang trong thời kỳ thay đổi không ngừng và các nhà lãnh đạo trên thế giới đang chèo lái đất nước mình trong bối cảnh đầy phức tạp và bất ổn. Các nhà lý thuyết cổ điển về chính sách đối ngoại chưa từng phải đối mặt với thực tế rằng hình ảnh quốc gia ngày càng được định hình bởi nhận thức toàn cầu hình thành trên mạng.

Nói cách khác, chúng ta không còn là những gì chúng ta nói về chính mình, chúng ta là những điều người khác nói về chúng ta. Vậy thực tế mới này có ý nghĩa như thế nào đối với các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thế kỷ XXI? Việt Nam phải làm gì để giúp hình thành câu chuyện toàn cầu của đất nước mình và về đất nước mình?

Bài viết này của tôi không nhằm mục đích hay trong khả năng của tôi để trả lời những câu hỏi sâu sắc như vậy. Tuy nhiên, câu trả lời cho những câu hỏi đó chắc chắn sẽ ngày càng phụ thuộc vào sức mạnh mềm văn hóa của đất nước. Do đó, ngoại giao văn hóa sẽ chỉ phát huy được vai trò quan trọng khi trở thành công cụ cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Về mặt chiến lược, thế hệ các nhà hoạch định chính sách hiện nay ở Hà Nội hiểu rõ điều này, thể hiện qua số phiếu ủng hộ kỷ lục Việt Nam nhận được cho nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gần đây và chính sách “ngoại giao Covid” của Việt Nam từ năm 2020 đến nay.

Vào thời điểm khi Việt Nam ngày càng hướng ra bên ngoài để thể hiện vai trò trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm thực thi các mục tiêu kinh tế và ngoại giao của mình, đồng thời Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được nghiên cứu và tham khảo không chỉ từ quan điểm lợi ích lịch sử mà còn nhằm áp dụng các bài học và tầm nhìn tư tưởng của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng, việc đất nước xây dựng và duy trì quyền lực mềm không phải là vấn đề thứ yếu mà phải được coi là vấn đề trọng tâm đối với chủ quyền và độc lập dân tộc và là yếu tố quan trọng cần được xem xét khi định vị Việt Nam cho thành công, ổn định và hoà bình trong những năm tới.

MICHAEL CROFT/Baoquocte.vn.