Gian nan cuộc sống người Việt tại Nga trước thử thách mới

Published Date
14/03/2022

Baoquocte.vn. Các lệnh trừng phạt đơn phương liên tiếp được áp đặt nhằm vào Nga làm cho nền kinh tế của nước này đối mặt với thử thách chưa từng có và cuộc sống làm ăn của bà con người Việt Nam tại Nga cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Tại trung tâm thương mại ở thành phố Voronezh, miền Nam Nga - nơi có đông bà con tiểu thương người Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thúy sang Nga làm việc được gần 20 năm nay và đã trải qua nhiều thăng trầm trong công việc làm ăn buôn bán.

Chị Thúy cho biết cuộc khủng hoảng lần này là nghiêm trọng nhất trong những lần chị đã chứng kiến và đang gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống của người dân Nga cũng như người Việt Nam tại Nga.

Gian nan cuộc sống người Việt tại Nga trước thử thách mới
Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến cuộc sống của người dân Nga và cộng đồng người Việt tại Nga gặp khó khăn. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chị nói: “Cuộc khủng hoảng hiện nay là nghiêm trọng nhất trong những năm qua, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống của nước Nga, đặc biệt là đồng Ruble mất giá ảnh hưởng rất nhiều tới việc buôn bán và tích lũy.

Bốn năm trước, gia đình tôi mua căn hộ trị giá khoảng 70.000 USD với tỷ giá quy đổi khi đó là 1 USD bằng 33 Ruble. Bây giờ tỷ giá 1 USD hơn 100 Ruble. Như vậy, tài sản của gia đình đã mất giá tới gần bốn lần so với trước.”

Theo chị Thúy, việc đồng Ruble mất giá làm cho giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng mạnh, ảnh hưởng đến cả đời sống của người dân bản địa và người nước ngoài tại Nga. Người mua chưa quen được với mức giá mới nên sức mua rất kém, người dân rất hạn chế việc mua sắm.

Chị Thúy cho rằng cuộc khủng hoảng lần này gây lo lắng nhiều hơn so với cuộc khủng hoảng gần đây vào năm 2014 và nhiều người cũng rất hoang mang và lo lắng không biết tình hình chính trị sắp tới sẽ diễn biến ra sao.

Là người làm ăn buôn bán ở nước Nga 25 năm, anh Lê Văn Trọng nhận định khủng hoảng ở Nga gần như có tính chu kỳ 7-10 năm lại lặp lại một lần.

Tuy nhiên, lần này nước Nga đang chịu cuộc khủng hoảng kép của đại dịch Covid-19 và các lệnh trừng phạt nặng nề nhất từ trước tới nay, khiến đồng Ruble mất giá kỷ lục, đẩy những người đi buôn bán rơi vào tình trạng “buôn ngược" tức là nhập hàng vào với giá cao, nhưng lợi nhuận thu về lại giảm.

Anh Trọng phân tích: “Vào thời điểm tôi nhập hàng tỷ giá ổn định ở mức khoảng 70 Ruble/USD, lúc đó giá một mặt hàng khoảng 300 Ruble quy đổi được khoảng 4 USD. Để thu hồi vốn và có lãi để trả tiền thuê mặt bằng và tích lũy thì hàng tôi bán ra phải thu về khoảng 5 USD.

Với tỷ giá hiện nay thì giá bán mặt hàng đó phải ít nhất là 500 Ruble, nhưng mức giá này người mua không thể chấp nhận được, do đó chúng tôi chỉ có thể đặt ra mức giá thấp hơn. Với tỷ giá hiện nay, và với giả thiết tích cực nhất là bán được hàng thì tiền thu về vẫn âm. Chúng tôi gọi tình trạng này là buôn ngược".

Anh Trọng nhận định tình hình khó khăn sẽ kéo dài một vài năm. Nền kinh tế Nga sẽ phải mất ít nhất 3-4 năm để ổn định trở lại. Theo anh, trước tình hình hiện nay, các doanh nghiệp, chủ buôn lớn sẽ chủ yếu hoạt động cầm chừng để giữ chỗ và giữ mối làm ăn lâu năm, chờ khó khăn qua đi rồi mới tính những bước đi tiếp theo.

Anh Trọng chia sẻ: “Bản thân tôi chỉ mong bán được hết các mặt hàng đã nhập trước đây, thu về được phần nào tiền vốn nhập hàng, còn tiền thuế và chi phí khác thì phải chấp nhận lỗ. Ngay cả mặt hàng nào bán được tôi cũng sẽ nhập về rất ít, bán hàng cũng chỉ mong đảm bảo cho việc tồn tại, duy trì sinh hoạt tối thiểu trong điều kiện khó khăn hiện nay.”

Là người sinh sống và làm việc tại Nga hơn 30 năm, ông Lê Xuân Khái đánh giá biến động lần này là lớn nhất nhất đối với người Nga, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, ông Khái cũng có góc nhìn riêng về tình hình hiện nay.

Ông Khái đánh giá việc giao dịch bằng đồng USD bị hạn chế đã gây rất nhiều khó khăn, những tiểu thương người Việt kiếm ra tiền bằng đồng Ruble nhưng để tích lũy hoặc gửi về cho gia đình ở Việt Nam thì phải đổi ra USD, trong khi tỷ giá chênh lệch lớn quá gây ra thiệt hại bổ sung.

Tỷ giá chênh lệch lên đến 40-50% làm cho việc tích lũy rất khó khăn và để ổn định được cũng phải cần thời gian rất dài.

Ông khuyên mọi người cần tìm kiếm mọi khả năng, mọi cơ hội để vượt qua tình hình hiện nay. Ông Khái nêu ví dụ cụ thể, năm 2014 cũng là mốc thời gian rất khó khăn, nhưng sau một thời gian, người Việt đã vươn lên và có cuộc sống kinh tế tương đối khá.

Ông nói: “Tôi nghĩ lần này là khó khăn nhất, vất vả nhất nhưng tôi tin bà con sẽ chung tay chung sức, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau để vượt qua khó khăn".

Doanh nhân có 33 năm làm ăn ở nước Nga này tin rằng trong khó khăn thì tố chất của người Việt Nam cũng được phát huy, người Việt luôn cần cù, chịu khó, luôn cố gắng sáng tạo. Lần nào cũng vậy, sau một thời gian khắc phục khó khăn thì cộng đồng người Việt Nam tại Nga lại vươn lên mạnh mẽ.

TRẦN HIẾU/Baoquocte.vn.