Ổn định thị trường lao động cuối năm: Đồng hành cùng vượt khó

Published Date
19/12/2022

Khảo sát của VCCI với gần 100 doanh nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy 40,5% doanh nghiệp sẽ thực hiện giảm lao động; 13,5% tăng lao động; 54 doanh nghiệp sẽ giảm thời gian làm việc 

On dinh thi truong lao dong cuoi nam: Dong hanh cung vuot kho hinh anh 1

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường trong và ngoài nước giảm sút khiến hàng hóa tồn kho, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vục xuất khẩu giảm, thậm chí là không có đơn hàng.

Các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều giải pháp như không tăng ca, giãn, giảm giờ làm, luân phiên làm việc… để duy trì hoạt động sản xuất, đồng thời giữ chân người lao động nhất là trong thời điểm năm hết, Tết đến. 

Bài 1: Đồng hành cùng vượt khó

Khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với gần 100 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, chủ yếu ở ngành dệt may, da giày và điện tử, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cho thấy 40,5% doanh nghiệp thực hiện giảm lao động; 13,5% tăng lao động; 54 doanh nghiệp nói sẽ giảm thời gian làm việc.

Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, có 9% doanh nghiệp nói sẽ tăng đơn hàng, 68% doanh nghiệp cho biết đơn hàng chắc chắn giảm, 23% doanh nghiệp trả lời chưa biết.

Đơn hàng giảm, ảnh hưởng đời sống, sản xuất

Ngay trong đầu tháng 12/2022, hàng chục ngàn công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh phải chuyển đổi hình thức làm việc từ tăng ca sang giảm giờ làm và tiếp tục chuyển sang hình thức làm việc luân phiên. Hàng ngàn công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh chính thức ngừng việc sau thời gian doanh nghiệp đã thông báo theo quy định của Luật Lao động.

Một trong những đơn vị cắt giảm lớn lực lượng lao động là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng có 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) hoạt động trong ngành sản xuất giày da xuất khẩu tại quận Bình Tân. Doanh nghiệp đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ 1/12/2022 với gần 1.200 lao động do thu hẹp quy mô sản xuất.

Bà Phạm Thị Út, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng, cho biết do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác nhập khẩu bị thiệt hại nặng nề, không ký đơn hàng mới. Dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng doanh nghiệp không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch nên phải cắt giảm toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp.

Tương tự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Samho hoạt động lĩnh vực giày da tại xã Trung An, huyện Củ Chi, với hơn 8.700 lao động cũng đã có văn bản gửi đến cơ quan chức năng thông báo dự kiến cắt giảm hơn 1.400 lao động từ tháng 12/2022. Nguyên nhân là do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean nhìn nhận, tình trạng giảm đơn hàng đã kéo dài từ tháng 6/2022 đến nay, lượng đơn hàng của doanh nghiệp ở thị trường châu Âu giảm tới 60%, ở thị trường Mỹ giảm 30-40%. Hàng hóa xuất sang các thị trường này tiêu thụ rất chậm và bị tồn kho. Nhiều lô hàng xuất sang châu Âu từ tháng Bảy, tháng Tám nhưng có hơn 50% vẫn để trong kho chưa thể bán ra.

[Thị trường lao động vùng kinh tế phía Nam: Nhiều cơ hội việc làm mới]

Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean hoạt động khoảng 80% so với công suất thiết kế của nhà máy, thậm chí giai đoạn tháng 7-8 chỉ hoạt động khoảng 50% công suất thiết kế. Tồn kho ngày càng tăng cao dẫn tới nguy cơ khách hàng có thể hủy đơn hàng bất ngờ.

Ở ngành dệt may, những tháng đầu năm 2022 có bước khởi đầu khá lạc quan khi các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, châu Âu mở cửa trở lại, nhu cầu mua sắm sau thời gian đại dịch có xu hướng phục hồi tốt. Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may tăng trưởng 60% so với năm trước.

Hầu hết doanh nghiệp đều có đơn hàng gối đầu, nhiều doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến hết quý 2, quý 3. Tuy nhiên, những chỉ số tích cực không kéo dài được lâu, khi xảy các xung đột lớn trên thế giới, dẫn đến tình trạng lạm phát ngày càng lan rộng trên toàn cầu.

Không tránh khỏi tình trạng chung, những ngày đầu tháng 12 này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày, tại quận Bình Tân, có trên 50.000 công nhân) chính thức có thông báo sắp xếp làm việc luân phiên từ ngày 1/12/2022 đến 20/2/2023 bởi đơn hàng giảm mạnh. Theo đó, khoảng 20.000 công nhân phải sắp xếp luân phiên nghỉ làm việc 14 ngày.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm, tính tháng 12/2022, hơn 150 doanh nghiệp khó khăn (trong đó có 22 doanh nghiệp gửi phương án sắp xếp lại lao động) với hơn 50.000 lao động mất việc, giảm thu nhập.

Lý do là giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, nhất là ở các nước châu Âu, Mỹ khiến họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm. Các mặt hàng không thiết yếu trở nên khó tiêu thụ và tồn kho nhiều nên nhà nhập khẩu không đặt hàng cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Chủ động gỡ khó

Chia sẻ cùng người lao động trong thời điểm “nhạy cảm” cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, tổ chức làm việc luân phiên, ứng phép năm năm 2023 để mọi người đều có việc, ít hay nhiều đều có thu nhập.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean cho biết, trước tình hình khó khăn hiện nay, doanh nghiệp phải bám sát thông tin thị trường; theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh của khách hàng hoặc không ký kết với những khách hàng có nguy cơ rủi ro cao để tránh khả năng bị hủy đơn vào phút cuối.

On dinh thi truong lao dong cuoi nam: Dong hanh cung vuot kho hinh anh 2

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Để có thể duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động, Việt Thắng Jean đang nỗ lực chuyển hướng sang thị trường Canada, Australia. Tuy nhiên, các thị trường mới vẫn chưa thể bù đắp được sự sụt giảm từ thị trường Mỹ và châu Âu.

Theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam, lượng đơn đặt hàng công ty nhận được hiện nay giảm nhiều so với các năm trước. Tuyển công nhân tại thời điểm dồi dào đơn hàng đã khó, nay sắp xếp cho người lao động luân phiên nghỉ làm càng khó hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chi trả tiền lương 180.000 đồng/người/ngày cho công nhân trong 14 ngày nghỉ.

Với người lao động, việc cắt giảm giờ làm, ngừng hợp đồng lao động là "cú sốc" lớn trong thời điểm cuối năm, nhất là những người đã nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp. Đối diện với thực tế, nhiều lao động tìm việc làm tạm thời, thời vụ để cải thiện thu nhập. Nhiều người có tuổi đã chọn giải pháp trở về quê nhà…

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải (quê ở Trà Vinh, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng) chia sẻ, trải qua thời gian dài vừa sản xuất, vừa chống dịch, thậm chí có những lúc tạm ngừng việc để thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến thời điểm hiện tại, vợ chồng anh vẫn không hình dung sau khi dịch qua đi lại mất việc.

Chị Lê Thị Hiền (quê ở An Giang) có hơn 15 năm gắn bó với Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng. Chị cho biết, trong thời gian hoàn tất các thủ tục nghỉ việc, trợ cấp mất việc làm, chị đi phụ bán quán ở gần nhà trọ. Ngoài giờ, chị tranh thủ phụ giúp việc nhà, giữ trẻ cho những gia đình có nhu cầu.

Theo chị Hiền, những công nhân trẻ mất việc có thể tìm công việc mới nên tiếp tục ở lại thành phố nhưng chị đã ngoài 45 tuổi nên để xin được việc làm ở công ty khác rất khó. Chị mong khoản tiền hỗ trợ đủ để làm chút vốn về quê chăn nuôi, trồng trọt hoặc mua bán nhỏ.

Nhiều công nhân bày tỏ lo lắng vì không biết tạm nghỉ đến bao giờ, cần tiền trả thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt... Nếu làm đơn xin nghỉ việc để sang nơi khác, công ty sẽ không hỗ trợ giải quyết trợ cấp mất việc hay các chế độ, chính sách, khoản phúc lợi cuối năm./.

(Bài cuối: Để người lao động đều vui đón Tết)

https://www.vietnamplus.vn/on-dinh-thi-truong-lao-dong-cuoi-nam-dong-hanh-cung-vuot-kho/835739.vnp

Thanh Vũ-Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)