Giải thưởng Nguyễn Thị Định - Tôn vinh cán bộ hội phụ nữ năng động, sáng tạo
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chúc mừng các cán bộ hội được trao giải thưởng Nguyễn Thị Định và các chủ tịch Hội LHPN cấp huyện tiêu biểu - Ảnh: M.Trang |
Giúp nữ công nhân hội nhập đô thị
Trong khu lưu trú dành cho công nhân Công ty nhôm Kim Hằng (phường 7, quận 8, TPHCM) có 55 gia đình công nhân lưu trú. Ở đây, trong những căn phòng trọ được dựng khá đơn giản bằng tôn, mọi thứ đều ngăn nắp. Mỗi gia đình đều có ý thức gìn giữ sự tươm tất ấy cho phòng mình và cho cả khu. Trong các gia đình công nhân, những người vợ luôn được chồng mình chia sẻ việc nhà.
Có được những điều trên một phần là nhờ vào các buổi sinh hoạt chuyên đề “Kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình” do Hội LHPN TPHCM tổ chức với sự tham dự, tư vấn, chia sẻ của các chuyên gia tâm lý. Các buổi sinh hoạt chuyên đề này là một phần của đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị cho nữ công nhân lao động nhà trọ và khu lưu trú công nhân giai đoạn 2017-2021” mà người tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện là bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM, 1 trong 30 cán bộ hội được nhận giải thưởng Nguyễn Thị Định đợt này.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa cho biết, từ nhiệm kỳ trước, nhận thấy khá đông phụ nữ từ nhiều địa phương đến TPHCM mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ, làm thuê, làm công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, Hội LHPN TPHCM luôn trăn trở tìm cách giúp họ tự tin hòa nhập vào đời sống đô thị. Đề án ra đời nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của 50.000 nữ công nhân, lao động. Giai đoạn đầu, đề án được triển khai ở 3 quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh là những nơi có đông người lao động nhập cư.
Dưới hình thức tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề ở các khu nhà trọ sau 19g, Hội LHPN TPHCM đã giúp các nữ công nhân, người lao động tự do hiểu rõ hơn các chính sách pháp luật, các quyền lợi, nghĩa vụ của lao động nữ; kiến thức chăm sóc sức khỏe; văn hóa ứng xử trong gia đình và kỹ năng dạy con thời hiện đại; phương pháp quản lý tài chính gia đình…
Đến hết nhiệm kỳ 2017-2021, đã có trên 52.000 nữ công nhân lao động tiếp cận đề án. Từ 4 quận, huyện ban đầu, Hội LHPN TPHCM mở rộng không gian đề án ra nhiều quận, huyện khác. Tiếp nối đề án, trong nhiệm kỳ này, Hội LHPN các quận, huyện đã chủ động xây dựng các hoạt động hỗ trợ, chăm lo lực lượng lao động nhập cư tại địa phương mình.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa cho biết: “Có sự chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của nữ công nhân, trong đó rõ nhất là ý thức tập thể. Chị em có ý thức tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, tham gia tìm hiểu về hội phụ nữ cũng như có ý thức hơn ở nơi làm việc. Trước đây, chúng tôi không có các chi hội phụ nữ công nhân tại các khu nhà trọ nhưng khi kết thúc đề án (năm 2021), chúng tôi đã xây dựng được 31 chi, tổ hội phụ nữ công nhân nhập cư với gần 1.000 hội viên. Trong nhiệm kỳ mới này, con số đó vẫn đang tiếp tục tăng”.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (thứ ba từ trái qua) - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - là 1 trong 30 cán bộ hội nhận giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất - Ảnh: M.Trang |
Nhiều sáng kiến giúp ích cho cộng đồng
Trong 102 chủ tịch Hội LHPN cấp huyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024 được biểu dương sáng 8/10, TPHCM có 3 gương, gồm chị Hoàng Thị Thu Liên - Chủ tịch Hội LHPN quận 1, chị Đoàn Thị Cẩm Tú - Chủ tịch Hội LHPN quận 3, chị Đỗ Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội LHPN quận Tân Bình.
6 năm làm Chủ tịch Hội LHPN quận Tân Bình, chị Đỗ Thị Ngọc Lan đã có nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo có khả năng được nhân rộng ra toàn quốc. Có thể kể, mô hình “Cây hoa hạnh phúc” khơi gợi lòng tốt, hành động đẹp, mô hình “Góc bếp yêu thương” giúp những phụ nữ khó khăn có được góc bếp tươm tất, mô hình “Ngày vì phụ nữ yếu thế” giúp phụ nữ nghèo có được mái ấm tình thương, sổ tiết kiệm, phương tiện làm ăn…
Đặc biệt, với mô hình “Cùng con lớn khôn”, Hội LHPN quận Tân Bình đã vận động, kết nối được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, chăm sóc, tư vấn tâm lý, bảo trợ tất cả trẻ mồ côi do dịch COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn cho đến năm 18 tuổi.
Chị Đỗ Thị Ngọc Lan chia sẻ: “Cảm nhận được nỗi mất mát của các trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong đại dịch, tôi đã chỉ đạo các cấp hội đến thăm hỏi, động viên và khảo sát nhu cầu của gia đình các bé, từ đó đưa vào công trình trọng điểm của quận, từ đó hỗ trợ 3 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch COVID-19 với tổng kinh phí 180 triệu đồng, chăm lo mỗi trẻ 12 triệu đồng/năm”.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (bìa phải) - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - tặng cây xanh cho nữ công nhân, hội viên phụ nữ quận Bình Tân - Ảnh: Mẫn Nhi |
Chị Đoàn Thị Cẩm Tú cho hay, Hội LHPN quận 3 có mô hình nổi bật là “1+1”, tức là 1 hội viên nòng cốt vận động 1 phụ nữ vào hội, 1 chi hội xuất sắc hỗ trợ 1 chi hội mới. Cách làm này góp phần giúp cho công tác tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên đạt hiệu quả tốt hơn, đồng thời thể hiện được tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển.
Trong quá trình lãnh đạo Hội LHPN quận 1, chị Hoàng Thị Thu Liên đã thực hiện được nhiều công trình xây dựng môi trường xanh, như chủ động phối hợp cùng UBND phường Cầu Kho xóa 1 tụ điểm nhếch nhác về môi trường ở góc đường Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt, phát động Hội LHPN 10 phường đăng ký 10 tuyến đường, hẻm sạch có gắn camera, trồng cây, trồng hoa, tạo mảng xanh hoặc vẽ tranh trên các mảng tường cũ.
Hội LHPN quận 1 còn có công trình “Gạch xanh sinh thái”, làm 100 ghế ngồi cho các điểm sinh hoạt cộng đồng của 10 phường từ các chai nước suối; chương trình “Tiết kiệm xanh, trao nghĩa tình” đổi rác thải nhựa lấy quà là cây cảnh để trồng trong sân, ngoài cổng nhà.
Tận hiến cho công tác hội và phong trào phụ nữ Phát biểu tại lễ trao giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất sáng 8/10, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho hay, giải thưởng Nguyễn Thị Định được Hội LHPN Việt Nam xét tặng 2 lần/nhiệm kỳ. Theo bà, 30 cán bộ hội được trao giải thưởng lần này đại diện cho những phụ nữ thời đại mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Dù ở cấp nào, cương vị nào, các chị đều có điểm chung là tận tụy, tiên phong, gương mẫu, có nhiều sáng kiến đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội, sẵn sàng vì cái chung, tận hiến cho công tác hội và phong trào phụ nữ. Bà nói: “Các chị đã tiếp nối vững vàng truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, thực sự là nhịp cầu nối lòng dân với ý Đảng, góp phần tích cực củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Chúc mừng và biểu dương thành tích của các cán bộ hội, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng, giải thưởng sẽ có sức lan tỏa sâu rộng, động viên các cấp hội và phụ nữ cả nước nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ông nói: “Tôi mong các chị được tuyên dương và nhận giải thưởng Nguyễn Thị Định hôm nay tiếp tục giữ vững nhiệt huyết cách mạng, phát huy ưu điểm, tiếp tục hoàn thiện phương pháp công tác, truyền cảm hứng, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, đóng góp công sức, thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của công tác hội và phong trào phụ nữ”. Theo ông, vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực, việc gì phụ nữ cũng có thể làm được và làm tốt. Ông hy vọng, các cấp hội và phụ nữ toàn quốc tiếp tục có những chương trình hành động thiết thực, sáng tạo, thực hiện tốt phong trào thi đua, chủ động thích ứng công nghệ số, từ đó phát huy tốt truyền thống của phụ nữ Việt Nam. |
Nhóm phóng viên - Theo https://www.phunuonline.com.vn/giai-thuong-nguyen-thi-dinh-ton-vinh-can-bo-hoi-phu-nu-nang-dong-sang-tao-a1530861.html