Trưa 7-11, tại tỉnh Sóc Trăng, Lễ hội đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chính thức khai mạc.
Tham gia giải lần này, có 54 đội ghe Ngo đến từ các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long. Trong đó, 9 đội ghe ngo nữ sẽ tranh tài ở cự ly 1 km và 45 đội ghe Ngo nam sẽ tranh tài ở cự ly 1,2 km.
Lễ hội đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL năm 2022 có 54 đội tham gia tranh tài ở hai nội dung nam, nữ. Ảnh: NGUYỄN TRINH |
Đội vô địch ở nội dung đua ghe ngo nam sẽ được nhận cup và số tiền thưởng là 200 triệu đồng. Còn đội vô địch ở nội dung nữ sẽ nhận được cup và 150 triệu đồng tiền thưởng.
Trước đó, tối 6-11, tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng khai mạc Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc (Ok Om Bok) - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đánh giá cao ngày hội thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của bà con dân tộc Khmer.
Ông Chiến lưu ý: "Đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm: “Người đi trước truyền lại cho người đi sau. Ông, bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu, cộng đồng học hỏi lẫn nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình”.
Ngày hội văn hóa và Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo diễn ra ngày 2-11 đến ngày 8-11 với nhiều hoạt động hấp dẫn, như: Lễ hội phục dựng Lễ Cúng Trăng, hội thi trình diễn thả Đèn nước, hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; liên hoan ẩm thực đường phố...
Lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là Lễ cúng trăng thường được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, đây là lễ hội xuất phát từ tín ngưỡng dân gian thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người dân Khmer Nam bộ.
Khởi thủy của ghe ngo là thuyền độc mộc và được cải tiến dần theo thời gian để trở nên bắt mắt và đạt tốc độ nhanh hơn. Ảnh: NGUYỄN TRINH |
Ý nghĩa của lễ hội Ok Om Bok là để tỏ lòng biết ơn thần Mặt Trăng cai quản thủy triều, thời tiết đã mang lại cho bà con một mùa màng bội thu, đời sống no ấm.
Ghe ngo (tiếng Khmer gọi là Tuk Ngô), được bà con Khmer dùng để bơi đua dịp lễ hội Ok Om Bok, nhằm cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ghe ngo có kết cấu khởi thủy là chiếc thuyền độc mộc được làm từ cây sao, sau đó, được cải tiến, thêm đầu, đuôi ghe để bắt mắt hơn.
Ngày nay, do các lễ hội đua ghe ngo thường xuyên diễn ra, nên người dân Khmer Nam bộ đã cải tiến nhiều chi tiết hơn nữa để ghe có thể đạt tốc độ cao nhất, bắt mắt nhất tại các cuộc tranh tài.
Theo CHÂU ANH/Báo Pháp luật TP.HCM