Dịch giả Nguyễn Thanh Hằng: Dịch sách để mang kiến thức về cho thế hệ trẻ Việt Nam

Published Date
12/01/2022

Tháng 5/2020, khi dịch Coronavirus bùng phát, thì cuốn sách "Nghệ thuật Huế", do Nguyễn Thanh Hằng, kiều bào Pháp dịch từ L’Art à Hué - chuyên khảo số 1 Janv-Mars, năm 1919 của Bulletin des Amis du Vieux Hué , được Nhà Xuất bản Thế giới ấn hành, ra mắt tại Việt Nam với bản bìa cứng màu xanh ngọc và bản bìa da nhũ vàng phiên bản giới hạn. Ngay trong ba ngày đầu tiên, 500 bản bìa da ép nhũ, mạ vàng "cháy hàng" và trở thành một sự kiện sách đáng chú ý, gây xôn xao đối với những người yêu sách và yêu mỹ thuật, lịch sử bởi lẽ cuốn sách này không thuộc chủ đề dành cho đại chúng. 

 


Dịch giả Nguyễn Thanh Hằng, kiều bào Pháp

« Nghệ thuật Huế » biểu tượng cho sự hòa hợp tốt đẹp giữa tinh thần Pháp và nghệ thuật Việt

“Nghệ Thuật Huế” là quyển sách về nghệ thuật kinh đô Huế. Với hơn 200 phụ bản tranh, ảnh, đồ họa tái hiện chân thực nghệ thuật tạo tác của họa công, nghệ nhân Huế đương thời, tác phẩm đã vượt quy mô một khảo cứu tạp chí mà trở thành một công trình độc lập có giá trị vượt thời gian.

Những họa tiết ấy có thể được đục, khắc, hoặc thêu, vẽ với đường nét rất tinh tế, mang hồn cốt, tín ngưỡng, văn hóa dân gian rất Huế... thành một hệ thống biểu tượng nghệ thuật sống động và cô đọng. Bởi vậy, “Nghệ Thuật Huế” là niềm cảm hứng nghiên cứu cho các tác giả sau này vì nó là nền tảng cho các nghiên cứu về sau, hoặc khơi gợi những ý tưởng mới phái sinh từ đó.

Bản dịch “Nghệ Thuật Huế” năm 2020 của dịch giả Nguyễn Thanh Hằng không chỉ làm người đọc mãn nhãn từ hình ảnh họa tiết, hoa văn, mà còn bị thuyết phục bởi lời dịch chỉn chu, trau chuốt, cố gắng diễn đạt mạch lạc nhất văn phong của bản gốc tiếng Pháp vốn được viết vào đầu thế kỷ 20.

Bố cục quyển sách bám sát nguyên bản. Các chú thích được chăm chút, làm rõ những thông tin cần thiết, như chú thích tác phẩm điêu khắc Laocoon cho ta hiểu hơn về nghệ thuật Phương Tây với Hy Lạp cổ đại; chú thích về Bzantium cho ta biết về một quốc gia cổ; hay chú thích khu thành ngoại Saint- Antonie… Tên gọi An Nam trong quyển sách được ghi chú rõ là dành cho Huế và vùng phụ cận. Nhờ thế, độc giả dễ hình dung hơn phạm vi và cũng hiểu rõ hơn các thuật ngữ, khái niệm được nhắc trong sách.

Ông Etienne Rolland-Piegue, Tham tán Văn hóa và hợp tác, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho rằng “Cuốn sách là một biểu tượng cho sự hòa hợp tốt đẹp giữa tinh thần Pháp và nghệ thuật Việt”. 

Ngày 12/11/2021, “Nghệ thuật Huế” được vinh danh với giải B ở Lễ trao sách quốc gia lần thứ tư,.

Đến phương Tây nhưng không xa nguồn cội

Với tấm bằng cử nhân chuyên ngành Đông phương học, đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh, ước mơ lớn nhất của cô sinh viên Nguyễn Thanh Hằng, sinh năm 1981, bấy giờ là được đi theo con đường giảng dạy, nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa của Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. Tuy nhiên, lời động viên từ bố, vốn đã làm nghiên cứu sinh tại Pháp lúc trẻ đã thôi thúc cô đến nước Pháp như một chuyến “dạo chơi”, đi sang phương Tây để nhìn lại và hiểu hơn nữa về giá trị cốt lõi và tâm hồn phương Đông.

Ấy vậy mà chuyến “dạo chơi” ấy kéo dài cũng đã 20 năm. Sau khi hoàn thành việc học với bậc học Thạc sĩ Lịch sử và Thạc sĩ về Tâm lý đa văn hóa trong quản trị nhân sự, cô đã tham gia nhiều hoạt động, tổ chức nhiều dự án, cuộc thi giúp kết nối văn hóa Pháp – Việt, kết nối cộng đồng người Việt tại Pháp, và giảng dạy tiếng Việt tại Pháp cho cả trẻ em và người đi làm, để thỏa mơ ước được giảng dạy. Hiện Thanh Hằng là thành viên Hội đồng quản lý và xét duyệt Quỹ học bổng âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo, thuộc Fondation Baudouin King, và là giáo viên Ngôn ngữ - Văn hoá Việt Nam tại trường Philotechnique quận 5 Paris. Đặc biệt, trong 6 năm liền, cô đã giữ vai trò Tổng biên tập báo Đoàn kết của Hội Người Việt Nam tại Pháp, mà tiền thân chính là báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, cùng tập thể tạo ra những hoạt động kết nối cộng đồng bao gồm những thế hệ cha anh đi trước, các trí thức, những người lính thợ, công nhân, và những người Việt Nam mới sang Pháp những năm gần đây.

Các trải nghiệm ấy cùng niềm đam mê lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã giúp cô gái sinh năm 1981 có được sự kiên nhẫn và bền bỉ để hoàn thành bản dịch “Nghệ thuật Huế”một cách tốt nhất có thể. Cô chia sẻ nếu đọc một lần mà chưa hiểu thì cô đọc đi đọc lại cho đến khi bước được vào không gian ấy. Cô ghi chú các thuật ngữ, cố gắng tìm đọc những sách liên quan dù rất thiếu tài liệu chuyên ngành Việt Nam tại Pháp, rà tổng thể toàn bộ bản dịch khoảng 5 lần, tương đương với hàng trăm lần rà từng đoạn nhỏ...

Qua việc dịch cuốn “Nghệ thuật Huế”, cô cho rằng việc tìm lại những nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật của các học giả nước ngoài về Việt Nam là điều cần thiết vì giá trị nghiên cứu khoa học bài bản và giá trị lịch sử của những nghiên cứu ấy, để hiểu thêm về Việt Nam xưa và cách nhìn nhận, hệ thống hóa, bổ sung thêm những kiến thức mình có.

Quyển sách "Nghệ thuật Huế"

Dịch sách cũng là cách Thanh Hằng mang về Việt Nam những thông tin, kiến thức, tài liệu hữu ích, có giá trị để các thế hệ Việt Nam có thể tham khảo, nghiên cứu và phát huy. Tuy nhiên, cô cũng cho biết không phải tất cả những học giả nước ngoài đều có tinh thần khách quan và nỗ lực thấu hiểu những giá trị cốt lõi, tinh túy, đặc trưng của văn hóa Việt Nam như nhau. Tất cả những thông tin dù của ai đều mang tính tham khảo, cần sự kiểm chứng chính xác trước khi dịch.

Với thái độ lao động nghiêm túc đó, “Nghệ thuật Huế” đã được những người đang làm trong những lĩnh vực về văn hóa nghệ thuật trân trọng đón nhận. Đây có lẽ phần thưởng tinh thần quý giá nhất dành cho dịch giả Nguyễn Thanh Hằng.


Hải Yến, kiều bào Pháp