Đưa sáng kiến giáo dục Việt đến chung kết khởi nghiệp đại học danh tiếng Mỹ

Published Date
22/04/2025

Vừa qua, Chương trình Ngôi nhà Trí tuệ được xướng tên tại vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp New Venture Awards – một trong những giải thưởng danh giá nhất do Đại học Wesleyan, ngôi trường nổi tiếng xếp hạng 14 trong các đại học khai phóng tại Mỹ, tổ chức thường niên. 

Dự án được xây dựng và thuyết trình bởi hai đồng sáng lập NNTT Malaysia: Trần Thị Tường Anh, hiện đang học năm hai ngành Kinh tế và ngành phụ về dữ liệu tại Wesleyan với học bổng toàn phần Freeman trị giá 9 tỷ đồng (năm 2023) và Trần Việt Bách, vừa nhận thư mời nhập học chương trình tú tài quốc tế IB tại trường Thế giới liên kết (United World Colleges) UWC ISAK Nhật Bản, từ tháng 8/2025. Ngày 12/4, vượt qua hơn 30 hồ sơ nổi bật đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, NNTT Malaysia đã ghi tên mình vào danh sách những sáng kiến xã hội tiêu biểu nhất năm nay và giành giải thưởng trị giá 3.000 USD Mỹ.

Tường Anh, sáng lập và chủ nhiệm NNTT Malaysia tại buổi thuyết trình vòng chung kết, cuộc thi khởi nghiệp New Venture Award tại Đại học Wesleyan, Mỹ
Tường Anh, sáng lập và chủ nhiệm NNTT Malaysia tại buổi thuyết trình vòng chung kết, cuộc thi khởi nghiệp New Venture Award tại Đại học Wesleyan, Mỹ

Cột mốc đáng tự hào

Chia sẻ niềm vui về sự kiện này, ông Nguyễn Anh Tuấn, nhà sáng lập mạng lưới NNTT cho biết “Tôi đã có dịp ghé thăm Wesleyan University vào năm 2023.

Đây là một trong những trường đại học khai phóng danh tiếng và có lịch sử lâu đời tại Mỹ. New Venture Awards (Giải thưởng dành cho dự án mới), được khởi xướng bởi Trung tâm Patricelli dành cho doanh nghiệp xã hội, là giải thưởng uy tín bậc nhất của trường, nhằm tôn vinh các sáng kiến tạo tác động tích cực đến cộng đồng.

Việc NNTT Malaysia được gọi tên ở vòng chung kết và giành giải thưởng là một thành quả xứng đáng. Tiếp theo Giải thưởng Xóa mù chữ-lan tỏa tri thức do Thư viện Quốc hội Mỹ trao tặng năm 2023, thành tích này một lần nữa khẳng định rằng, Mạng lưới NNTT đang hòa mình vào dòng chảy của những nỗ lực chung toàn cầu nhằm kết nối tri thức và thúc đẩy học tập suốt đời”.

Tường Anh trong danh sách các sáng kiến tham dự vòng chung kết, đăng tải trên website của Trung tâm Patricelli về doanh nghiệp xã hội, Đại học Wesleyan.
                                                  Tường Anh trong danh sách các sáng kiến tham dự vòng chung kết, đăng tải trên website của Trung tâm Patricelli về doanh nghiệp xã hội, Đại học Wesleyan.

Dự án mà Tường Anh và Việt Bách mang đến diễn đàn khởi nghiệp năm nay được đúc kết từ những thành công và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hoạt động của NNTT Malaysia từ khi thành lập, năm 2021.

Mục tiêu xuyên suốt của chương trình là thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa trẻ em thành thị và nông thôn, miền núi, bằng cách kết nối nguồn lực và tri thức toàn cầu. Dự án được triển khai trên nền tảng ba trụ cột chính: nâng cao trình độ Tiếng Anh; nuôi dưỡng tình yêu sách và văn hóa đọc; phát triển cá nhân thông qua các chương trình cố vấn và đồng hành.

Tiếng Anh – Sách – Đồng hành phát triển cá nhân: Hành trình bền bỉ

Cụ thể, NNTT Malaysia tiếp tục mở rộng các lớp Tiếng Anh miễn phí cả trực tiếp và trực tuyến, giúp học sinh nông thôn tăng cường khả năng giao tiếp và thực hành cùng giáo viên bản xứ. Chương trình sẽ kết hợp cùng Tủ sách Nhân Ái mang sách đến những vùng sâu, vùng xa và xây dựng các chương trình khuyến đọc để khơi dậy niềm đam mê đọc sách và tinh thần tự học. Ngoài ra, dự án sẽ phối hợp cùng mạng lưới NNTT toàn cầu kết nối các giáo sư, chuyên gia và tình nguyện viên quốc tế để hỗ trợ học sinh phát triển cá nhân. Thông qua các buổi hội thảo, giao lưu chia sẻ và các chương trình cố vấn 1-1, các em sẽ được trang bị kỹ năng sống, từ giao tiếp, làm việc nhóm, đến tư duy phản biện và định hướng nghề nghiệp.

Việt Bách chủ trì buổi giao lưu trực tuyến “hát triển cá nhân và học tập suốt đời” với Phó Giáo sư Shannon Gramse và sinh viên Đại học Alaska Anchorage (Mỹ), cùng các em học sinh từ NNTT Đức Phổ, Quảng Ngãi.
      Việt Bách chủ trì buổi giao lưu trực tuyến “hát triển cá nhân và học tập suốt đời” với Phó Giáo sư Shannon Gramse và sinh viên Đại học Alaska Anchorage (Mỹ), cùng các em học sinh từ NNTT Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Việt Bách chủ trì buổi giao lưu trực tuyến “hát triển cá nhân và học tập suốt đời” với Phó Giáo sư Shannon Gramse và sinh viên Đại học Alaska Anchorage (Mỹ), cùng các em học sinh từ NNTT Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Tường Anh cho biết: “Đến nay, NNTT Malaysia đã triển khai 15 khóa học tiếng Anh miễn phí với nhiều nội dung đa dạng như ngữ pháp, giao tiếp, toán tiếng Anh; gần 30 buổi giao lưu, hội thảo cùng các chuyên gia và giảng viên quốc tế nhằm. Đặc biệt, NNTT Malaysia đã phối hợp cùng Đại học Alaska Anchorage, dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Shannon Gramse, tổ chức các buổi chia sẻ định kỳ hàng tháng, nơi các sinh viên Mỹ cùng đồng hành và hướng dẫn các em những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Những hoạt động này đã mang lại những cơ hội học tập và phát triển tích cực cho hàng ngàn học sinh tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đồng Nai và Sơn La”.

Hơn cả một giải thưởng

Ông Nguyễn Anh Tuấn, nhà sáng lập NNTT và đồng sáng lập Tủ sách Nhân ái cùng lãnh đạo 2 chương trình chụp ảnh cùng Tường Anh tại thư viện Đại học Wesleyan.
                                     Ông Nguyễn Anh Tuấn, nhà sáng lập NNTT và đồng sáng lập Tủ sách Nhân ái cùng lãnh đạo 2 chương trình chụp ảnh cùng Tường Anh tại thư viện Đại học Wesleyan.

Ông Nguyễn Quốc Huy, CEO của chương trình Tủ sách Nhân Ái ghi nhận những đóng góp thiết thực của Tường Anh và Việt Bách trong chương trình dạy tiếng Anh miễn phí tại NNTT Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ông nói: “Hai bạn bắt đầu dạy Tiếng Anh từ Hè năm 2021, khi các em nhỏ còn bập bẹ học những câu hội thoại đơn giản đầu tiên. Các lớp học đều đặn diễn ra mỗi mùa hè, và đến hè năm 2024, các em ở Đức Phổ đã tự tin giao tiếp thành thạo cùng giáo sư và sinh viên Đại học Alaska Anchorage trong các buổi hội thảo trực tuyến mà không cần phiên dịch. Hành trình này thể hiện cam kết lâu dài của cả người học và người dạy, không chỉ để nâng cao khả năng ngoại ngữ, mà mở ra những kết nối quý giá về tri thức, văn hóa vượt ra ngoài biên giới quốc gia”.

Giải thưởng New Venture Awards không chỉ dừng lại ở buổi lễ vinh danh và trao giải, Tường Anh và Việt Bách còn được hỗ trợ và đồng hành bởi các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Patricelli để tiếp tục phát triển dự án, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng trong tương lai.

Ngôi nhà Trí tuệ là chương trình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Đến nay, chương trình đã tạo dựng và duy trì hơn 300 không gian học tập suốt đời hoàn toàn miễn phí tại 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 5 quốc gia khác (Malaysia, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Mỹ), giúp cho hơn 10.000 thành viên, đặc biệt là người dân và trẻ em ở các vùng quê nghèo, có cơ hội học tập chất lượng cùng sự hỗ trợ của hàng trăm chuyên gia, giáo sư, và giảng viên tình nguyện hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế.

Ngôi nhà Trí tuệ được tặng nhiều bằng khen và giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có Giải thưởng Xóa mù chữ và phổ biến tri thức của Thư viện Quốc hội Mỹ năm 2023, tại hạng mục “Thực hành xuất sắc”.

                                                                                                                                                                                  Thanh Lộc – Theo https://baoquocte.vn/dua-sang-kien-giao-duc-viet-den-chung-ket-khoi-nghiep-dai-hoc-danh-tieng-my-311383.html