Đọc “Tình viễn xứ” của nhà văn Hiệu Constant
Tiểu thuyết tình viễn xứ - Hiệu Constant
Cuộc đời viễn xứ luôn đầy ắp những bất ngờ, nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không thiếu những khó khăn. Nó hẳn sẽ làm thui chột những ý chí èo uột nhưng sẽ là cơ hội cho những tâm hồn cởi mở, cầu tiến, thích khám phá và tìm hiểu, sẵn sàng hòa nhập với cuộc sống và nền văn hóa mới.
Để thành công dài lâu trong cuộc đời viễn xứ thì yêu cầu hàng đầu muôn đời vẫn là trung thực và khiêm tốn; kế đến là phải hiểu ngôn ngữ của nước bạn; yêu lịch sử, văn hóa và mảnh đất đó như yêu chính quê hương bản quán của mình; không chê thành công nhỏ, không ngại đối đầu khó khăn lớn; nhẫn nại, nỗ lực, thu gom bi thương, mở rộng lòng mình, nhặt nhanh nụ cười và niềm vui sống.
Nếu có thể đã dành được ít nhiều thành quả tại nước bản xứ, vẫn không được quên nguồn cội của mình, không được quên bản sắc dân tộc mình, vẫn luôn phải lấy quê hương làm điểm tựa để tiến về phía trước. Bởi “nếu không biết ta từ đâu đến” cũng đồng nghĩa với “không biết ta sẽ đi về đâu”.
Đây là những đoạn tôi rất tâm đắc khi đọc tác phẩm của chị, “Tình viễn xứ” của nhà văn Hiệu Constant, có lẽ là tâm sự, là trải nghiệm của cá nhân chị, với cá nhân tôi đó là tâm huyết, đúc kết trên hành trình của những người viễn xứ. Bởi nếu “nếu không biết ta từ đâu đến” cũng đồng nghĩa với “không biết ta sẽ đi về đâu”.
Tác giả Lê Thị Hiệu, bút danh Hiệu Constant, tốt nghiệp ngành tiếng Pháp, khoa Tiếng nước ngoài Trường Đại học tổng hợp Hà Nội và chuyên ngành Văn học so sánh, Đại học Paris Sorbonne IV, hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp. Chị là cộng tác viên quen thuộc của Bản tin Kiều bào với Quê hương và các tờ báo khác, là dịch giả của gần 70 tác phẩm dịch Pháp - Việt, Việt – Pháp, đồng thời chị cũng là tác giả của nhiều tiểu thuyết có giá trị như "Côn trùng", "Đường vắng", "Đời du học", "À bientot… hẹn gặp lại"… cùng tự truyện "Làm dâu nước Pháp" nằm trong series sách “Làm dâu xứ lạ” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành đã gây được tiếng vang lớn. Ngoài ra chị cũng là tác giả của nhiều tập truyện ngắn như “Nắng cuối chiều”, "Chênh vênh", "Dưới chân Hòn dấu"… và truyện ký “Kiều bào với Trường Sa”… Hiện chị là đại diện của một số tập đoàn xuất bản Pháp tại Việt Nam.
Tiểu thuyết “Tình viễn xứ” nói về nhân vật chính là Huyền Linh, nhưng ngoài ra còn có Hoàng Minh và Khánh Huyền. Mỗi nhân vật có số phận, hoàn cảnh riêng, nhưng đan xen lẫn nhau, và ở họ có một điểm chung là nghị lực, là ý chí phấn đấu vươn lên. Dám sống, dám nuôi dưỡng ước mơ và hoài bão của mình. Họ không chê thành công nhỏ và họ dám đối đầu những khó khăn lớn. Có lẽ tiểu thuyết “Tình viễn xứ” là tình cảm của người viễn xứ, muốn họ hiểu được nỗi niềm thương nhớ vẫn luôn đau đáu trong lòng kẻ xa quê, luôn mang trong mình sự tri ân đối với quê hương, tri ân với ông bà tổ tiên và cha mẹ, tri ân mảnh đất đã lưu giữ núm nhau của họ, nơi đã cho họ ra đời làm người và nuôi lớn họ.
Tiểu thuyết kể về những gì diễn ra trong hiện tại, sau đó chuyển dần vào hồi ức của nhân vật. Sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại trong kết cấu truyện giúp tác giả đi sâu khai thác tâm trạng và cảm xúc, sự biến đổi tinh tế trong suy nghĩ của nhân vật và dưới ngòi bút của mình, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận, thấu hiểu, cảm thông với nổi niềm của nhân vật. Tình cảm sâu lắng của nhân vật đem những tâm tư tình cảm chôn sâu trong đáy lòng của nhân vật ra ánh sáng để mọi người thấu hiểu, cảm thông.
Hào Trần