Du lịch âm nhạc trên đất Huế

Published Date
20/12/2024

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng du lịch Huế hoàn toàn có thể cất cánh bằng thế mạnh di sản văn hóa, trong đó có nhã nhạc cung đình và ca Huế trên sông Hương, khi Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

anhtrentrai.png
                                                                                                                                                 Ca Huế trên sông Hương.

Âm nhạc truyền thống Huế thể hiện sự tinh tế, độc đáo và đa dạng từ văn hóa cung đình đến dân gian và có ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc Việt Nam. Trong đó nhã nhạc cung đình đã được UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào năm 2003. Còn ca Huế hiện đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia và đang được xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo ông Hồ Đắc Thái Hoàng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm phát huy thế mạnh địa phương đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống như khuyến khích đưa ca Huế vào trường học, tổ chức các chương trình nghệ thuật và kết nối âm nhạc với các sản phẩm du lịch, các chương trình festival và festival làng nghề được tổ chức xen kẽ hàng năm.

Tới nay, du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều hành động để phát triển loại hình du lịch này.

Du lịch được Huế xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và đã thu được nhiều kết quả, khi mà trên thực tế vị thế của Huế không chỉ là một thành phố di sản, mà còn là một điểm đến văn hóa nghệ thuật sôi động và đầy sức sống. Cái bắt tay giữa âm nhạc và du lịch là yếu tố để du lịch âm nhạc đi vào đời sống và phát triển. Tại Huế, nhiều nơi có thể xây dựng các sân khấu biểu diễn âm nhạc hoành tráng và rất đỗi thơ mộng.

Về nhã nhạc cung đình ở Việt Nam đến nay chỉ có Huế là nơi duy nhất còn lưu giữ được. Khi nghe âm nhạc trong chính môi trường, bối cảnh của nó thì di tích trở nên sống động hơn. Cho dù bản thân các di tích, cung điện ở Huế cũng đã nói lên được giá trị của mình, nhưng nếu chúng có thêm khía cạnh phi vật thể đi kèm như âm nhạc, nghi lễ… thì sẽ tạo nên ấn tượng, xúc cảm sâu sắc hơn, đầy đủ, trọn vẹn.

Hiện nay, việc trình diễn nhã nhạc cung đình cho khách du lịch đã được triển khai khá đa dạng ở ngoài trời, trong các cung điện, đền miếu và trong Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường. Như vậy, du khách có thể tiếp cận với nhã nhạc ở những cấp độ khác nhau. Còn với ca Huế, nhất là khi được thưởng thức trên thuyền trên sông Hương du khách sẽ có ấn tượng rất khó phai. Tới nay, trên địa bàn có 12 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh ca Huế với tổng số 519 nhạc công và diễn viên phục vụ khách du lịch, góp phần đưa ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc.

Là thành phố Festival, Huế sẽ còn hấp dẫn hơn khi có thêm danh hiệu “thành phố du lịch - âm nhạc”, điều đó hoàn toàn trong tầm tay khi Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

                                                                                                                                                                                                                                                            Phương Anh – Theo https://daidoanket.vn/du-lich-am-nhac-tren-dat-hue-10296875.html