Gặp gỡ nhân kỷ niệm 50 năm ngày 30-04-1975

Published Date
09/05/2025

Sự kiện này do Hội Lịch sử thuộc địa và hậu thuộc địa, Hội Hữu nghị Pháp – Việt và Hội người Việt Nam tại Pháp đồng tổ chức.

Các vị lãnh đạo chủ trì buổi gặp mặt

Chiều thứ bảy 26/04/2025, tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp, đường Petit Musc, quận 4, buổi gặp gỡ nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam đã quy tụ khoảng 130 người, đa số là bạn bè Pháp. Sự kiện này do Hội Lịch sử thuộc địa và hậu thuộc địa, Hội Hữu nghị Pháp – Việt và Hội người Việt Nam tại Pháp đồng tổ chức.

Mở đầu cuộc trò chuyện, nhà sử học Alain Ruscio   đã trình bày khái quát về diễn biến tình hình tại Việt Nam từ năm 1945 đến trận Điện Biên Phủ, đánh dấu sự kết thúc ảnh hưởng của Pháp tại Việt Nam, sau đó là sự can thiệp của Mỹ cho đến ngày 30/04/75. Ông nhấn mạnh là thời đó, trước chính sách thực dân của những người lãnh đạo các nước gọi là văn minh, sự nổi dậy và đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã làm thức tỉnh các dân tộc thuộc địa và chính Điện Biên Phủ là ngòi pháo cho các cuộc nổi dậy của nhân dân thuộc địa trên thế giới. Sự can thiệp của Mỹ sau này khi thế chân Pháp ở Việt Nam mà lịch sử gọi là thời kỳ thực dân mới tất nhiên không thể có một kết cục nào khác là sẽ thất bại, ít nhất là trong lòng người.

Về phần Hội người Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Văn Bổn2  đã trinh bày về lịch sử của phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt tại Pháp, từ các bác công nhân thời kỳ Đệ nhị thế chiến đến các du học sinh từ miền Nam sang thời kỳ 60-70. Cũng do suy nghĩ thực dân của những nhà cầm quyền Pháp thời đó mà phong trào yêu nước đã gặp không ít khó khăn. Ông Bổn nêu : « May thay và điều này thật đáng trân trọng là tại Pháp, lương trị của người dân Pháp không theo ý của chính phủ mình, họ đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, trong đó phải kể đến các đảng viên Đảng cộng sản Pháp và những bạn bè yêu chuộng hòa bình khác ».

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) trình bày các hoạt động của Hội. Được thành lập vào năm 1961 bởi một nhóm người gồm các giáo sư, bác sĩ… do ông Charles Fourniau làm Chủ tịch. Chức năng của Hội là làm cho Việt Nam được biết đến và yêu mến. Ngày nay, Hội có 10 cơ sở trên toàn nước Pháp và ngoài việc giới thiệu đất nước Việt Nam qua tập san « Perspectives », Hội còn có những chương trình nhân đạo và xã hội tại Việt Nam. Hội cũng tham gia tích cực ủng hộ bà Trần Tố Nga trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam.


Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt

Trong phần trao đổi, các ký ức bản thân được gợi lên, rất đa dạng và bổ ích từ không khí vừa mừng vừa lo khi lần đầu tiên tiếp đón đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa tại căn nhà mà Đảng cộng sản Pháp dành cho đoàn tại thành Choisy-le-Roi trong suốt 5 năm diễn ra Hội nghị Paris ; sự gắn bó cùng chung nhau hoạt động giữa chi hội Marseille của Hội người Việt Nam tại Pháp và hội Hữu nghị Pháp-Việt, đặc biệt là với ông Charles Fourniau ; đóng góp của giáo sư Henri Carpentier giúp cuộc kháng chiến của Việt Nam trong ngành y tế qua việc gửi thuốc men về vùng giải phóng ; hồi ức về người cha gốc Algérie chống lại việc bị đưa sang Đông Dương đánh »người anh em Việt Nam » ; hoàn cảnh các người Việt Nam bị bắt sang Pháp vào những năm 1940 bị gọi tên là « nhà quê »…

Cuộc trò chuyện vui vẻ, mỗi người tham gia đóng góp ý kiến đều được vỗ tay nồng nhiệt.Một bàn tiệc đơn giản kết thúc buổi gặp gỡ thật ấm cúng như trong gia đình nhưng biết mấy ân tình, thấm đẫm tình hữu nghị anh em giữa hai dân tộc Việt và Pháp.

https://www.ugvf.org/vi/gap-go-nhan-ky-niem-50-nam-ngay-30-04-1975/