Đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất về công nghệ sinh học
NDO - Ngày 17/3, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Quang cảnh Tọa đàm. |
Tại tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng các công nghệ sinh học hiện đại và đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, chọn tạo các giống cây trồng là hướng nghiên cứu được đẩy mạnh ở Thành phố. Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp công nghệ cao cùng một số đơn vị nghiên cứu đã chọn tạo được nhiều giống lan mới, giống dưa lưới, cà chua bi, cà chua, khổ qua, dưa lưới, dưa leo, ớt cay.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ sinh học đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
Đồng thời, xây dựng các quy trình nhân giống và canh tác rau, hoa kiểng, dược liệu. Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật và công nghệ nano trong trồng trọt đã tạo được nhiều chế phẩm sinh học ứng dụng thực tiễn. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống, điều trị-phòng bệnh, quy trình nuôi dưỡng, nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Trong lĩnh vực y dược, một số hoạt chất từ thực vật, cây thuốc hướng đến phát triển các chế phẩm ứng dụng trong điều trị bệnh bước đầu được triển khai hiệu quả trong sản xuất và thương mại như: curcumin từ nghệ, EGCG từ trà xanh; alfuzosin làm thuốc điều trị u xơ tuyến tiền liệt; vinblastin, vincristin, navelbin làm thuốc chống ung thư...
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ sinh học đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Toàn Thành phố có 134 phòng thí nghiệm phân tích chất lượng sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, môi trường… từ các viện, trường và các trung tâm phân tích được Sở Khoa học Công nghệ Thành phố quản lý.
Phòng nuôi cấy mô cây giống Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. |
Đóng góp vào Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Với lợi thế của mình, Thành phố cần tập trung phát triển, phấn đấu đưa Thành phố trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, dẫn đầu cả nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành một trong những ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, Thành phố cần tiếp tục, đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng chính sách phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học.
Thành phố cũng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng hiện đại.
Theo CAO TÂN/Báo nhân dân online