Đọc 'Kiều bào với Trường Sa' của nhà văn Hiệu Constant
Là một người làm công tác kiều bào, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được các bài viết, bài thơ của kiều bào ghi lại cảm xúc của mình sau cuộc hành trình đến với Trường Sa. Những câu văn, những dòng thơ giàu cảm xúc ấy đã giúp tôi hiểu rằng đó là những trang viết từ trái tim. Đặc biệt trong đó, có kiều bào đã viết sách để lưu giữ những tư liệu và ký ức chuyến đi. Trong số Bản tin này, chúng tôi xin giới thiệu một trong những tác phẩm như thế. Đó là quyển truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của nhà văn Hiệu Constant, kiều bào Pháp, Nhà xuất bản Dân trí phát hành vào tháng 5/2021
“Cuốn truyện ký này chỉ xoay quanh chuyến thăm quần đảo Trường Sa của bà con Việt kiều ta ở 24 nước trên thế giới. Đây là những tư liệu rất quý cho chúng ta biết vẻ đẹp của quân và dân Trường Sa, những người đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió”
Trần Đăng Khoa
Không chỉ đến khi nghe chị thổ lộ để viết quyển sách này chị phải chuẩn bị từ lúc sắm sửa va li hành lý để về nước (4/2018), rồi ấp ủ nó gần ba năm mới cho ra đời đứa con tinh thần của mình, mà trong quá trình đọc quyển truyện ký gần 200 trang của chị, chúng tôi có thể hình dung được quá trình lao động nghệ thuật đầy công phu ấy. Trong suốt chuyến đi, ngoài việc tuân thủ những quy định chung của đoàn, chị đã cố gắng quan sát thật nhiều, thật chi tiết từng nơi mà mình đặt chân đến, chụp thật nhiều ảnh, trò chuyện với thật nhiều người, ghi nhận những sắc thái và tình cảm của họ. Sau đó chắt lọc lại những gì đặc sắc nhất của chuyến đi cho quyển truyện ký gần 200 trang.
Cuốn sách được chia làm nhiều phần, trong đó phần “Trữ tình ngoại đề” có sứ mệnh như là một chương mở đầu. Đây giống như một lời thú nhận chân tình của tác giả rằng trước cuộc hành trình này, chị đã có những ngộ nhận về Trường Sa từ thời sinh viên qua những bức thư của một chàng chiến sĩ hải quân, những ngày xa xưa ấy trong bức thư của người lính đảo gửi chị không hề có những nhọc nhằn vất vả, gian nguy, chỉ có những con tàu, hải âu và sóng biển thật hiền. Chị đã hình dung Trường Sa cũng thú vị như “Đảo giấu vàng” hoặc đảo trong truyện của Robison Crusoe. Những năm sau này, chị được tiếp cận với tác phẩm của những nhà thơ nổi tiếng như Hữu Thỉnh và Trần Đăng Khoa, thì cảm xúc về Trường Sa của chị bắt đầu được bồi đắp phong phú hơn, Trường Sa không chỉ là hòn đảo hoang vu và thi vị mà còn có những nhọc nhằn thiếu thốn, dãi nắng dầm mưa, kể cả những lúc người dân và chiến sĩ phải hy sinh thân mình để giữ gìn những hòn đảo thiêng thiêng.
Cũng như chị, mỗi người chúng ta khi chưa đến Trường Sa, đều có những hình ảnh mường tượng của riêng mình về quần đảo Trường Sa dựa trên những gì chúng ta từng được nghe, được đọc, nhưng đó chưa thật sự là cái nhìn và trải nghiệm của chúng ta cho đến khi được đặt chân lên đó.
Tác giả Hiệu Constant, bìa phải, tác nghiệp trong chuyến đi Trường Sa năm 2018 (nguồn ảnh: Báo Hải Quân Việt Nam)
Sau phần trữ tình ngoại đề ấy, cuộc hành trình Trường Sa của chị mới bắt đầu hiện ra qua từng trang sách. Phần này, chị tường thuật lại từ lúc đến cảng Cam Ranh, bước lên tàu và đến thăm 10 hòn đảo ở Trường Sa như: đảo Song Tử Tây, đảo Đá Nam, đảo Đá Thị, đảo Sơn Ca, đảo Cô Lin, đảo Sinh Tồn, đảo Tốc Tan, đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa lớn và nhà giàn DK1. Có lẽ những thông tin về từng hòn đảo, địa hình, khí hậu, thảm thực vật, các công trình thiết yếu trên đảo mà chị miêu tả không khó tìm ở những quyển sách viết về biển đảo quê hương khác, hoặc trên các trang thông tin điện tử, nên phần này chị cũng không tập trung đi quá sâu, thay vào đó, chị kể những câu chuyện chung của đoàn và tình cảm của riêng chị khi đến đảo.
Chẳng hạn như khi đến Song Tử Tây, chị xúc động khi cùng chào cờ với các chiến sĩ trên đảo, nghe họ đọc 10 lời thề danh dự, và cảm nhận bước đi vững mạnh kiêu hùng của đoàn duyệt binh. Ở Đảo Đá Nam, chị rưng rưng khi thấy một chiến sĩ đứng gác chảy nước mắt khi văn công hát, rồi vừa hát, nữ ca sĩ ấy vừa lấy khăn chấm nước mắt cho anh, hay câu chuyện ba chiến sĩ nhà giàn DK1 quấn quanh người lá cờ Tổ quốc trong một trận bão lớn năm 1998 rồi vĩnh viễn nằm lại biển khơi để lại biết bao tiếc thương trong lòng đồng đội.
Trong phần “Trường Sa – Một lần mãi mãi”, ở từng đảo, chị có phỏng vấn một vài kiều bào về cảm xúc chuyến đi của họ. Điểm chung có thể thấy, là tất cả các kiều bào đều cảm thấy tự hào về Trường Sa, cảm động trước ý chí và nghị lực của các chiến sĩ. Chuyến đi đã thôi thúc trong họ được đóng góp, được chung tay cùng đồng bào trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương.
Những phần tiếp theo của quyển sách giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống, sinh hoạt không chỉ của riêng các chiến sĩ mà của cả các hộ dân trên đảo. Bên cạnh đó, thông qua chuyến đi này, nhà văn Hiệu Constant sẽ trở thành cầu nối để chúng ta gặp gỡ những nhân vật kiều bào có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người thầm lặng đóng góp cho Trường Sa nói riêng, và cho Việt Nam nói chung. Trong quyển sách, có hơn 20 cái tên kiều bào được nhắc tới trong tổng số gần 70 kiều bào ở 24 quốc gia cùng đồng hành với tác giả trong chuyến đi.
Theo lời tác giả, dù toàn bộ hành trình đến với Trường Sa chỉ có 10 ngày, nhưng chuyến đi đã để lại trong lòng chị biết bao cảm xúc: “Chỉ chục ngày thôi mà tôi như sống hàng chục cuộc đời với vô vàn cảm xúc pha trộn”. Hơn một lần chị chia sẻ như thế trong quyển sách của mình.
Trong khuôn khổ bài giới thiệu ngắn gọn, thật khó lòng nói hết những điều tác giả chuyển tải trong trang sách. Do vậy, xin mời quý độc giả quan tâm tìm đọc “Kiều bào với Trường Sa” của nhà văn Hiệu Constant để có cảm nhận của riêng mình. Hoặc theo dõi những số tiếp theo của Bản tin để có cơ hội đọc thêm những trích đoạn trong tác phẩm này của chị.
Thu Ba