Gần 150 nhà khoa học gặp gỡ tại Quy Nhơn chia sẻ về vật lý, vũ trụ học

Published Date
10/07/2024

Ngày 8-7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức Khai mạc Hội nghị Quốc tế khoa học “PASCOS - Hạt, dây và vũ trụ học” lần thứ 29, với sự tham gia của 145 nhà khoa học đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ.

“Đại hội” của những nhà vật lý hạt thực nghiệm

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cho biết, trên thế giới, Hội nghị PASCOS được thành lập cách đây 34 năm là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhìn lại và thảo luận sâu hơn về các tiến bộ của vật lý hạt, lý thuyết dây, vũ trụ học. Tại Việt Nam, nhờ sự bắt cầu của GS Phạm Quang Hưng (Đại học Virginia, Mỹ), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã đưa hội nghị về tổ chức ở Trung tâm ICISE.

                                                                                                                                                                         GS Trần Thanh Vân trao đổi tại hội nghị

Đây là hội nghị cao cấp và lần thứ 2 ban tổ chức chọn Việt Nam thực hiện hội nghị. Hội nghị PASCOS năm 2016 tại ICISE có mặt GS Takaaki Kajita (ở Nhật Bản, người đoạt giải Nobel Vật lý 2015). Qua đó, GS Takaaki Kajita đã hỗ trợ ICISE thành lập nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino tại Viện nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) vào năm 2017. Đây cũng là nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino thực nghiệm duy nhất tại Việt Nam tham gia 2 thí nghiệm quốc tế trong lĩnh vực neutrino ở Nhật Bản: thí nghiệm T2K và thí nghiệm Super-Kamiokande (SK)

- GS Trần Thanh Vân chia sẻ

Theo GS Vân, năm nay, Hội nghị PASCOS quy tụ các nhà vật lý hạt, vũ trụ học đến từ nhiều châu lục, trong đó 21 nhà khoa học đến từ Mỹ, 12 nhà khoa học trẻ Việt Nam. Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của nhiều giáo sư lớn ở trung tâm, đại học lớn Ý, Mỹ, Nhật Bản...

                                                                                                                                                                        Các giáo sư đầu ngành tại hội nghị

Hội nghị bao gồm 14 phiên toàn thể, 3 phiên song song trình bày 111 bài nghiên cứu về các chủ đề: vật lý neutrino; vật chất tối và năng lượng tối; vật lý với máy gia tốc lớn LHC; các thí nghiệm đo chính xác; vũ trụ học; lý thuyết Dây; các công nghệ và máy gia tốc mới… Hội nghị cũng bàn luận về những khám phá quan trọng được các nhà khoa học thực hiện trong vài năm trở lại đây, như tính chất của các hỗn hợp hạt neutrino, hạt higgs và sóng hấp dẫn.

Trao đổi với PV Báo SGGP, GS Phạm Quang Hưng (đại diện ban tổ chức hội nghị) cho biết, trong vật lý hạt khám phá mới nhất cuối cùng được tìm thấy cách đây 12 năm. Từ đó đến nay, chưa có khám phá nào mới, nhiều lý thuyết đưa ra 1 số phát hiện mới về một số hạt. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn đang loay hoay chưa thể chứng minh, thực nghiệm được. Thông qua hội nghị, các nhà khoa học sẽ ngồi lại bàn thảo, tìm cách giải mã các câu hỏi còn bỏ ngõ.

"Quan trọng nhất là chúng ta phải thực nghiệm, chứng minh được những lý thuyết về vật lý", GS Hưng nói rồi đưa ra ví dụ, lý thuyết làn sóng hấp dẫn phải 100 năm sau mới thực nghiệm được.

                                                                                                                                    GS Phạm Quang Hưng trao đổi với các nhà khoa học, đại biểu tại hội nghị

Hội thảo này giải quyết câu chuyện thực tế, cụ thể, thực nghiệm. Các bài nghiên cứu sẽ mổ xẻ những lý thuyết, tìm kiếm các công nghệ, máy móc hiện đại, những thí nghiệm đầu tư công phu lên đến hàng tỷ USD để thực nghiệm.

“Hội thảo sẽ có 1 số bài nghiên cứu phát hiện mới, như 1 số phản ứng mới có thể làm thay đổi lý thuyết trước đây về năng lượng tối. Trong đó, nhóm nghiên cứu Việt Nam sẽ trình bày những phát hiện mới thay đổi của năng lượng tối này”, GS Hưng chia sẻ thêm.

Nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam kỳ vọng đoạt giải Nobel

Tại hội nghị, nhiều nhà nghiên cứu trẻ vật lý hạt, vũ trụ học Việt Nam trình bày những phát hiện mới trong quá trình nghiên cứu. Trong đó, TS Cao Văn Sơn (Viện IFIRSE, Trung tâm ICISE) cũng trình bày phát hiện mới về Thí nghiệm T2K đang cùng các cộng sự thực hiện.

Đây là thí nghiệm quốc tế đặt tại Nhật Bản với 500 thành viên đến từ 14 quốc gia, lãnh thổ. Việt Nam là thành viên duy nhất Đông Nam Á tham gia thí nghiệm từ năm 2017 với 3 tiến sĩ trẻ.

T2K là thí nghiệm rất lớn đã công bố rất nhiều thành công trên các báo, tạp chí quốc tế, đang dẫn đầu thế giới trong việc nâng cao hiểu biết về các đặc tính của neutrino và làm sáng tỏ bí ẩn về sự thiếu hụt của phản vật chất trong vũ trụ.

                                                                                                                       Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt trao đổi với TS Cao Văn Sơn bên lề hội nghị

Đặc biệt, hội nghị còn có phần kỷ niệm 60 năm Trung tâm Vật lý lý thuyết và Vật lý tại Việt Nam do GS Trần Thanh Vân chủ trì. Trong đó, có bài tham luận về Vật lý thiên văn ở Việt Nam, hiện tại và triển vọng của TS Phạm Ngọc Điệp (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam)…

Dịp này, đại diện các nhà nghiên cứu trẻ về vật lý Neutrino Việt Nam, trong đó TS Cao Văn Sơn đã có trao đổi, thông tin đến Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt về đề án “Nâng tầm vị thế khoa học Việt Nam với vật lý Neutrino”.

Nhóm của TS Sơn đề xuất Bộ KH-CN cho phép nhóm nghiên cứu gồm 6 nhà nghiên cứu trong nước (5 tiến sĩ trẻ) được tham gia thí nghiệm Sper-Kamiokande (SK) đặt tại Nhật Bản, dự kiến vận hành năm 2027.

                                                                                                                                         Các nhà khoa học, đại biểu giao lưu, chụp ảnh kỷ niệm bên lề hội nghị

Sper-Kamiokande là trạm quan sát neutrino dưới lòng đất (1.000m) lớn nhất thế giới, xây dựng từ năm 1991, hoạt động năm 1996. Thí nghiệm SK được xem là “cỗ máy phát minh” của khoa học thế giới cuối thế kỷ này, nó tốt hơn gấp 10 lần về độ nhạy so với thí nghiệm đã từng đóng góp cho giải thưởng Nobel năm 2015.

Hiện, thí nghiệm này có 600 thành viên từ 104 viện, trường đại học từ 22 quốc gia. Nếu Việt Nam tham gia, khả năng rất cao thí nghiệm này sẽ giành được các giải thưởng danh giá như Nobel, giải Breakthrough.

                                                                                                                             Hội nghị PASCOS mỗi năm tổ chức 1 lần vòng quanh các nước tiến bộ trên thế giới

Nhóm nghiên cứu trẻ đặt mục tiêu, trong 5 năm tham gia thí nghiệm SK sẽ đóng góp 50 bài báo quốc tế trên các tạp chí quốc tế; đóng góp các công nghệ sử dụng kỹ thuật vật lý hạt và hạt nhân tại Việt Nam với sự hợp tác nhiều chuyên gia; tạo ra từ 2 đến 4 tiến sĩ chất lượng cao mới cho Việt Nam và khả năng giành được giải thưởng danh giá lớn về Vật lý Neutrino.

Tổng kinh phí để tham gia thí nghiệm tương đương 10 tỷ đồng, kéo dài trong 5 năm. Kinh phí này, Việt Nam sẽ chung tay với Đại học Tokyo, Viện KEK để thực hiện thí nghiệm…

                                                                                                                                Các lãnh đạo, nhà khoa học tưới cây bên Vườn Nobel ở ICISE


                                                                                                     Lãnh đạo Bộ KH-CN và lãnh đạo Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tham quan Vườn cây Nobel tại ICISE

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã cơ bản thống nhất, đồng ý để nhóm nghiên cứu trẻ về Vật lý Neutrino Việt Nam tham gia thí nghiệm SK.

Ưu tiên phát triển vật lý tại Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, theo xếp hạng của tổ chức xếp hạng quốc tế Scimago ở Tây Ban Nha, số lượng bài báo quốc tế trong lĩnh vực vật lý, thiên văn của Việt Nam từ vị trí 60 năm 2013 vươn lên vị trí 46 năm 2023.

Hiện, Việt Nam đã có 1 Trung tâm Vật lý quốc tế được UNESCO công nhận và bảo trợ từ năm 2018.

                                                                                                                        GS Trần Thanh Vân trao đổi, thông tin cùng Bộ trưởng Bộ KH-CN bên lề hội nghị

Từ năm 2009, Quỹ phát triển KH-CN Quốc gia (Nafosted) luôn ưu tiên dành kinh phí tài trợ các đề án nghiên cứu khoa học cấp cao, đồng hành cùng các nhà khoa học thực hiện các hợp tác nghiên cứu quốc tế, trong đó có chương trình phát triển vật lý mà Việt Nam có thế mạnh như vật lý lý thuyết và tính toán, vật lý các chất đậm đặc, quang lượng tử, vật lý hạt nhân…

                                                                                                                                                                                 NGỌC OAI - https://www.sggp.org.vn/gan-150-nha-khoa-hoc-gap-go-tai-quy-nhon-chia-se-ve-vat-ly-vu-tru-hoc-post748316.html