"Em bé Napalm" và nhiếp ảnh gia Nick Út lần đầu hội ngộ tại Việt Nam
Nhân chứng lịch sử Phan Thị Kim Phúc chia sẻ từng rất ghét bức hình bản thân mình trần truồng chạy trên quốc lộ - bức ảnh “Em bé Napalm” bức ảnh đã làm nên tên tuổi và số phận của bà.
Nhiếp ảnh gia, phóng viên chiến trường Nick Út và ''Em bé Napalm'' Phan Thị Kim Phúc lần đầu hội ngộ tại Việt Nam sau sự kiện lịch sử năm 1972. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sau 50 năm kể từ khi nhiếp ảnh gia chiến trường Nick Út chụp bức ảnh "Em bé Napalm" - tác phẩm từng được bình chọn là có tính lay động nhất thế giới trong vòng nửa thế kỷ, tác giả và nhân vật đã lần đầu cùng hội ngộ tại Việt Nam.
Cuộc gặp diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào ngày 31/10, nhân dịp kỷ niệm 50 năm sau khi bức ảnh được chụp tại đường quốc lộ 22 chạy qua thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh năm xưa (1972-2022).
Khi đó, Nick Út là phóng viên trẻ mới 20 tuổi, đang làm việc cho hãng thông tấn AP. Thấy cô bé toàn thân bỏng rát, từng mảng da rơi ra, vừa chạy vừa thất thanh “Nóng quá, nóng quá!” ông giơ máy lên chụp và lưu giữ được khoảnh khắc vô giá này. Sau đó ông nhanh chóng đưa cô bé và người thân lên xe phóng viên để tới bệnh viện.
“Sau 14 tháng chữa trị ở bệnh viện, ba tôi cho xem bức hình. Thấy bức hình xấu quá, tôi không muốn nhìn, đó là cảm giác đầu tiên của tôi. Khi đó tôi cũng chưa biết bức hình nổi tiếng hay gì cả,” bà Kim Phúc chia sẻ.
Bức ảnh ''Em bé Napalm'' gây chấn động dư luận về sự thật trần trụi, nỗi đau từ cuộc chiến tranh chống Mỹ. (Ảnh tư liệu của Nick Út)
Về sau, bà Kim Phúc dần thay đổi suy nghĩ về bức ảnh. Khi ấy, bà đã là một người mẹ, mong muốn mang đến một thế giới bình yên cho con mình và đã coi bức hình như một động lực để quý trọng hòa bình hơn.
Nhiếp ảnh gia Nick Út rưng rưng nhớ lại khoảnh khắc năm xưa: “Khi ấy, những nhiếp ảnh gia khác đã chụp xong và đều rời đi. Tôi thấy Kim Phúc và anh chị em của cô ấy còn đang chạy trên quốc lộ, khóc thảm thiết nên không thể bỏ đi được.”
Với mong muốn giảm sự đau đớn cho Kim Phúc, Nick Út đã đổ nước trong bi đông của mình lên người cô bé. Tuy nhiên điều đó vô tình khiến vết bỏng trở nên đau hơn. "Bom napalm tác dụng với oxy, khiến vết bỏng lại càng thêm rát hơn," bà Kim Phúc kể thêm về trải nghiệm khi ấy.
Tại cuộc gặp mặt diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ông Nick Út đã trao lại một số hiện vật thời chiến của mình gồm chiếc máy ảnh Nikon ông dùng để tác nghiệp tại Quảng Trị năm 1972, chiếc túi đựng đồ, cái ca đựng nước và cả chiếc bi đông đổ nước lên người bà Kim Phúc năm xưa.
Phát biểu tại sự kiện, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận xét đây là cuộc gặp mặt đặc biệt vì sau 50 năm hai nhân vật mới gặp tại Việt Nam.
"Tôi nhận thấy hai điều vô cùng sâu sắc: Đầu tiên là sức mạnh vô cùng kỳ diệu của ảnh báo chí, đến mức những người chụp, được chụp không nhận ra sức ảnh hưởng của nó tới không chỉ chính họ mà còn tới cả thế giới. Chúng ta cần đề cao tính nhân văn và đạo đức báo chí của tác giả bức hình. Ông Nick Út đã không đặt nhiệm vụ đưa bức ảnh về tòa soạn lên đầu, mà đặt mục tiêu cứu sống con người lên trước," nhà báo Hồ Quang Lợi xúc động nói.
Hiện nay bà Kim Phúc đang sinh sống tại Canada cùng chồng là ông Bùi Huy Toàn và các con cháu. Với bà, ông Nick Út giống như một người chú và là một người bạn thân thiết của gia đình. Ngược lại, với Nick Út, bà Kim Phúc giống như một cô con gái.../.
Chiếc bi đông lịch sử. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Túi đựng đồ của ông Nick Út và chiếc máy ảnh Nikon đồng hành với ông trong cuộc chiến ở Quảng Trị năm 1972. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bà Kim Phúc và ''người hùng'' Nick Út tham quan tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Chiếc máy ảnh Nikon gắn ống tiêu cự 50mm, một trong nhiều chiếc ống ông từng dùng bấy giờ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bà Kim Phúc và một trong vô vàn vết thương chiến tranh còn trên cơ thể. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sự kiện gặp mặt đánh dấu 50 năm kể từ khi bức ảnh được chụp và là lần đầu tiên hai người hội ngộ tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nhiếp ảnh gia Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út. Ông sinh năm 1951 tại Long An. Từ năm 16 tuổi, ông trở thành phóng viên ảnh của hãng tin Mỹ AP. Bức hình "Em bé Napalm" của ông đã được trao giải ảnh báo chí Pulitzer (Mỹ) năm 1973. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. Trong 50 năm qua, tác giả và bà Kim Phúc đã có nhiều lần gặp gỡ. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên hai người cùng gặp nhau tại Việt Nam. |
Minh Anh (Vietnam+)