Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2024: Chuyển đổi số, phát triển xanh - nền tảng tương lai

Published Date
27/09/2024

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2024, chiều 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên đối thoại chính sách. Thông điệp được Thủ tướng đưa ra thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong chuyển đổi nền kinh tế thích nghi, hòa nhập với sự phát triển của thế giới.

Tham dự lễ khai mạc và phiên toàn thể có các đồng chí: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố; đại diện nhiều nước, các địa phương của các nước, các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế; nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

                                                                                              Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Luật pháp phát triển xanh đã hoàn chỉnh

Điều phối phiên đối thoại, TS Trần Du Lịch gợi mở các vấn đề: Chính phủ đang và sẽ làm gì để thúc đẩy nhanh, hoàn thiện hệ sinh thái để chuyển đổi công nghiệp? Những chính sách đột phá nào tiếp theo để thúc đẩy phát triển thị trường ngành khoa học công nghệ? Một vấn đề khác mà nhiều doanh nghiệp quan tâm là hành lang pháp lý nào cho ngành năng lượng sạch và chuyển đổi giao thông xanh phát triển cũng được đặt ra.

Đại diện nhiều bộ ngành tham dự tại buổi diễn đàn khẳng định những điểm nghẽn sẽ sớm được tháo gỡ bằng những chính sách ban hành trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay quy định tiêu chí tiêu chuẩn, định mức để xác định doanh nghiệp xanh, dự án xanh… đã hoàn thiện. Đây là những cơ sở pháp lý vững chắc để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Cùng với đó, trong thời gian tới sẽ thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư hướng đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.


Ở lĩnh vực khoa học và công nghệ, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định thông tin bộ đang xây dựng Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dự án luật lần này tập trung xã hội hóa các nguồn lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, thực hiện chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, để các doanh nghiệp có đủ năng lực hấp thu công nghệ, đổi mới sáng tạo. Với hành lang pháp lý này, doanh nghiệp có thể trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm tạo điều kiện thu hút nhân lực, công nghệ, góp phần gia tăng năng lực nội sinh của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết thêm, hiện Chính phủ đang sửa đổi nghị định liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm nghiên cứu được phát triển từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, sâu xa là cơ chế quản lý tài sản công, nếu giữ như hiện nay thì cũng rất khó cho việc đầu tư phát triển các sản phẩm. Ngoài ra, luật quản lý công chức viên chức không cho phép công chức tham gia lãnh đạo, thành lập doanh nghiệp cũng cản trở rất nhiều trong chuyển đổi lao động và tham gia phát triển khoa học công nghệ, khiến một số nghiên cứu có thể khả thi về công nghệ nhưng thiếu khả thi về thị trường.

Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, giao thông xanh, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn bộ đang lập 2 đề án phát triển giao thông đô thị TPHCM và Hà Nội. Song song đó, có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông theo hướng xanh, sạch lộ trình đến năm 2030. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng để thực hiện đề án giao thông cần khoản đầu tư lớn, có lộ trình.

Bổ sung phần trả lời của các bộ ngành tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ đã và đang xây dựng, sửa đổi rất nhiều luật. Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới đây, sẽ có nhiều luật được trình Quốc hội thảo luận, sửa đổi và thông qua. Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nghị định, quyết định để luật sớm đi vào thực tế. Chính phủ cũng xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực, góp phần phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa. Tuy nhiên, các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong điều kiện của mình, có cơ chế huy động người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện mục tiêu Net Zero.

                                                                                                                           Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở

Đối thoại về chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), TS Trần Du Lịch dẫn chứng nhiều rào cản ảnh hưởng lớn đến chất lượng thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Trong lời giải đáp, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết dự án Luật Viễn thông sửa đổi đã đề cập đến định hướng phát triển trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn tỷ lệ góp vốn khi tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu; công tác cấp phép cũng có đột phá khi đưa ra nguyên tắc là hậu kiểm. Nhà nước sẽ dùng ngân sách để xây dựng các phòng thí nghiệm để doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng sử dụng. Bộ cũng trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển các doanh nghiệp công nghệ số. “Hiện Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án đang đầu tư và sẽ đầu tư trong thời gian tới liên quan đến ngành công nghệ cao”, đại diện Bộ KH-ĐT chia sẻ thêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nguồn vốn FDI rất quan trọng, mang tính đột phá vì nguồn lực trong nước có hạn. Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đến với Việt Nam, bởi Việt Nam đang có cơ chế chính sách thông thoáng, có hạ tầng đang phát triển và có con người, quản trị thông minh. Hiện thuế tối thiểu toàn cầu có thể tạo ra một số hạn chế, nhưng Việt Nam sẽ có những chính sách hỗ trợ khác...

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng, tự hào khi TPHCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TPHCM với quy mô ngày càng lớn, sâu sắc hơn, thu hút được sự quan tâm lớn hơn của bạn bè quốc tế. Việc chọn chủ đề chuyển đổi công nghiệp mang tính thời sự, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay. Thủ tướng biểu dương TPHCM luôn đi đầu trong đổi mới cơ chế chính sách, an sinh xã hội, duy trì đà tăng trưởng và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Đề cập đến vấn đề chuyển đổi công nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần phải làm mới nền công nghiệp truyền thống và dung nạp thêm ngành công nghiệp mới, tập trung vào vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghiệp văn hóa, công nghệ cao…

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan cần ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách, xây dựng thể chế phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho TPHCM phát triển. Trong đó, tập trung giải pháp phát triển hạ tầng liên quan đến các lĩnh vực nguồn nhân lực, quản trị thông minh, huy động nguồn lực xã hội thông qua hợp tác công tư. Hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh là cơ sở nền tảng để TP phát triển. “Nhà nước đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Ngược lại, nhà đầu tư phải tuân thủ pháp luật”, Thủ tướng khẳng định.

Gởi gắm mong muốn đến các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam cần nguồn lực phát triển. Do vậy, cần nhà đầu tư hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ, tham gia đào tạo nguồn nhân lực. Về năng lực quản trị số, Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế nên rất cần sự chia sẻ hỗ trợ từ nhà đầu tư. “Cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển”, Thủ tướng bày tỏ.


Nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Diễn đàn, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh UBND Thành phố sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt về các nhiệm vụ quan trọng trong chuyển đổi công nghiệp, đảm bảo TPHCM tiếp tục là hình mẫu về chuyển đổi công nghiệp thành công. Từ đó tạo động lực chuyển đổi cho cả vùng và lan tỏa ra cả nước, là địa phương tiên phong thử nghiệm các chính sách phát triển mới. Đồng thời, với việc khánh thành C4IR, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho trung tâm sớm ổn định và đi vào hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI: Áp dụng công nghệ mới cho ngành công nghiệp trọng điểm

Thời gian tới, TPHCM tập trung phát triển các ngành tiềm năng, khuyến khích áp dụng công nghệ mới cho các ngành công nghiệp trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. TPHCM thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi kép, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát huy sức mạnh tổng hợp với sự tham gia của doanh nghiệp, người dân, phát huy hợp tác quốc tế, đặc biệt là phát huy vai trò của C4IR vừa được thành lập. Việc chuyển đổi công nghiệp không phải quá trình mới trên thế giới nhưng rất cấp thiết đối với TPHCM. Với cách tiếp cận linh hoạt, quyết liệt, chiến lược bài bản có trọng tâm, trên tinh thần cầu thị lắng nghe, cùng khả năng quản trị hiệu quả, hành lang pháp lý thông thoáng, dựa trên cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, đặc biệt là quyết tâm của lãnh đạo TPHCM, sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và Thủ tướng, TPHCM nhất định thực hiện thành công quá trình chuyển đổi công nghiệp.

Ông TRỊNH HƯỚNG ĐÔNG, Phó Thị trưởng TP Trùng Khánh (Trung Quốc): Tạo lập đầu mối phân phối hàng hóa vào nội địa Trung Quốc

Để thúc đẩy hợp tác, trước hết là cùng nâng cao đẳng cấp dịch vụ tổng hợp của hành lang thương mại quốc tế mới trên đất liền và trên biển, xây dựng môi trường logistics chất lượng và hiệu quả cao. Đẩy nhanh việc xây dựng và kết nối của cơ sở hạ tầng đường sắt và đường cao tốc, mở ra tuyến tàu chất lượng cao của đường sắt Trung Quốc - Việt Nam. Tiếp đó là nâng cao chất lượng của thương mại điện tử xuyên biên giới. Thúc đẩy thành lập trung tâm trung chuyển hành lang thương mại quốc tế mới trên đất liền và trên biển tại Hà Nội và TPHCM, mở rộng quy mô nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam như hoa quả, hải sản, gạo..., thúc đẩy đặc sản Việt Nam như cà phê, sầu riêng, hạt điều... gia nhập nền tảng trực tuyến và ngoại tuyến “Lục Hải Ưu Phẩm”, hình thành đầu mối phân phối hàng hóa từ Trùng Khánh đến các khu vực nội địa Trung Quốc.

Ông PHẠM HỒNG ĐIỆP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng): Sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ TPHCM phát triển KCN sinh thái

Nếu xây dựng một khu công nghiệp (KCN) sinh thái thì chỉ trong 3 năm sẽ lấp đầy. TPHCM là địa phương sớm phát triển mô hình KCN. Cho đến nay một số KCN đã gần hết thời hạn cho thuê, cũng như nhiều doanh nghiệp đã hết hạn hợp đồng thuê, là cơ hội rất tốt cho TPHCM chuyển đổi sang KCN sinh thái. Tôi đề xuất TPHCM áp dụng mức ưu đãi đầu tư cho KCN sinh thái bằng mức ở khu kinh tế. Khi đó các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sẽ phải tăng tốc, có thể chuyển đổi cùng lúc tại các KCN, vì không chuyển đổi thì không cạnh tranh được. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với TPHCM trong xây dựng KCN sinh thái.

                                                                                                                                           ÁI VÂN - MAI HOA - Theo https://www.sggp.org.vn/dien-dan-kinh-te-tphcm-nam-2024-chuyen-doi-so-phat-trien-xanh-nen-tang-tuong-lai-post760723.html