Du lịch TP. HCM đón đầu xu hướng mới: Nắm bắt chìa khóa chuyển đổi số
Hoạt động du lịch truyền thống dần thay đổi và chuyển sang những loại hình du lịch sáng tạo, độc đáo khác nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá những vùng đất mới của khách du lịch.
Du khách trải nghiệm cảnh đẹp ở các điểm đến như Thạnh An, Thiềng Liềng, Vàm Sát... tại huyện Cần Giờ bằng xe đạp. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Với tác động của dịch COVID-19, người tiêu dùng đã thay đổi hành vi, thói quen và quyết định đi du lịch so với những năm trước đó.
Vì vậy, hoạt động du lịch truyền thống dần thay đổi và chuyển sang những loại hình du lịch sáng tạo, độc đáo khác nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá những vùng đất mới của khách du lịch.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết "Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đón đầu xu hướng mới" thông tin những giải pháp của ngành du lịch thành phố trong phục hồi và phát triển thị trường; đồng thời chùm bài viết giới thiệu những chương trình kích cầu du lịch với đa dạng hoạt động khuyến mãi, giảm giá đến người tiêu dùng trong mùa du lịch cuối năm 2022.
Bài 1: Nắm bắt "chìa khóa" chuyển đổi số
Chuyển đổi số đã chứng minh là xu hướng tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn thích ứng và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngành du lịch cũng không ngoại lệ, muốn chuyển mình mạnh mẽ phải nắm bắt "chìa khóa" chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng toàn ngành.
Chuyển đổi số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp ngành du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phát triển bền vững.
Số hóa cơ sở dữ liệu
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành duy trì hoạt động kinh doanh sau dịch COVID-19.
Chuyển đổi số sẽ tạo nên sự khác biệt cho tương lai ngành du lịch Việt Nam, nhất là thúc đẩy phục hồi và phát triển thị trường theo xu hướng bền vững hơn. Mặt khác, nhu cầu mua sắm trực tuyến cũng như việc tiếp cận những giải pháp không chạm đang tăng nhanh hơn bao giờ hết trên thị trường toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Kết quả một số nghiên cứu khảo sát thị trường cho thấy người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng những công nghệ không chạm sau dịch COVID-19.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của ngành du lịch, nhất là sự phát triển của ngành sau dịch COVID-19, Sở đẩy mạnh thực hiện Đề án du lịch thông minh.
Ở giai đoạn gần đây nhất, Sở triển khai hàng loạt nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý ngành và đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Sở xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch với kho dữ liệu được thiết kế dựa trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Đây là kho dữ liệu đảm bảo mục tiêu phục vụ cho bốn đối tượng người sử dụng là khách du lịch, người dân, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cơ quan quản lý du lịch.
[Thương mại, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trở mình chuyển đổi số]
"Chiến lược nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào 13 nhóm, gồm khách du lịch và hành vi khách hàng; bản đồ số du lịch; tài nguyên, di sản và sản phẩm du lịch; dịch vụ mua sắm; dịch vụ ăn uống; dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn; doanh nghiệp lữ hành; cơ sở lưu trú du lịch; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao; dịch vụ chăm sóc sức khỏe-y tế; hướng dẫn viên, thuyết minh viên; văn phòng đại diện nước ngoài; phương tiện vận chuyển khách du lịch," ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết thêm.
Để tăng cường thu hút, trải nghiệm cho du khách và người dân, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh còn xây dựng một hệ sinh thái liên kết giải pháp công nghệ thông tin có mối liên hệ chặt chẽ, sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu chia sẻ giúp du khách, người dân tra cứu thông tin du lịch. Du khách có thể đặt vé vận chuyển, chọn lựa đặt phòng lưu trú, tìm hiểu đặc sản kết hợp mua sắm sử dụng dịch vụ…
Các ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang được Sở Du lịch thành phố phối hợp liên ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp triển khai là vận hành ứng dụng phần mềm (app) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Sở, xây dựng và vận hành riêng trang web thông tin giới thiệu du lịch thành phố visithcmc.vn; vận hành đa dạng trang thông tin trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram...
Hướng đến sản phẩm du lịch số
Theo phân tích của ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số (DTS), tốc độ lan tỏa số hóa và công nghệ thông tin với những đột phá từ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số hóa, đang tạo ra nhiều thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng và tạo nên xu hướng phát triển thị trường mới. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc về công nghệ cho phép hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch có cơ hội tối ưu hóa việc xúc tiến quảng bá, quản lý dữ liệu và mở rộng thị trường, phát triển du lịch trực tuyến. Điển hình, lần lượt các sản phẩm du lịch điện tử với giá thành hấp dẫn đã được tạo ra, góp phần nâng cao sự cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch cho quốc gia, vùng lãnh thổ.
Liên quan đến chuyển đổi số, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) chỉ ra rằng, tiếp cận chuyển đổi số, khai thác tài nguyên số trong doanh nghiệp phải hình thành bộ phận phân tích dữ liệu mang tính quyết định; xây dựng và làm giàu tài sản số; hệ thống sản xuất, quản trị-điều hành và cuối cùng là hướng đến trải nghiệm khách hàng.
Song song đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch... nên ứng dụng công cụ xử lý nghiệp vụ kinh doanh chính đáp ứng sự hài lòng của khách hàng; tiết kiệm chi phí từ tăng năng suất lao động trong quản lý điều hành và ở góc độ lãnh đạo cạnh tranh tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp. Vì vậy, muốn chuyển đổi số trong doanh nghiệp đạt hiệu quả, cần đảm bảo giải pháp tạo trải nghiệm tốt cho người dùng; ngân sách hợp lý; khả năng kết nối sâu rộng; có dư địa mở rộng...
Công ty Ảnh Việt Hop on Hopoff VN đã ứng dụng thành công nhiều giải pháp công nghệ hiện đại vào phục vụ tuyến xe buýt vòng quanh Thành phố Hồ Chí Minh đạt 10/10 tiêu chí an toàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Hơn thế nữa, chuyển đổi số đối với ngành nghề, lĩnh vực hay trong doanh nghiệp là hành trình tích hợp công nghệ theo lộ trình dài hơi và có chiến lược linh hoạt với xu hướng thị trường. Do đó, chuyển đổi số phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức tư duy, lập kế hoạch xây dựng chiến lược chi tiết, có chính sách và quy trình cụ thể, loại bỏ rào cản và khởi động từ cơ sở hạ tầng sẵn có.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành du lịch đã chuyển trọng tâm từ quảng bá sản phẩm, dịch vụ sang quảng bá duy trì hình ảnh điểm đến để giữ mối liên hệ với khách du lịch trong nước, quốc tế và từng bước chinh phục lại thị trường truyền thống, cũng như mở cửa những thị trường tiềm năng. Trong xu hướng chuyển số cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong năm 2023 và những cơ hội mới cho ngành du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh cũng kịp thời đưa ra những giải pháp thích ứng thị trường, hướng đến sản phẩm du lịch số.
Cụ thể, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022 nhằm tái hiện không gian một phần Thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị từ trực quan sinh động. Cùng với đó thành phố cập nhật 366 tài nguyên du lịch của thành phố lên nền tảng Google Earth và Google Map; cung ứng sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử shopee, traveloka...
Một điểm mới không thể không kể đến là Sở Du lịch đã phát triển hệ thống lắng nghe, phân tích ý kiến trên mạng xã hội (Social listening). Với nền tảng này, hoạt động lắng nghe và giám sát mạng xã hội giúp theo dõi ý kiến người dùng trên mạng, từ đó cơ quan quản lý ngành du lịch có thể cập nhật tin tức trên môi trường mạng, tìm kiếm thông tin trao đổi liên quan đến cơ hội và thách thức của ngành du lịch một cách kịp thời./.
Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)